Quyết giảm giá biệt dược
Hơn 400/700 biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ nhưng lại chậm cập nhật để sản xuất đại trà thuốc tương đương đã khiến giá vẫn quá cao.
Quyết giảm giá biệt dược
Hơn 400/700 biệt dược gốc hết hạn bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ nhưng lại chậm cập nhật để sản xuất đại trà thuốc tương đương đã khiến giá vẫn quá cao.
Cùng hoạt chất paclitaxel dùng trị ung thư, nhưng giữa biệt dược và thuốc phiên bản (generic) có nhiều mức giá khác nhau, chênh nhau đến hai lần – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã truyền đi thông điệp đầy quyết tâm khi yêu cầu Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội VN bổ sung quy định về mua biệt dược gốc hết bản quyền, Bảo hiểm xã hội không chi trả nếu tỉ lệ mua biệt dược gốc quá cao.
“Đặc quyền” biệt dược gốc
Ông Nguyễn Tá Tỉnh, trưởng ban dược – vật tư y tế Bảo hiểm xã hội VN, cho biết giá biệt dược gốc hiện quá cao nếu so sánh với thuốc cùng hoạt chất thuộc nhóm 1 (sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc của EU và nhiều tiêu chí khác, được coi là nhóm thuốc có chất lượng tốt – PV).
Ông dẫn chứng: “Cùng thuốc điều trị ung thư hoạt chất paclitaxel thì biệt dược gốc giá 5 triệu đồng/ống, thuốc cùng hoạt chất thuộc nhóm 1 chỉ 3 triệu đồng, hay kháng sinh hoạt chất ciprofloxacin cùng hàm lượng và đơn vị đóng gói, thuốc gốc giá 180.000 đồng, thuốc nhóm 1 chỉ 30.000 đồng”.
Theo ông Phạm Lương Sơn – phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN, tính trung bình giá biệt dược gốc (tính ở nhóm hết hạn bảo hộ bản quyền) cao hơn thuốc cùng loại ở nhóm 1 tới 5-7 lần, có những loại mức chênh lệch giá còn cao hơn.
Tuy nhiên điều đáng nói là trên 400 thuốc trong số 700 loại biệt dược gốc đã hết bản quyền, hoàn toàn có thể xếp vào thuốc nhóm 1 và khi đó việc đấu thầu, lựa chọn thuốc tốt cung cấp cho cơ sở khám chữa bệnh sẽ có mức giá hợp lý hơn.
Một chuyên gia về đấu thầu thuốc của Bộ Y tế cho hay tới đây có ít nhất 100 thuốc sẽ bị loại khỏi danh mục 700 biệt dược gốc để xếp vào thuốc nhóm 1. Vị này cũng cho rằng nên sớm cập nhật biệt dược gốc hết thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Danh mục biệt dược gốc của VN quá chậm cập nhật.
Nếu biệt dược gốc hết thời hạn bảo hộ và được đưa về nhóm 1 thì nhà sản xuất phải đưa giá thuốc về mức hợp lý mới có thể cạnh tranh, lúc đó cả quỹ bảo hiểm y tế và người bệnh đều được lợi.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cần cập nhật danh mục biệt dược gốc kịp thời hơn và có lộ trình từ thời điểm nào sẽ bắt đầu áp dụng “cơ cấu mua thuốc”, nếu không cả bệnh viện và người bệnh đều có thể khó khăn.
Theo bà Lan, khi kiểm soát chi phí mua thuốc có những trường hợp cùng một biệt dược nhưng lượng sử dụng năm sau cao gấp 3-4 lần năm trước. Trong khi cơ cấu bệnh không thể tăng 3-4 lần trong hai năm liên tiếp như vậy được. Ở đây có gì đó bất thường và cần kiểm soát nó sẽ hiệu quả hơn là chăm chăm nhìn giá thuốc và cứ bắt mua những thuốc giá rẻ nhưng hiệu quả điều trị lại thấp.
“Không khó tìm thông tin về tình trạng bản quyền của biệt dược gốc, chỉ cần xem ngoài biệt dược gốc có hay không thuốc cùng hoạt chất được châu Âu – nơi rất tôn trọng quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ – sản xuất là xác định được ngay” – một vị chuyên gia nói.
Do chậm cập nhật, trong hơn 4 năm qua biệt dược gốc chỉ được đưa thêm vào danh mục chứ không có đưa ra, kể cả loại hết thời hạn bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong khi các thuốc có tên trong danh mục biệt dược gốc được nhận nhiều đặc quyền khi tham gia đấu thầu, vì chỉ có 1 tên thuốc/hoạt chất, nên cứ đấu thầu là trúng thầu, và giá biệt dược gốc luôn ở mức cao. Có ý kiến cho rằng đây là một trong những lý do góp phần làm chi phí y tế ngày càng cao.
“Trước năm 2012 khi áp dụng quy định đấu thầu cũ, chi phí quỹ bảo hiểm y tế dùng mua thuốc chỉ trên 10.000 tỉ đồng/năm, gần đây lên tới 30.000 tỉ đồng, tỉ lệ phát triển người tham gia bảo hiểm và số lượng thuốc sử dụng không tăng lên gấp 3 như mức tăng chi phí cho thuốc như thế này” – vị chuyên gia nhận định.
Nguồn: PV – Đồ hoạ: NHƯ KHANH |
Tỉ lệ nào là hợp lý?
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bảo hiểm xã hội VN thống nhất với Bộ Y tế cơ cấu mua sắm, sử dụng giữa biệt dược gốc và thuốc cùng hoạt chất thuộc nhóm 1, đồng thời yêu cầu bảo hiểm không thanh toán với những trường hợp mua sắm, sử dụng ngoài cơ cấu đã thống nhất.
Vậy cơ cấu này nên ở mức bao nhiêu? Theo Bảo hiểm xã hội VN, cơ cấu biệt dược gốc nên ở mức 30%, 70% còn lại là thuốc phiên bản – generic.
Tuy nhiên, một chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai cho rằng không nên quy định cứng về tỉ lệ mà nên giao trách nhiệm cho trưởng các khoa chuyên môn, như thuốc đến mức nào thì trưởng khoa phải duyệt, không chỉ bác sĩ quyết định và kê đơn thuốc.
“Chúng tôi đang chữa một bệnh nhân có khối nấm trong phổi, biệt dược gốc giá cao hơn hẳn nhưng an toàn với bệnh nhân suy thận, trong khi thuốc phiên bản dùng vào lại có nguy cơ với nhóm bệnh nhân này. Tùy tình hình của bệnh nhân mà quyết định” – chuyên gia của Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.
Bác sĩ Hoàng Xuân Thành – chuyên khoa săn sóc đặc biệt ở một bệnh viện – cũng nêu thực tế có bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, bác sĩ cho sử dụng một loại kháng sinh generic (dạng chích) do Ấn Độ sản xuất có giá 150.000 đồng/lọ nhưng 10 ngày vẫn không dứt sốt. Bác sĩ buộc phải đổi sang biệt dược gốc có giá 380.000 đồng/lọ, sau ba ngày bệnh nhân hết sốt.
Theo bác sĩ Thành, để tốt nhất cho người bệnh và không ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm y tế là bác sĩ phải chỉ định thuốc đúng với bệnh lý của người bệnh, bệnh nặng dùng biệt dược gốc, bệnh nhẹ cho thuốc generic.
Để chỉ định thuốc đúng, bác sĩ Thành nói rằng vai trò quản lý và giám sát kê toa của bệnh viện rất quan trọng. Cho thuốc đúng chỉ định sẽ giảm được chi phí không cần thiết để người bệnh nặng thực sự có thuốc tốt sử dụng. Tuy nhiên, do nhiều bệnh viện chưa giám sát tốt nên bác sĩ chỉ định thuốc chưa đúng còn khá phổ biến.
“Tổ chức Y tế thế giới đã công nhận VN theo chính sách thuốc generic thì Bộ Y tế cứ lấy generic làm chuẩn. Tăng cường sử dụng thuốc generic nhưng phải đảm bảo thuốc có chất lượng. Nếu quỹ bảo hiểm y tế không thể thanh toán 100% chi phí biệt dược gốc đã hết bản quyền thì nên quy định quỹ bảo hiểm y tế chỉ thanh toán đối với biệt dược gốc bằng giá thuốc generic nhóm 1 trúng thầu cùng hoạt chất. Bệnh nhân muốn sử dụng biệt dược gốc phải trả thêm phần chênh lệch đó”- một chuyên gia đề nghị.
