Nguy cơ khó lường tại Syria
Mỹ doạ tiếp tục tấn công, Nga điều tàu chiến
Nguy cơ khó lường tại Syria
Mỹ doạ tiếp tục tấn công, Nga điều tàu chiến
Mỹ và Nga có nguy cơ xô đẩy nhau vào sa lầy tại Syria và gây thêm khó khăn trong cuộc chiến chống IS nếu không cân nhắc kỹ các bước hành động tiếp theo.
Hôm qua, Mỹ tuyên bố nước này sẵn sàng tiếp tục tấn công và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Syria. AFP dẫn lời Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đưa ra cảnh báo này tại phiên họp khẩn cấp của HĐBA sau khi hai khu trục hạm USS Porter và USS Ross từ phía đông Địa Trung Hải bắn khoảng 60 tên lửa Tomahawk vào căn cứ Shayrat, Syria. Trước đó, Nhà Trắng cáo buộc chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad đứng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Khan Sheikhoun làm ít nhất 86 người chết hôm 4.4 và xem chiến dịch phóng tên lửa là động thái trừng phạt.
“Mỹ đã thực hiện một bước đi được tính toán rất kỹ. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hành động nhưng hy vọng sẽ không cần phải làm như thế”, bà Haley nói. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng tuyên bố Washington sẽ sớm áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế Syria.
Nguy cơ đụng độ
Đáp lại, Văn phòng Tổng thống al-Assad ra thông cáo gọi cuộc tấn công của Mỹ là “ngu ngốc và vô trách nhiệm, thể hiện sự thiển cận và mù quáng quân sự lẫn chính trị trước thực tế”. Tương tự, Nga lên án Mỹ đã có “hành động gây hấn” vi phạm luật quốc tế và sẽ gây tổn hại “đáng kể” cho quan hệ song phương. Đến nay, Moscow là đồng minh lớn nhất của Tổng thống al-Assad và có sự hiện diện quân sự đáng kể tại Syria về mặt nhân sự lẫn khí tài. Hôm qua, Nga đã tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả, bao gồm củng cố hệ thống phòng không ở Syria.
Ngay trong ngày, Hãng thông tấn Tass dẫn các nguồn tin quân sự và ngoại giao cho biết tàu hộ tống Đô đốc Grigorovich của Nga đã được triển khai đến căn cứ cảng Tartus ở miền tây Syria và có thể lưu lại trong hơn một tháng. Theo giới quan sát, đây là động thái “thể hiện sức mạnh” đầu tiên của Nga sau vụ tấn công, nhưng hiện chưa có thông tin về tàu Đô đốc Grigorovich sẽ làm gì khi chạm mặt các khu trục hạm Mỹ.
Theo Sputnik, tàu Đô đốc Grigorovich có độ choán nước 4.000 tấn và được biên chế cho Hạm đội Biển Đen vào tháng 6.2016. Tàu được trang bị 8 tên lửa hành trình Kalibr, hệ thống phòng thủ tên lửa Shtil-1, pháo 100 li A-190, cùng súng phòng không và ngư lôi. Hiện, ở vùng biển ngoài khơi căn cứ Latakia của Syria cũng đang có sự hiện diện của 2 tuần dương hạm Nga mang hệ thống phòng không S-300.
Cũng trong ngày 8.4, CNN đưa tin Lầu Năm Góc đang điều tra liệu Nga có dính líu vào vụ tấn công bằng vũ khí hoá học hay không. Đại sứ Mỹ Haley tuyên bố nhiều khả năng Nga “biết vẫn còn vũ khí hoá học ở Syria” hoặc có thể Moscow “đã bị Damascus lừa gạt. Quân đội Mỹ tuyên bố đã ghi nhận một máy bay không người lái “của Nga” hiện diện gần bệnh viện chữa trị các nạn nhân vũ khí hoá học ở Khan Sheikhoun trước khi nơi này bị oanh tạc. Vì thế, Lầu Năm Góc nghi ngờ có thể máy bay Nga ném bom bệnh viện để hủy bằng chứng hay không.
Đáp lại, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: “Điều đó không đúng sự thật”, còn Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố không tiến hành bất kỳ vụ bắn phá nào tại Khan Sheikhoun. Cơ quan này cũng xác nhận máy bay của quân đội Syria đã tấn công thị trấn Khan Sheikhoun hôm 4.4. Về thủ phạm vụ tấn công hoá học, Moscow tuyên bố “thông tin đã được kiểm chứng” cho thấy máy bay quân chính phủ Syria đánh trúng một kho chứa đầy chất độc do “quân khủng bố” sử dụng.
