01/11/2024

Rối bời tuyển sinh cao đẳng, trung cấp

Tại hội nghị ngày 4-4, nhiều trường tỏ ra lo lắng khi đến nay vẫn chưa dám quảng bá, giới thiệu thông tin tuyển sinh do chưa hoàn tất thủ tục chuyển sang hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

 

Rối bời tuyển sinh cao đẳng, trung cấp

 Tại hội nghị ngày 4-4, nhiều trường tỏ ra lo lắng khi đến nay vẫn chưa dám quảng bá, giới thiệu thông tin tuyển sinh do chưa hoàn tất thủ tục chuyển sang hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

 

 

 

Rối bời tuyển sinh cao đẳng, trung cấp
Thầy Nguyễn Huỳnh Quang Thiện hướng dẫn sinh viên lớp 14A khoa cơ khí động lực Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng thực hành – Ảnh: Như Hùng

Dù hội nghị được Tổng cục Dạy nghề – Bộ LĐ-TB&XH tổ chức với nhiều nội dung, nhưng do sức nóng của tuyển sinh mà toàn bộ thời gian của hội nghị đã được dành trọn để các trường CĐ, trung cấp và Tổng cục Dạy nghề đối thoại về những vướng mắc của tuyển sinh năm 2017.

Cả nước hiện có hơn 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có gần 1.000 trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp.

Bao giờ mới được quảng bá tuyển sinh?

Đó là câu hỏi được ông Vũ Văn Đoan – hiệu trưởng Trường CĐ Thủy lợi Bắc Bộ – đặt ra tại hội nghị khi nói về yêu cầu phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp mới được tiếp tục tuyển sinh.

Theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH, bắt đầu năm học 2017-2018, các trường phải đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, chuyển đổi chương trình đào tạo để hoạt động theo quy định mới.

Trong đó, chương trình đào tạo mới phải đảm bảo ít nhất 50% thời lượng thực hành, giảng viên thực hành cần đạt trình độ kỹ năng nghề nhất định.

Ông Đoan cho rằng khối lượng công việc để thực hiện chuyển đổi này đối với trường CĐ chuyên nghiệp từ Bộ GD-ĐT chuyển sang nhiều hơn gấp ba lần các trường CĐ nghề vốn đã đặt sẵn dưới sự quản lý nhà nước của Bộ LĐ-TB&XH.

Trường CĐ Thuỷ lợi Bắc Bộ hiện đang có 80% giảng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, nay tiêu chuẩn mới cần nhiều hơn đội ngũ giảng viên có tay nghề cao, nên không thể chuyển đổi ngày một ngày hai được.

Trước đây trường đào tạo 70-80% lý thuyết, nay buộc phải xây dựng lại chỉ còn tối đa 50% lý thuyết nên gặp không ít khó khăn.

“Nay đã hết quý 1 mà chúng tôi vẫn chưa chuyển đổi xong và cũng không dám chắc quý 2 sẽ hoàn thành” - ông Đoan trăn trở.

Chung tâm trạng này, bà Lê Thị Hồng Hoa – chủ tịch HĐQT kiêm hiệu trưởng Trường trung cấp y dược Lê Hữu Trác – cho rằng quy định phải chuyển đổi đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp có phần “quá vội vã”.

“Tôi đã dự bốn hội nghị về giáo dục nghề nghiệp, đại diện của tổng cục nói thủ tục chuyển đổi rất dễ dàng, chỉ hai ngày là xong. Nhưng thực tế, cả trường tôi lăn lê bò toài suốt hai tuần qua mà chưa đâu vào đâu” – bà Hoa trần tình.

Theo bà Hoa, cơ quan quản lý nên tạo điều kiện để những trường trước đây khi trực thuộc Bộ GD-ĐT đang hoạt động bình thường được chuyển đổi ngay, rồi kiểm tra sau, chứ không nên bó buộc các trường phải chạy theo các quy định này.

Trái với lo lắng của các trường, ông Vũ Văn Hà – phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Tổng cục Dạy nghề – vẫn khẳng định theo đúng Luật giáo dục nghề nghiệp, các trường chỉ được phép tuyển sinh khi đã hoàn tất thủ tục và được công nhận chuyển đổi sang cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

“Khi chuyển đổi, việc làm hồ sơ rất nhanh. Trước đây theo thông tư của Bộ GD-ĐT, để được cấp phép tuyển sinh phải thực hiện 3 bước với thời hạn 125 ngày, nhưng nay chỉ tích hợp 1 bước với thời hạn 10 ngày” – ông Hà lý giải.

