01/11/2024

Iceland buộc trả lương công bằng cho phụ nữ

Quốc hội Iceland đã thông qua dự luật yêu cầu các đơn vị kinh doanh công lập và tư nhân phải chứng minh trước luật pháp rằng họ trả lương công bằng cho mọi đối tượng lao động, bất kể giới tính.

 

Iceland buộc trả lương công bằng cho phụ nữ

 Quốc hội Iceland đã thông qua dự luật yêu cầu các đơn vị kinh doanh công lập và tư nhân phải chứng minh trước luật pháp rằng họ trả lương công bằng cho mọi đối tượng lao động, bất kể giới tính.

 

 

 

Iceland buộc trả lương công bằng cho phụ nữ

Phụ nữ Iceland được tôn trọng – Ảnh: AFP

Dự luật đã được chính phủ trình lên quốc hội quốc đảo này trong ngày 4-4 và đã được thông qua. Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Bình đẳng và xã hội Iceland Thorsteinn Viglundsson dẫn nội dung dự luật nêu rõ tất cả công ty và các đơn vị kinh doanh có quy mô từ 25 nhân viên trở lên đều phải cam kết chi trả thù lao công bằng cho các nhân viên.

Theo đó, các công ty tư nhân cũng như các đơn vị nhà nước đều sẽ phải trải qua quá trình thanh tra và cấp giấy chứng nhận chi trả lương bình đẳng cho cả hai giới, nếu không đạt yêu cầu thì các đơn vị sẽ phải chịu một số hình thức phạt.

Quyết tâm làm tới

“Chênh lệch lương giữa nam và nữ là chuyện có thật trên thị trường lao động của Iceland và giờ đây là lúc phải thực thi những biện pháp căn cơ. Chúng tôi biết cách làm và có cơ chế để làm được điều đó” – Bộ trưởng Thorsteinn Viglundsson giải thích với Hãng tin AFP.

 

Theo ông, thậm chí những đơn vị được chính quyền cấp chứng nhận mà không tuân thủ thực hiện cũng sẽ phải chịu phạt. Tuy nhiên, luật mới này cũng chỉ hi vọng giảm mức chênh lệch lương bổng nam – nữ hiện nay ở nước này về mức 7%. Với gần 50% nghị sĩ là phụ nữ, dự luật đã nhận được sự ủng hộ từ cả chính phủ liên minh trung hữu và phe đối lập. Luật sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1-2018. Như vậy, Iceland là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành luật có nội dung liên quan tới trả lương bình đẳng.

Thực ra Iceland đang là quốc gia đứng đầu trong Danh sách chỉ số chênh lệch thu nhập theo giới tính toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) 2015, trên cả Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển. Đảo quốc với 323.000 dân này đang có những tăng trưởng kinh tế tốt đẹp trong vài năm gần đây. Người dân cũng có truyền thống đấu tranh vì bình đẳng hàng chục năm trước.

Vào ngày 27-10-1975, phụ nữ ở Iceland từng từ chối làm việc, nấu nướng, làm việc nhà hoặc chăm sóc con cái để phản đối sự bất bình đẳng trong thu nhập và tôn trọng nhân phẩm. Họ gọi đó là “Ngày phụ nữ nghỉ làm”. Bản thân Bộ trưởng Viglundsson từng là người đích thân vận động nam giới tập hợp nhân một hội thảo về đấu tranh cho bình đẳng giới tổ chức tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York hôm 16-3 vừa qua. “Chúng tôi khuyến khích đàn ông và trẻ trai phải trở thành những hạt nhân chính của sự thay đổi này” – Bộ trưởng Viglundsson kêu gọi.

Thực tế còn khó khăn

Iceland là quốc gia châu Âu có những bước đi mạnh mẽ nhằm đem lại sự bình quyền nam nữ. Nhưng lương của phụ nữ tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trung bình thấp hơn 16% so với nam giới. Điều đó thường được lý giải rằng do phụ nữ làm việc tại các vị trí được trả lương thấp hơn. Nhưng ngay cả khi phụ nữ làm cùng một công việc như nam giới thì đa số trường hợp họ vẫn nhận lương thấp hơn.

Sự phân biệt đối xử với phụ nữ này cũng khiến kinh tế châu Âu thiệt hại. Một nghiên cứu của Eurofond cho thấy các nước EU chịu thiệt hại mỗi năm 370 tỉ euro do thiếu sự tham gia đầy đủ của phụ nữ trên thị trường lao động. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là tiền lương 
thiếu công bằng.

Trong khi đó, nghiên cứu được Hiệp hội phụ nữ Đại học Mỹ công bố năm 2012 cho biết là có một khoảng cách về lương giữa nam và nữ sau một năm họ ra trường. Một năm sau khi tốt nghiệp từ các trường với mức độ cạnh tranh tương tự nhau, nam giới đã được hưởng mức lương hằng năm là 55.142 USD, trong khi đối với phụ nữ chỉ là 48.493 USD. Điều này có nghĩa là phụ nữ chỉ kiếm được 88 cent cho mỗi 1 USD người đàn ông đã được nhận.

Tăng lương cho nghị sĩ để chống tham nhũng

Iceland cũng là quốc gia gây nhiều bàn tán khi quyết định tăng lương đến 44% cho các nghị sĩ, tức là từ 6.300 lên 9.000 euro mỗi tháng – cao gấp đôi mức thu nhập trung bình của người lao động đảo quốc này.

Nghị sĩ Brynjar Nielsson đánh giá: “Tăng lương cho các nghị sĩ là rất quan trọng vì như thế mới lôi kéo được người tài, để họ có thể giữ được tính độc lập và không phải làm thêm việc khác để có thể sống đúng mực. Rồi thì nguy cơ tham nhũng với các nghị sĩ cũng sẽ giảm đi rất nhiều khi họ có được mức lương như thế”.

Biện pháp cải cách này, có hiệu lực từ đầu năm nay, tuy vậy cũng khiến một số người dân nghi ngờ vì họ cho rằng chuyện không tham nhũng là thuộc phạm trù tư tưởng.

HOÀNG DUY LONG