Cũng theo chuyên gia này, khi có quy định như vậy giá biệt dược gốc có thể sẽ giảm nhiều để tăng khả năng tiếp cận thuốc của bệnh nhân, đồng nghĩa với việc bán được nhiều hàng. Ngoài ra, đấu thầu tập trung cũng là một biện pháp để giảm giá thuốc, khi mua số lượng lớn giá thuốc sẽ rẻ hơn.
Nhiều chiêu giữ giá thuốc cao Theo công ước quốc tế, thời gian bảo hộ bản quyền thuốc 20 năm, sau đó các công ty dược khác mới được quyền sản xuất thuốc phiên bản – generic. Biệt dược gốc hết bản quyền thì việc sản xuất thuốc generic chủ yếu dựa vào cung cầu, có nhiều nhà cung cấp sẽ có cạnh tranh, giá thuốc sẽ giảm. Việc giảm giá sau khi hết bản quyền đối với biệt dược gốc bao nhiêu phần trăm còn tùy chính sách của mỗi quốc gia. Quốc gia nào “ép” được, giá sẽ giảm dần. Còn không thì nhà sản xuất vẫn tìm cách để duy trì lợi nhuận cao càng lâu càng tốt. Giám đốc một công ty dược phẩm khẳng định về lý thuyết, khi hết bản quyền, giá biệt dược gốc có thể giảm 50-70%. Tuy nhiên kéo giá xuống không dễ, một số “ông trùm” sẽ tìm đủ chiêu “vừa đánh, vừa đạp” để kéo dài thời hạn bảo hộ độc quyền, ngăn không cho các doanh nghiệp khác sản xuất thuốc generic có hoạt chất, công thức giống họ. Chưa kể, các công ty phát minh biệt dược gốc còn có nhiều chiêu để gây khó dễ cho các công ty sản xuất thuốc generic. Chiêu đầu tiên là khi biệt dược gốc sắp hết bản quyền, công ty dược sở hữu sẽ cải tiến một vài chi tiết nhỏ, đăng ký bản quyền mới để kéo dài thời hạn bảo hộ thêm 10-12 năm. Chiêu thứ hai là cứ ai làm thuốc generic cùng hoạt chất, công thức với biệt dược gốc là đi kiện. Việc kiện tụng này giúp các ông trùm được lợi: thông tin về kiện tụng bản quyền như quảng cáo không công cho biệt dược gốc, khiến người tiêu dùng hiểu “thuốc gốc là thuốc xịn, có kẻ khác đi nhái”. Bên bị kiện không dám sản xuất, hoặc sản xuất rồi nhưng không dám đưa hàng ra vì sợ bị kiện, kết quả công ty sở hữu biệt dược gốc kéo dài lợi nhuận do giữ được giá cao. Ngoài ra, khi gần hết bảo hộ bản quyền, “ông trùm” sẽ chuyển giao bí quyết sản xuất biệt dược gốc cho 1-2 công ty con. Và bằng cách này công ty phát minh chỉ giảm giá vừa phải song song với sản xuất thuốc generic. Khi đúng ngày hết bản quyền biệt dược gốc, thuốc generic từ công ty con của ông trùm sẽ tung ra với giá thấp hơn biệt dược gốc nhưng vẫn không rẻ so với các thuốc generic khác cùng hoạt chất, công thức… Với nhiều lợi thế: được chuyển giao kinh nghiệm, bí quyết bào chế… và có mặt đầu tiên trên thị trường nên thuốc generic của công ty con sẽ được người sử dụng và bác sĩ biết và quen với thương hiệu đó. Nhờ đó họ kéo dài được thời gian sinh lợi nhuận cho đến lúc họ cảm thấy đủ thì buông. |
Rà soát, đánh giá về chi phí mua thuốc Thông tin từ Bảo hiểm xã hội VN cho hay cơ quan này đang rà soát, xác định chi phí mua thuốc, trước khi bàn bạc với các cơ quan liên quan về mặt cơ cấu biệt dược gốc/thuốc phiên bản và có cơ cấu hợp lý theo yêu cầu của Chính phủ. Ngày 31-3, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường có văn bản gửi các bệnh viện, sở y tế và doanh nghiệp dược, triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về sửa đổi quy định mua biệt dược gốc đã hết thời hạn bảo hộ bản quyền. Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu báo cáo ngay về cơ cấu mua sắm, sử dụng thuốc các nhóm tại đơn vị, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai đấu thầu mua thuốc. Hạn chót báo cáo là ngày 15-4. |