02/11/2024

Lo giá sữa “nhảy múa”

Ghi nhận đến ngày 8-4 thị trường sữa vẫn “im ắng”, nhưng không ít bà mẹ băn khoăn giá sữa sẽ như thế nào sau khi được “thả cửa”.

 

Lo giá sữa “nhảy múa”

Ghi nhận đến ngày 8-4 thị trường sữa vẫn “im ắng”, nhưng không ít bà mẹ băn khoăn giá sữa sẽ như thế nào sau khi được “thả cửa”.

 

 

 

Lo giá sữa “nhảy múa”
Nhiều bà nội trợ lo lắng với giá sữa trong thời gian tới – Ảnh: DUYÊN PHAN

Dù giá các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn ổn định sau khi Bộ Công thương bỏ cơ chế giá trần kể từ ngày 1-4, nhưng nhiều bà mẹ nuôi con nhỏ đang lo ngay ngáy chuyện giá sữa có thể “nhảy múa” ngoài tầm kiểm soát trong thời gian tới.

Theo dự thảo thông tư về quản lý giá mặt hàng sữa của Bộ Công thương, từ ngày 1-4, các doanh nghiệp kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được quyền tự xác định mức giá bán lẻ sữa đến người mua cuối cùng.

Hồi hộp với giá sữa

Chị Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết hằng tháng gia đình phải dành khoảng 2 triệu đồng tiền sữa cho cậu con trai. Dù giá sữa vẫn đang cao ngất ngưởng so với thu nhập của đa số người dân, nhưng việc áp trần giá sữa trong ba năm qua cũng giúp gia đình chị cùng nhiều bà mẹ bỉm sữa khác phần nào an tâm, bởi giá sữa vẫn trong “tầm kiểm soát của Nhà nước”.

 

“Bây giờ bỏ biện pháp áp giá trần, có nghĩa là bỏ công cụ quản lý, tui lo rằng các doanh nghiệp tự tung tự tác tăng giá sữa, nhất là với thị trường có sự tham gia của nhiều ông lớn trong và ngoài nước. Nếu không quản lý chặt, các ông lớn này chắc chắn sẽ tìm cách tăng giá bán, gây khó cho những gia đình nuôi con nhỏ như chúng tôi”, chị Hương lo lắng.

 

Sự lo lắng này của người tiêu dùng hoàn toàn có cơ sở, bởi theo thông tin từ một số cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Thông (quận 3, TP.HCM), dù thị trường đang rất chậm nhưng một số hãng sữa đã tăng giá rộ lên gần đây, chủ yếu rơi vào nhãn sữa ngoại.

Vấn đề thông báo tăng giá sữa được đưa ra từ tháng trước, nhưng dù bước qua tháng 4-2017, sản phẩm vẫn được bán theo giá cũ… vì sức mua quá chậm.

“Chẳng hạn như sữa Ensure thông báo tăng 5% từ tháng 3 nhưng chúng tôi vẫn nhập hàng theo giá cũ, hay gần đây có Friso cũng gửi bảng giá mới mà không nêu lý do tăng giá”, chủ một cửa hàng sữa cho biết.

Theo chủ cửa hàng sữa này, việc giá sữa chưa bị đẩy lên theo giá công bố trước đó chủ yếu là do thị trường tiêu thụ chậm, nên không có gì đảm bảo giá sữa sẽ không tăng một khi thị trường tốt hơn, nhất là trong điều kiện giá trần đã được dỡ bỏ.

Thực tế cho thấy sau gần ba năm áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thị trường sữa VN khá trầm lắng, không còn những cuộc đua tăng giá định kỳ cũng như dồn dập ra mắt sản phẩm mới như trước.

Do đó, theo chị Như (Bình Thạnh), bà mẹ của hai con gái dưới 6 tuổi, với việc bỏ giá trần, không loại trừ các hãng sữa lại chạy đua khuyến mãi, quảng cáo để đẩy hàng như từng diễn ra và mọi chi phí đều đổ vào giá sữa, người tiêu dùng phải móc hầu bao nhiều hơn khi mua sữa cho con nhỏ.

Doanh nghiệp chờ hướng dẫn

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng việc dỡ áp trần giá sữa là cần thiết, Nhà nước nên để thị trường tự vận hành, chỉ can thiệp bằng các biện pháp hành chính nếu có biến động.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh sữa cho biết trên thị trường hiện có gần 1.000 chủng loại với hàng chục công ty, sự cạnh tranh đang rất khốc liệt. Các sản phẩm được chia thành các phân khúc rõ ràng phù hợp với nhiều đối tượng, người tiêu dùng có rất nhiều sự lựa chọn.

