29/11/2024

Kỹ năng phân tích văn bản thơ đề thi THPT quốc gia

Trong giới hạn nội dung ôn thi THPT quốc gia và tuyển sinh lớp 10, các tác phẩm thơ ca chiếm một phần quan trọng. Theo khảo sát của chúng tôi, số lần đề thi ra văn bản thơ chiếm gần một nửa các lần thi.

 

Kỹ năng phân tích văn bản thơ đề thi THPT quốc gia

Trong giới hạn nội dung ôn thi THPT quốc gia và tuyển sinh lớp 10, các tác phẩm thơ ca chiếm một phần quan trọng. Theo khảo sát của chúng tôi, số lần đề thi ra văn bản thơ chiếm gần một nửa các lần thi.




Học sinh lớp 12 Trường THPT Gò Vấp (TP.HCM) ôn tập môn văn  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học sinh lớp 12 Trường THPT Gò Vấp (TP.HCM) ôn tập môn vănẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH


Tuy phổ biến như thế và học sinh (HS) đã được học phân tích thơ từ đầu cấp THCS, nhưng khi được hỏi về kỹ năng phân tích thì hầu hết HS đều lúng túng. Dưới đây là những kỹ năng cần thiết để phân tích thơ.
Xác định các yêu cầu của đề bài
Ở chương trình lớp 12 có 5 bài thơ được học chính thức (gồm Tây tiến – Quang Dũng, Việt Bắc – Tố Hữu, Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm, Sóng – Xuân Quỳnh và Đàn ghi ta của Lor-ca – Thanh Thảo). Các văn bản này đều dài, vì thế việc ra đề cũng khá đa dạng.
Có các yêu cầu thường gặp sau đây: phân tích/cảm nhận về đoạn thơ (ví dụ một đoạn thơ trong bài Việt Bắc); phân tích một khía cạnh về nội dung hoặc nghệ thuật bao trùm toàn bộ bài thơ (ví dụ hình tượng người lính trong bài thơ Tây tiến, như đề minh hoạ của Bộ GD-ĐT vừa rồi); phân tích kết hợp bàn luận một ý kiến nhận định về bài thơ (ví dụ phân tích hình tượng “sóng” trong bài thơ cùng tên để làm rõ một nhận định nào đó); hoặc phân tích kết hợp so sánh đối chiếu 2 đoạn thơ của 2 bài thơ khác nhau…
Cần chú ý là với thang điểm 5, lại gánh vác nhiều nhất 2 nhiệm vụ của đề thi nên phần này thường có xu hướng phân thành nhiều mức yêu cầu, có sự tích hợp trong câu hỏi. Nếu đề yêu cầu phân tích đoạn hoặc so sánh 2 đoạn thơ thì có trích văn bản ra trên đề. Trong các dạng khác, thí sinh phải nhớ văn bản, nếu không sẽ không có ngữ liệu để làm bài.

Vận dụng 5 bước cơ bản

Với đề bài có nhiều mức yêu cầu, có sự tích hợp thì HS lần lượt giải quyết từng yêu cầu ấy, sau đó nhận xét đánh giá chung. Ví dụ phân tích thơ trước rồi bàn luận về nhận định sau hay phân tích lần lượt 2 đoạn thơ rồi nhận xét sự giống, khác nhau giữa chúng và đánh giá.
Đối với đề bài phân tích đoạn thơ hoặc một khía cạnh bao trùm bài, ngoài phần giới thiệu những kiến thức cơ bản liên quan đến tác giả, tác phẩm ở mở bài, phần đánh giá chung về nội dung, nghệ thuật và khẳng định sức sống, sự bất tử của tác phẩm, tác giả ở phần kết bài thì ở phần triển khai (thân bài) HS nên vận dụng 5 bước sau đây:
Bước 1, nhận xét khái quát bài thơ/đoạn thơ. Gồm các mặt như thể thơ, ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu nói chung. Đặc biệt là bố cục gồm bao nhiêu ý chính và định hướng cách phân tích theo bố cục như thế nào (cắt ngang, bổ dọc, hay kết hợp cả hai).
Bước 2, lần lượt phân tích theo định hướng bố cục trên. Thao tác này gồm các bước: lời dẫn hay chuyển ý, trích ngữ liệu thơ. Phải trích dẫn đầy đủ, chính xác.
Bước 3, diễn toàn bộ phần trích dẫn thơ ra văn xuôi. Phải diễn trôi chảy, đúng ý nghĩa, hay. Đáng nói là nhiều bài làm của HS chỉ dừng lại ở thao tác này nên chưa có chiều sâu và thường bị giám khảo nhận xét là “chỉ mới diễn xuôi”.
Bước 4, bám vào những từ ngữ, hình ảnh trọng tâm, các biện pháp nghệ thuật… để phân tích sâu, kỹ. Đây là bước cơ bản nhất, nó thể hiện khả năng cảm thụ về thơ ca của người viết. Muốn bài làm có chiều sâu phải phát huy hiệu quả của bước này.
Bước 5, so sánh, đối chiếu để làm nổi bật đoạn thơ. Có nhiều cách liên hệ, so sánh như về các hình ảnh, chi tiết, nghệ thuật trong bài thơ, ngoài bài thơ; so sánh với cùng một tác giả, khác tác giả hoặc những tác phẩm cùng viết về đề tài…
Sau khi vận dụng xong các bước trên cũng nên có tiểu kết để đáng giá chung về nội dung và nghệ thuật. Và cứ như thế, tiếp tục áp dụng 5 bước này cho các phần tiếp theo.
Các bước trên chặt chẽ như một bàn tay 5 ngón, trình tự từ ngón cái đến ngón út. Đó là kỹ năng phân tích thơ hợp lý và hiệu quả.


Trần Ngọc Tuấn 
(Giáo viên Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM)