Sản phẩm hữu cơ chưa được VN chứng nhận
Ngày 4.4, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN phối hợp tổ chức hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Sản phẩm hữu cơ chưa được VN chứng nhận
Ngày 4.4, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN phối hợp tổ chức hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Thống kê của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ, đến năm 2017 VN có 76.000 ha diện tích đang canh tác, nuôi trồng hữu cơ, tăng 3,6 lần so với năm 2010. Hiện tại, 30/63 tỉnh, TP trên cả nước có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của VN xuất khẩu vào những thị trường vô cùng khắt khe về chất lượng như Mỹ, Nhật, Anh, Đức, Hàn Quốc, Nga, Singapore… đạt giá trị cao.
TIN LIÊN QUAN
Cấm thực phẩm ‘rác’ của phương Tây để bảo vệ sức khoẻ
Người đứng đầu hội đồng du lịch tỉnh cho biết lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm ‘rác’ nước ngoài (thực phẩm đóng gói, ăn liền, ít chất dinh dưỡng) sẽ giúp cải thiện sức khoẻ của người dân đảo.
Tuy nhiên, theo bà Vũ Lê Y Voan, Phó trưởng ban Hợp tác quốc tế, T.Ư Hội Nông dân VN, phần lớn sản phẩm hữu cơ xuất khẩu đều do các tổ chức quốc tế chứng nhận.
Trong khi các cơ quan quản lý trong nước vẫn chưa có khung pháp lý quy định tiêu chuẩn rõ ràng nên thực tế không đơn vị nào đứng ra chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ, ngoài các nhóm hộ nông dân sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Hệ thống đảm bảo sự tham gia (PGS) cho các sản phẩm tiêu thụ trong nước. Trên thị trường cũng hỗn loạn khi mạnh ai người ấy công bố và người làm tốt, làm đúng cũng không được chứng nhận.
Giải thích vì sao VN chưa có bộ chứng nhận sản phẩm hữu cơ, ông Nguyễn Nam Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường quản lý chất lượng (Bộ KH-CN), cho biết bộ này đã ban hành TCVN 11041:2015 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ áp dụng cho sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi, chuyển đổi từ tiêu chuẩn CODEX CAC/GL 32-1999, sửa đổi năm 2013.
Trên thực tế, quá trình phổ biến tiêu chuẩn này có hạn chế, nội dung ngôn ngữ còn quá khoa học, rất khó áp dụng. “Trong thời gian tới, giữa Bộ NN-PTNT và Bộ KH-CN sẽ đưa ra các tiêu chí và hướng dẫn tiêu chuẩn thực hành hữu cơ cũng như phát triển hệ thống chứng nhận quốc gia một cách minh bạch, không để tình trạng mỗi người làm một phách như hiện nay”, ông Nam nói.
Ngoài giấy chứng nhận, theo ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hội Nông nghiệp hữu cơ VN, đến nay chưa có doanh nghiệp làm nông nghiệp hữu cơ vay được vốn từ ngân hàng. Bởi lẽ, trong tất cả các văn bản pháp luật, chính sách hỗ trợ nông nghiệp không có chữ nào nhắc đến nông nghiệp hữu cơ.
Cho nên phía ngân hàng không có cơ sở cho vay vốn, dù mô hình trị giá nhiều tỉ đồng. “Việc cần làm ngay hiện nay là phải xây dựng đề án hỗ trợ sản xuất hữu cơ trình Chính phủ phê duyệt tháo gỡ những khó khăn pháp lý cho người đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn và chứng nhận sản xuất hữu cơ là chìa khóa cần phải được xem xét hiện nay.
Nếu không giải quyết được vấn đề này việc sản xuất không có cơ sở để quản lý, giám sát chứng nhận sản phẩm hữu cơ, từ đó có thể trở thành phong trào và rất dễ đi vào ngõ cụt. Người làm nông nghiệp hữu cơ thực sự nhưng khi bán sản phẩm lại bán như sản phẩm bình thường thì không ai muốn làm”, ông Mịch kiến nghị.
Kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, khẳng định đối với TCVN 11041:2015 của Bộ KH-CN đã ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống thì Bộ sẽ phối hợp để chỉnh sửa ngay và có hướng dẫn cụ thể cho người dân, doanh nghiệp áp dụng. Ngoài ra, Bộ sẽ chủ trì xây dựng trình Chính phủ có đề án, nghị quyết chuyên đề hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Phan Hậu