“Các hãng sữa sẽ không dại gì tăng giá dồn dập để mất lòng tin người tiêu dùng ngay khi được bỏ giá trần”, đại diện doanh nghiệp trên nói. Dù vậy, vị này từ chối bình luận về khả năng giá sữa dành cho trẻ em có tăng mạnh, khi câu chuyện giá trần này bắt đầu lắng xuống.

Ông Robert Graves, tổng giám đốc Tetra Pak VN, cho rằng thị trường sữa VN hiện đang có sự dịch chuyển từ tiêu thụ sữa bột sang sữa nước. Xu hướng này được lý giải là nhờ số người Việt uống sữa ngày càng nhiều hơn, và đề cao tính tiện lợi nhiều hơn như dễ di chuyển, dễ mang theo, hạn sử dụng dài…

“Thị trường đang ở trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, lượng tiêu thụ sữa bột ở các thành phố có dấu hiệu bão hoà và các nhà sản xuất sữa bột đang đối mặt với nhiều khó khăn”, ông Robert Graves nhận định.

Với giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới tương đối ổn định, do các thị trường xuất khẩu chính có nguồn cung dồi dào, lượng tiêu thụ không tăng, nên giám đốc một hãng sản xuất sữa trong nước cũng cho rằng việc dỡ bỏ áp trần giá sữa sẽ không làm biến động mạnh thị trường.

“Giá sữa trong nước khó có hiện tượng tăng tự do, bất hợp lý”, vị này nói. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành sữa cho biết đã nghe thông tin về việc dỡ bỏ áp giá trần sữa nhưng vẫn chờ một thông tư chính thức từ cơ quan quản lý nhà nước.

“Một khi đưa ra phương án bỏ trần giá sữa, cơ quan quản lý chắc chắn đã có đánh giá, tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng mọi phương án. Vì vậy, chúng tôi vẫn chờ đợi”, đại diện một doanh nghiệp sữa nói.

Chỉ quản lý khâu bán lẻ?

Như Tuổi Trẻ đã thông tin trước đó, với cách quản lý mới theo hướng dẫn của Bộ Công thương, các doanh nghiệp sẽ phải đăng ký hoặc kê khai giá với cơ quan nhà nước cũng như chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm trong toàn chuỗi phân phối trên cả nước.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Bộ Công thương cho biết việc quản lý giá sữa sẽ theo hướng yêu cầu các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ và thực hiện kê khai giá, đăng ký giá với cơ quan quản lý.

Trên cơ sở xem xét tính phù hợp của mức giá đăng ký, kê khai, cơ quan quản lý sẽ tăng cường giám sát giá ở khâu bán lẻ cuối cùng.

“Mức giá này sẽ là giá trần của sản phẩm sữa bán trong toàn hệ thống của thương nhân đầu mối. Giá sữa bán lẻ của các đơn vị phân phối sẽ chịu sự giám sát của thương nhân đầu mối, cũng như sự kiểm soát của các lực lượng chức năng trên địa bàn như sở công thương, quản lý thị trường, thanh tra thuế…”, vị này cho hay.

Cũng theo vị này, phương thức này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả… Có nghĩa là xác định được trách nhiệm của nhà phân phối, bán lẻ, khi có vi phạm có thể thu hồi sản phẩm, trong trường hợp sản phẩm có vấn đề về chất lượng.

Để quản lý thị trường giá sữa được ổn định về lâu dài, Bộ Công thương cho biết đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo việc quản lý giá phải theo hệ thống, tập trung kiểm soát khâu bán lẻ cuối cùng, gắn trách nhiệm của thương nhân đầu mối với giá bán và chất lượng sản phẩm.

Đến hết năm 2016, cơ quan quản lý giá từ trung ương đến địa phương đã thực hiện kiểm soát, quản lý đối với toàn bộ hơn 900 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

“Nguyên tắc kiểm soát là tổ chức hay cá nhân sản xuất, kinh doanh chủ động đăng ký, kê khai giá bán sản phẩm trong phạm vi mức giá tối đa quy định”, vị này nói, nhưng mức tối đa là mức nào sau khi bỏ giá trần vẫn đang bỏ ngỏ.

Bộ Công thương vừa có công văn thông báo có 8 doanh nghiệp sữa đã thực hiện việc kê khai, thông báo và đăng ký giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ dưới 6 tuổi, gồm Vinamilk, Dinh dưỡng 3A, Mead Johnson Nutrition VN, Nestle, phân phối Tiên Tiến…

Cũng theo bộ này, thời gian tới các doanh nghiệp sẽ thực hiện đăng ký giá, kê khai giá, thông báo giá tại sở công thương các địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Sở Công thương TP.HCM cho biết cơ quan này mới bắt đầu quá trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký kê khai giá của các doanh nghiệp.

NGỌC AN – NHƯ BÌNH