29/11/2024

Không nên tiếp tục xây các khu lưu trú ở Sơn Trà

Đó là ý kiến của ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) khi trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh công tác bảo tồn thiên nhiên tại Sơn Trà (Đà Nẵng) trước thực trạng bán đảo chịu nhiều tác động.

 

Không nên tiếp tục xây các khu lưu trú ở Sơn Trà

Đó là ý kiến của ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) khi trao đổi với PV Thanh Niên xung quanh công tác bảo tồn thiên nhiên tại Sơn Trà (Đà Nẵng) trước thực trạng bán đảo chịu nhiều tác động.




Việc “bê tông hóa” Sơn Trà đang tác động xấu đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học	 /// Ảnh: Hoàng Sơn

Việc “bê tông hoá” Sơn Trà đang tác động xấu đến công tác bảo tồn đa dạng sinh họcẢNH: HOÀNG SƠN

Nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn thiên nhiên tại Sơn Trà, ông đánh giá thế nào về hiện trạng rừng tại bán đảo?
Diện tích rừng ưu tiên dùng cho bảo tồn đa dạng sinh học tại bán đảo đang bị thu hẹp dần theo thời gian. Cụ thể, năm 1976, toàn bộ Sơn Trà có 4.439 ha với phần lớn diện tích rừng. Đến năm 1992, Bộ NN-PTNT thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và thành lập ban quản lý với diện tích không đổi. Tuy nhiên đến năm 2008, sau điều tra quy hoạch 3 loại rừng, UBND TP.Đà Nẵng đã quyết định quy hoạch Sơn Trà chỉ còn 2.591 ha rừng đặc dụng. Tại thời điểm này, Sơn Trà là 1 trong 10 khu rừng cấm đầu tiên của VN.
Sau nhiều năm, hiện chưa có điều tra lại về tổng thể rừng bán đảo. Viện Sinh thái học miền Nam đang điều tra về đa dạng sinh học nhưng chưa có kết quả. Việc xây dựng resort, đường giao thông, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ… trong 5 năm qua đã khiến rừng đang bị thu hẹp. Không những vậy, chất lượng rừng cũng bị giảm so với trước đây.
Việc xây dựng nhiều cơ sở lưu trú tại bán đảo Sơn Trà tác động thế nào đến đa dạng sinh học, nhất là môi sinh của “nữ hoàng linh trưởng” voọc chà vá chân nâu?
Xây dựng nhiều cơ sở tại Sơn Trà sẽ phá vỡ sự cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Các dự án tập trung xung quanh chân núi bán đảo Sơn Trà đã làm mất đi tính liên tục hệ sinh thái từ rừng xuống biển. “Bê tông hoá” và “đô thị h” bán đảo ảnh hưởng toàn bộ tập tính tự nhiên của động vật hoang dã do mở đường chia cắt rừng, mạch nước… Hiện chỉ còn 10/20 con suối chảy quanh năm. Điều kiện môi trường tự nhiên thay đổi khiến động vật thay đổi theo, tạo thành những tập tính không mong muốn.
Tại Sơn Trà, năm 2010 có 300 cá thể với 20 đàn voọc. Chúng sống và di chuyển trên cây với khoảng cách từ 3 – 4 m. Nhưng giờ làm đường, chia cắt từ 5 – 10 m nên voọc không nhảy qua được. Nếu muốn qua cây khác nó phải “xuống đường” và dễ gặp rủi ro như: bẫy bắt, tai nạn… Hiện các gia đình voọc phân bố hầu hết các độ cao của bán đảo, từ 15 – 700 m đều có voọc sinh sống. Thực tế, người dân nhìn thấy voọc là thấy ở độ cao dưới 200 m và sát biển. Do vậy, các dự án tiếp tục đầu tư ở những vị trí này sẽ thu hẹp dần sinh cảnh sống của voọc, chia cắt khoảnh rừng khác nhau, nguồn thức ăn tốt bị giảm dần… Nhiều đơn vị cho rằng cây bụi, dây leo không quan trọng nên chặt bỏ nhưng đây là nguồn thức ăn cho voọc, chặt dây leo là chặt nguồn thức ăn của chúng.
Dự án bạt núi tại Sơn Trà khiến địa hình thay đổi cũng như đã triệt hạ nhiều diện tích rừng gây ảnh hưởng thế nào đến đa dạng sinh học bán đảo, thưa ông?
