Bầu cử Pháp và nỗi ám ảnh Nga
Khi nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 vẫn chưa ngã ngũ thì ở Pháp, không dưới 2 lần Uỷ ban bầu cử Pháp phải cảnh báo về nguy cơ tương tự.
Bầu cử Pháp và nỗi ám ảnh Nga
Khi nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 vẫn chưa ngã ngũ thì ở Pháp, không dưới 2 lần Uỷ ban bầu cử Pháp phải cảnh báo về nguy cơ tương tự.
Ứng cử viên Marine Le Pen – Ảnh: Reuters |
Chỉ một động thái nhỏ từ phía Nga như cho ra kết quả thăm dò khác với truyền thông chính thống Pháp cũng làm cho Paris lo lắng, đó phải chăng là một hội chứng tâm lý hay chỉ là sự cẩn trọng quá mức?
Lại con bài tin giả
Báo The Guardian của Anh ngày 3-4 dẫn nguồn từ Uỷ ban bầu cử quốc gia Pháp cho biết cơ quan này vừa phát đi một cảnh báo sau khi Hãng thông tấn Sputnik của Nga cho ra kết quả thăm dò nói ứng cử viên bảo thủ François Fillon đang dẫn đầu cuộc đua cho ghế tổng thống Pháp.
Kết quả này hoàn toàn đi ngược lại kết quả thăm dò của hầu hết truyền thông chính thống Pháp, theo đó ông Fillon chỉ đứng thứ 3, sau ứng viên trung dung Emmanuel Macron và ứng viên cực hữu Marine Le Pen.
Đây không phải là lần đầu tiên Uỷ ban bầu cử quốc gia Pháp đưa ra cảnh báo. Hồi tháng 2 vừa rồi, các trợ lý của ứng viên Macron đã hô hào nói họ đang trở thành mục tiêu của “đám truyền thông giả dối Nga”, bao gồm cả Hãng thông tấn Sputnik.
Ông Macron có quan điểm cứng rắn về các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sputnik khi đó đã phát đi một bản tin nói ông Macron có thể là “một gián điệp của Mỹ”.
Trong khi đó, cựu thủ tướng Pháp Fillon có quan điểm mềm dẻo hơn, cho rằng các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga là không hiệu quả và chỉ tạo ra bầu không khí căng thẳng. Ngày 29-3, Sputnik cho đăng tải bài viết với tiêu đề: “Bầu cử tổng thống 2017: Fillon trở lại dẫn đầu cuộc thăm dò”.
Bài báo của Sputnik dựa trên cuộc khảo sát trực tuyến của một công ty có trụ sở tại Matxcơva. Kết quả này đồng nghĩa với việc ông Fillon vẫn còn cơ hội ở bầu cử vòng 2 (ngày 7-5) trong khi nếu dựa theo truyền thông Pháp, cựu thủ tướng đã hết hi vọng ngay từ khi vòng 1 (ngày 23-4) chưa bắt đầu.
Thực tế ngay từ giữa tháng 2, Sputnik đã công bố các cuộc thăm dò nói ông Fillon bắt đầu vượt lên dẫn trước vào thời điểm mà các cuộc thăm dò ở Pháp cho thấy ông Macron đang đẩy cựu thủ tướng xuống vị trí thứ 3.
Sputnik sau đó tiếp tục công bố thêm một thông tin nói ông Macron đã nhận được nhiều món quà trang trí từ những người ủng hộ khi còn là quan chức cấp cao trong Điện Élysée và bộ trưởng kinh tế Pháp.
Uỷ ban bầu cử Pháp đã lập tức bác bỏ thông tin của Sputnik, nói rằng nó không đại diện cho dư luận Pháp và việc hãng thông tấn của Nga gọi đó là “thăm dò dư luận” là trái với định nghĩa trong quy định của luật Pháp.
Chưa có bằng chứng
Thượng nghị sĩ Richard Burr, chủ tịch Uỷ ban tình báo Thượng viện Mỹ – một trong những cơ quan đang điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ, hồi tuần rồi đã lên tiếng cảnh báo Matxcơva đang cố gắng can thiệp cuộc bầu cử ở Pháp.
Báo The Guardian của Anh nhận định Nga bắt đầu quan tâm kết quả cuộc bầu cử ở Pháp sau khi ứng viên Macron tuyên bố sẽ kêu gọi EU áp thêm lệnh trừng phạt Nga nếu Matxcơva không tuân thủ cam kết giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuy vậy, cho tới bây giờ, cả Uỷ ban bầu cử quốc gia Pháp lẫn Cơ quan tình báo đối ngoại Pháp (DGSE) vẫn không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào làm cơ sở cho các cảnh báo Nga can thiệp bầu cử.
DGSE hồi tháng 2 từng đưa ra cảnh báo Nga sẽ ủng hộ bà Le Pen trong cả 2 vòng bầu cử sắp tới để đánh bại ông Macron.
Các cuộc khảo sát gần đây ở Pháp đều cho thấy bà Le Pen gần như chắc chắn vượt qua vòng đầu tiên, nhưng sẽ thất bại ở vòng 2 quyết định trước cựu bộ trưởng kinh tế Macron.
Trong bối cảnh tranh tối tranh sáng về khả năng can thiệp của Nga, bà Le Pen đã bất ngờ có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhà lãnh đạo Nga bác bỏ cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử Pháp và nhấn mạnh không phải cứ tiếp xúc với các chính trị gia Pháp, điển hình như bà Le Pen, là cố tình gây ảnh hưởng.
Ứng cử viên Macron vẫn đang dẫn đầu các kết quả thăm dò ở Pháp dù vướng phải bê bối dùng tiền ngân sách nhà nước để trả lương cho vợ và các con. Bám sát phía sau là bà Le Pen có quan điểm người Pháp trên hết và có thiện chí với Nga. |
Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung (trưởng khoa quan hệ quốc tế Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM):
Xung khắc mới Không một quốc gia có chủ quyền nào hài lòng khi công việc nội bộ bị quốc gia khác can thiệp, thao túng. Đối với các cường quốc trên thế giới, điều này càng nhạy cảm hơn nữa khi một nhân vật hay sự kiện nào đó trong quốc gia mình có dấu hiệu “bàn tay” của một quốc gia khác nhúng vào. Khi cáo buộc sự can thiệp đó đến từ Nga, quốc gia có đường lối đối ngoại cứng rắn với phương Tây, tình hình càng thêm phức tạp. Sự kiện trung tướng Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, phải từ chức ngày 13-2 vì không trung thực trong mối “quan hệ” của mình với đại sứ Nga tại Mỹ là một ví dụ. Ở Pháp, cáo buộc Nga sử dụng hạ tầng mạng Internet cũng như truyền thông để giúp các ứng cử viên bảo thủ hay cực hữu như François Fillon hay Marine Le Pen giành ưu thế trong chiến dịch tranh cử trước các đối thủ khác, vốn có quan điểm cứng rắn với Nga trong vấn đề Crimea, đã thể hiện một cuộc xung khắc mới giữa Nga và các quốc gia phương Tây. Xung khắc trước đó là chuyện các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu gia hạn cấm vận kinh tế Nga tới giữa năm 2017 kể từ khi Crimea được sáp nhập vào Nga năm 2014. |