Cần có cơ chế liên thông CĐ lên ĐH

Bà Nguyễn Thị Hường – hiệu trưởng Trường CĐ Dược trung ương Hải Dương – cho biết nhà trường đang rất hoang mang, lo lắng vì là một trong số nhiều trường CĐ xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia nhưng lại không có kênh tiếp cận thí sinh thuận lợi như mọi năm.

Các năm trước, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển cùng hệ thống tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Cuối tháng 7, trường nhận được kết quả thi của thí sinh để xét tuyển và gọi thí sinh nhập học từ tháng 8.

Tuy nhiên năm nay, bắt đầu từ ngày 1-4, thí sinh đăng ký xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia bắt đầu nộp hồ sơ thì trường liên tục nhận được điện thoại của thí sinh và các trường phổ thông: các em nhập mã trường vào cổng thông tin của Bộ GD-ĐT không được. 

“Bộ GD-ĐT chặn luôn rồi, không có mã trường làm sao đăng ký xét tuyển? Thí sinh không vào được hệ thống thì chỉ còn cách gửi hồ sơ trực tiếp. Chúng tôi sốc và thấy rất hoang mang. Ngành y vẫn còn được coi là dễ tuyển, trường tôi cũng được coi là thương hiệu mà còn khó khăn như thế…” – bà Hường chia sẻ.

Trước thực tế này, bà Hường cùng đại diện một số trường đề nghị Tổng cục Dạy nghề nhanh chóng thiết lập hệ thống thông tin hỗ trợ các trường tuyển sinh, đồng thời có kênh kết nối với Bộ GD-ĐT để các trường CĐ có xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia tiếp cận thí sinh tham dự kỳ thi do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Áp lực tuyển sinh phải tìm mọi cách hút người học cũng khiến nhiều trường kiến nghị Tổng cục Dạy nghề phải có trách nhiệm thúc đẩy ban hành quy chế liên thông CĐ lên ĐH, khi hiện tại hai bậc đào tạo này thuộc về hai cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, một bên thuộc Bộ LĐ-TB&XH, một bên thuộc Bộ GD-ĐT.

“Nhiều thí sinh bày tỏ với chúng tôi: Em muốn học liên thông lên ĐH. Nếu chỉ học CĐ mà không liên thông thì chúng em không học đâu…” – hiệu trưởng một trường CĐ nêu thực tế.

Nỗi lo lắng này hoàn toàn có cơ sở khi thực trạng tuyển sinh CĐ bấy lâu nay trồi sụt, lên xuống đều chịu tác động mạnh từ cơ chế liên thông.

Trong năm 2013-2014, khi Bộ GD-ĐT siết chặt quy chế liên thông, chỉ tiêu CĐ nhiều trường sụt giảm thê thảm vì người học không mặn mà với tấm bằng CĐ mà biết trước cánh cửa ĐH phía trước quá ngặt nghèo.

TS Nguyễn Hồng Minh – tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề – cho biết tới đây việc thẩm định ban hành quy định liên thông từ CĐ lên ĐH là Thủ tướng Chính phủ. Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH đang cùng nhau xây dựng quy định liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên ĐH và trình Chính phủ ban hành trong quý 3-2017.

“Khi cơ chế hình thành, quyền lợi của người tham gia học sẽ được đảm bảo hơn. Có điều phải sau 2-3 năm nữa mới có người tốt nghiệp hệ trung cấp và CĐ theo chương trình giáo dục nghề nghiệp mới. Khi đó, những quy định liên thông do hai bộ cùng xây dựng như nêu trên mới được áp dụng” – ông Minh nói.

Học càng cao càng thất nghiệp nhiều

Kết quả của Bản tin khảo sát thị trường lao động cho thấy một nghịch lý: học càng cao thì thất nghiệp càng nhiều.

Học sinh CĐ ra trường trước ngày 31-12-2016 thất nghiệp, chủ yếu nhóm này học lý thuyết nhiều nhưng thực hành ít. Điều này cũng đúng với hệ trung cấp chuyên nghiệp.

Nhưng với trình độ CĐ nghề, về cơ bản, rất ít học sinh ra trường thiếu việc làm, đặc biệt ở những trường nghề chất lượng cao và ngành nghề trọng điểm. Hệ thống trường nghề trung cấp cũng có thời gian thực hành nhiều nên tỉ lệ có việc làm cũng không thấp.

Ông Nguyễn Hồng Minh – tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH

NGỌC HÀ