Hiện chưa rõ cuộc điều tra của Mỹ có đẩy hai nước tiến gần hơn đến “bờ vực đụng độ quân sự” như cảnh báo của Thủ tướng Dmitry Medvedev hay không. Tuy nhiên, Nga tỏ ra cương quyết với quyết định ngừng thoả thuận phối hợp hành động song phương ký vào tháng 10.2015 nhằm tránh nguy cơ xảy ra sự cố ngoài tính toán trên vùng trời Syria. Tass dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Igor Konashenkov khẳng định đường dây nóng liên lạc giữa hai nước nhằm thực hiện thoả thuận chính thức tạm ngưng từ 0 giờ ngày 8.4.
Hệ quả khôn lường
Trong khi đó, các chuyên gia quân sự Mỹ đều cho rằng nước này cần cân nhắc kỹ lưỡng các động thái tiếp theo và việc mở thêm chiến dịch quân sự tại Syria có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Theo tờ The Washington Post, nếu Mỹ tiếp tục chiến dịch quân sự nhằm vào Syria thì điều này có thể làm tăng nguy cơ mở rộng cuộc xung đột, nhất là lôi kéo Nga vào một cuộc đối đầu trực tiếp.
Thách thức lớn nhất cho Tổng thống Donald Trump là sự hiện diện của lính Nga trên chiến trường Syria. Mọi cuộc không kích nhằm vào Syria đều có thể gây thương vong cho cả quân Nga. Trong vụ tấn công vừa qua, khoảng 100 binh sĩ Nga đồn trú tại căn cứ Shayrat đã được báo trước trong khoảng 60 – 90 phút nhưng không có gì bảo đảm điều này sẽ được tiếp tục khi đường dây nóng giữa hai bên đã bị đình chỉ.
Mối lo ngại lớn khác khi Mỹ quyết định mở nhiều đợt tấn công liên tiếp tại Syria là hệ thống phòng không của quân chính phủ lẫn do Nga bố trí sẽ không “nhịn” như hôm 7.4 nữa. “Cả 2 năm nay, máy bay của liên quân quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu đã bay vòng quanh và xuyên qua hệ thống phòng không Nga và Syria một cách vô sự. Nếu Mỹ tiếp tục tấn công vào chính quyền al-Assad, có thể máy bay liên quân sẽ đối diện nguy cơ rất lớn, cựu quan chức quốc phòng Mỹ Andrew Exum cảnh báo. Điều này có thể dẫn tới một cuộc xung đột toàn diện kéo rất nhiều bên khác tham gia và phe có lợi nhất chính là IS.
Dư địa ngoại giao
Vì những lý do trên, có vẻ như Mỹ và Nga vẫn tỏ ra đang chừa dư địa cho các nỗ lực ngoại giao và chính trị để tránh tình hình vượt tầm kiểm soát. Ẩn ý này thể hiện qua tuyên bố “hy vọng sẽ không cần phải làm như thế” của Đại sứ Nikki Haley, còn Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói Washington đang theo dõi sát sao phản ứng của chính phủ Syria để cân nhắc hành động tiếp theo. Theo dự kiến, ông Tillerson sẽ đến Moscow từ 11 – 12.4 để hội đàm với người đồng cấp Sergey Lavrov cũng như gặp Tổng thống Vladimir Putin, và đến nay Bộ Ngoại giao Nga cho biết chuyến thăm vẫn sẽ diễn ra đúng lịch trình để “chờ nghe giải thích về vụ tấn công”. Giới quan sát cho rằng ngoại trưởng Mỹ sẽ tìm cách bảo đảm với người Nga rằng các cuộc không kích chỉ nhằm trừng phạt chính quyền ông al-Assad vì sử dụng vũ khí hoá học, chứ không nhằm làm nghiêng cán cân trong cuộc nội chiến tại Syria.
Chứng khoán giảm, dầu vẫn cao
Vụ tấn công Syria cùng báo cáo không như mong đợi về tình hình việc làm tại Mỹ khiến chỉ số chứng khoán tại Phố Wall sụt giảm vào lúc kết thúc giao dịch hôm qua.
Theo Reuters, các nhà đầu tư đang chờ đợi những diễn biến tiếp theo sẽ tác động như thế nào đến khả năng duy trì chính sách “thân doanh nghiệp” của Tổng thống Donald Trump. Cụ thể, chỉ số Dow Jones giảm 6,85 điểm còn 20.656,1 điểm, S&P 500 giảm 1,95 điểm còn 2.355,54 điểm, và Nasdaq giảm 1,14 điểm còn 5.877,81 điểm. Tuy nhiên, các công ty quốc phòng lại hưởng lợi từ quyết định tấn công Syria với cổ phiếu của Tập đoàn Raytheon tăng 1,5%, Lockheed Martin tăng 1,2%, Northrop Grumman tăng 0,9% và Boeing tăng 0,8%. Trong khi đó, giá dầu vẫn ở mức cao nhất trong vòng 1 tháng qua; giá dầu Brent tăng 35 xu Mỹ, đạt 55,24 USD/thùng; còn giá dầu WTI tăng 54 xu Mỹ, đạt 52,24 USD/thùng.
Khang Huy
|
Huỳnh Thiềm – Trùng Quang