Mỹ phá đường dây gian lận thị thực nhập cư
Trong chiến dịch truy quét mở rộng nạn gian lận nhập cư, giới chức liên bang Mỹ hôm 11-3 đã phá vỡ một đường dây chuyên giúp người nước ngoài nhập cư Mỹ bằng “thị thực sinh viên”.
Mỹ phá đường dây gian lận thị thực nhập cư
Trong chiến dịch truy quét mở rộng nạn gian lận nhập cư, giới chức liên bang Mỹ hôm 11-3 đã phá vỡ một đường dây chuyên giúp người nước ngoài nhập cư Mỹ bằng “thị thực sinh viên”.
Cảnh sát thuộc bộ phận điều tra an ninh nội địa Mỹ xem xét các thiết bị tại một trong bốn trường dính líu đến “gian lận thị thực sinh viên” ở California – Ảnh chụp lại từ màn hình |
Nhà chức trách Mỹ đã phạt bốn trường đăng ký là trường đại học và cao đẳng ở bang California dính líu đến đường dây làm thị thực giả thu hàng triệu USD dưới dạng học phí này.
Sinh viên đăng ký ở các trường này chủ yếu là người nước ngoài, phần lớn là người từ Trung Quốc, Hàn Quốc sang và ở lại Mỹ bằng thị thực “sinh viên” nhưng không bao giờ đến lớp học.
Chủ trường là người Hàn Quốc
Tình trạng đáng quan ngại Trong những năm gần đây, số vụ “lừa đảo thị thực sinh viên” tăng đáng quan ngại buộc một số nghị sĩ Mỹ phải kêu gọi chính phủ theo dõi cả các trường học lẫn sinh viên. Nhà chức trách Mỹ đã truy quét các trường ở Virginia, New Jersey và California, là các bang được liệt vào hàng “trung tâm của hoạt động gian lận nhập cư”. Thượng nghị sĩ Dân chủ Dianne Feinstein ở California, Charles Grassley thuộc Đảng Cộng hòa ở Iowa và một số người khác đã kêu gọi chính phủ liên bang hành động ngăn chặn những âm mưu gian lận thị thực này. |
Báo Los Angeles Times cho biết chính quyền liên bang Mỹ nêu đích danh bốn trường này là Prodee University/Neo-America Language School tọa lạc ở khu vực lân cận Koreatown (Phố Hàn) tại Los Angeles, Trường Walter Jay M.D. Institute, Trường American College of Forensic Studies ở Los Angeles và Trường Likie Fashion and Technology College nằm gần Alhambra.
Chủ của những trường này là ông Hee Sun Shim, 51 tuổi, cùng hai trợ lý Hyung Chan Moon và Eun Young Choi đã lần lượt bị bắt ở Beverly Hills và Los Angeles. Ba nghi can trên bị buộc 13 tội danh liên quan đến việc sử dụng hoặc sở hữu tài liệu nhập cư giả mạo, tội “gian lận nhập cư” và rửa tiền. Họ đã bị tạm giam và buộc tội tại tòa án liên bang ở Los Angeles.
Theo cáo trạng của tòa án ở Los Angeles, ba người trên đã ngầm thông báo đến “các sinh viên nước ngoài” rằng họ có thể dự tuyển vào một trong bốn trường này mà không cần đến lớp. Sau khi nhận được hồ sơ của số “sinh viên” nước ngoài thì nhân viên của trường sẽ lo thị thực giả cho họ được ở lại Mỹ dài lâu.
Đây là cuộc truy quét mới nhất trong loạt chiến dịch trừng phạt hành vi gian lận thị thực trên khắp nước Mỹ.
“Đó là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Đó là những hình thức có thể đã bị những loại người muốn gây tổn hại cho nước Mỹ lợi dụng” – đặc vụ Claude Arnold ở Los Angeles nhấn mạnh.
Bốn trường này đã tuyển khoảng 1.500 sinh viên Trung Quốc và Hàn Quốc. Phần lớn số “sinh viên” này không sống ở Los Angeles mà đang tạm trú tại Texas, Nevada và Hawaii.
Họ đã đóng tổng cộng khoảng 6 triệu USD “học phí” cho các trường này. Hee Sun Shim và các phụ tá còn bị cáo buộc tạo ra những thành tích ma cho sinh viên, bao gồm học bạ nhằm mục đích lừa dối cơ quan di trú của Mỹ.
Các nhà điều tra cho biết ba nghi can trên đã hướng dẫn các sinh viên khai thông tin gian lận trong mẫu khai có tên gọi là Form I-20.
Đây là loại hồ sơ có thể giúp sinh viên đủ tư cách để có được thị thực sinh viên F-1 nhằm có thể ở lại Mỹ dài lâu. Đổi lại, mỗi sinh viên phải trả 1.800 USD học phí trong sáu tháng cho một trong bốn trường trên.
Những ngôi trường trống rỗng
Trường ngôn ngữ Prodee University/Neo-America tọa lạc trên tầng 5 của tòa cao ốc văn phòng nằm gần Koreatown ở Los Angeles. Tuy nhiên khi các đặc vụ liên bang ập vào thì đây là một ngôi trường trống không, cũng có phòng học, văn phòng quản lý và một thư viện nhỏ nhưng không có ai theo học hay làm việc trong đó.
Những trường này được chính quyền liên bang cho phép cấp loại hồ sơ chứng nhận sinh viên nước ngoài đã được chấp nhận đến học tại trường và sẽ được học ở các lớp học toàn thời gian tại Mỹ.
Trong quá trình điều tra, nhà chức trách Mỹ đã hỏi 35 sinh viên, chủ yếu là người Hàn Quốc. Một số sinh viên đã chuyển hồ sơ đến một trong bốn trường trên sau khi theo học ngắn hạn các trường khác ở Mỹ với mục đích có được thị thực sinh viên F-1.
Giới chức Mỹ cho biết không chỉ bốn trường trên dính đến đường dây lừa đảo “thị thực sinh viên” mà trên khắp nước Mỹ còn rất nhiều dạng này. Vụ gian lận thị thực sinh viên lớn nhất liên quan đến Trường đại học Tri-Valley ở bắc California, khiến hơn 1.000 sinh viên rơi vào tình trạng bị bỏ rơi và gây ra làn sóng phản ứng dữ dội tại Ấn Độ.
Hiệu trưởng của trường là Susan Su bị bỏ tù năm 2013 sau khi đã thu hàng triệu USD “học phí” của người nước ngoài.
Đây là đợt truy quét nạn gian lận thị thực nhập cư trên quy mô lớn ngay sau khi giới chức liên bang phá vỡ đường dây “du lịch sinh đẻ”, đưa sản phụ Trung Quốc sang California sinh nở để lấy quốc tịch Mỹ cho con.