Việc này cần thiết phải có một đơn vị đứng ra đánh giá lại mức độ tác động về đa dạng sinh học, nguồn nước, cảnh quan… Trước đây, tại khu vực dự án Khu du lịch Tiên Sa và lân cận có 3 đàn voọc về theo mùa, xuất hiện theo thời tiết. Nhưng với việc khu vực này bị tác động thì voọc sẽ rất khó về lại vì bị tác động tâm lý…
Tôi cũng đặt dấu hỏi về cơ sở khoa học lấy độ cao dưới 200 m phục vụ các dự án phát triển kinh tế. Nhiều người cho rằng cần điều tra rừng thuộc độ cao này có hoàn toàn là rừng nghèo. Tôi cũng đề nghị điều tra lại hiện trạng đa dạng sinh học, hệ sinh thái rừng xung quanh chân núi Sơn Trà, từ đó có cơ sở kết luận khi quy hoạch.
Quy hoạch mới nhất vào năm 2008 ghi diện tích rừng đặc dụng 2.591 ha, còn lại diện tích của Sơn Trà là cái gì thì không ai biết, trong khi trước đây rừng Sơn Trà rộng đến 4.439 ha. Những dự án đã và sẽ triển khai đều không nằm trong khu bảo tồn nhưng lại nằm trong vùng đất khác. Nhưng thực tế là không phải cứ ở trong khu bảo tồn mới đa dạng sinh học cao mà diện tích đất khác vẫn rất cần bảo vệ.
Ông đánh giá thế nào về việc trong quy hoạch, TP.Đà Nẵng cho xây dựng có nhiều khu vực lưu trú?
Theo tôi không nên tiếp tục xây dựng các khu lưu trú nữa. Hãy xem Sơn Trà là một khu bảo tồn, du lịch sinh thái hoàn toàn tự nhiên. Bây giờ không xây thêm nữa mà phải giữ nguyên hiện trạng, từ đó biến Sơn Trà thành nơi giáo dục cho thế hệ trẻ. Học sinh ở Đà Nẵng và những nơi khác đến nghiên cứu, học tập, tạo ra những sản phẩm mà vẫn có thể tạo ra tiền. Khu du lịch sinh thái đúng bản chất có thể thu vé, dành riêng cho những hạng khách khác nhau để quay lại bảo tồn. Năm ngoái Cù Lao Chàm thu 40.000 đồng/người, một năm họ thu được 12 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, ở Sơn Trà có thể phát triển du lịch khám phá, lập các điểm, tuyến quan sát voọc và chim nhưng phải theo các đường mòn. Về lâu dài vẫn có thể mở các tuyến vào rừng. Tôi cho rằng, những đơn vị lữ hành hoàn toàn có thể làm được và chính quyền vẫn dễ dàng kiểm soát hơn là giao đất để xây resort…
Hơn 10.000 người ký tên kiến nghị điều chỉnh quy hoạch Sơn Trà
Đó là thông tin do ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, nêu tại văn bản gửi Thủ tướng vào ngày 5.4, liên quan đến dự án “bạt núi Sơn Trà”.
Trước đó, vào ngày 3.4, Thủ tướng đã giao Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với UBND TP.Đà Nẵng xem xét các kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để xử lý theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng. Sau khi nhận được văn bản hoả tốc truyền đạt ý kiến Thủ tướng, ông Huỳnh Tấn Vinh viết : “Ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng bước đầu làm cho những người yêu và mong muốn giữ gìn báu vật Sơn Trà bớt đi một phần lo lắng…”. Theo ông Vinh, đến thời điểm sáng 5.4, đã có 10.361 người ký tên đồng tình với kiến nghị xem xét điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể Sơn Trà theo hướng không đánh đổi môi trường lấy kinh tế; giải cứu Sơn Trà khỏi tình trạng “bê tông hoá”.
Cũng trong văn bản này, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tiếp tục kiến nghị giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà; chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách; hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà…

 

Hoàng Sơn (thực hiện)