01/11/2024

Ai môi giới cho ông Tập đi gặp ông Trump?

Giới quan sát nhận định con rể ông Trump, “cố vấn cấp cao” Jared Kushner, có vai trò đặc biệt trong việc định hình quan hệ Mỹ – Trung sắp tới.

 

Ai môi giới cho ông Tập đi gặp ông Trump?

Giới quan sát nhận định con rể ông Trump, “cố vấn cấp cao” Jared Kushner, có vai trò đặc biệt trong việc định hình quan hệ Mỹ – Trung sắp tới.

 

 

 

Ai môi giới cho ông Tập đi gặp ông Trump?
Tổng thống Donald Trump (trái) và cố vấn cấp cao Jared Kushner đến dự cuộc họp với các lãnh đạo doanh nghiệp tại Nhà Trắng – Ảnh: Reuters

Báo Washington Post (Mỹ) cho rằng kênh ngoại giao thông qua “ngả” Jared Kushner giữa Trung Quốc và Mỹ đã được thiết lập ngay sau khi ông Trump đắc cử với sự giúp đỡ của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger – một người rất thân Trung Quốc.

Trong một loạt các cuộc gặp gỡ với giới quan chức cao cấp của Trung Quốc, ông Kushner và các trợ lý khác của ông Trump đã tham gia vào quá trình chuẩn bị “dọn đường” và lên kế hoạch chương trình nghị sự cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo vào ngày 6-4, sớm hơn rất nhiều so với những diễn biến cụ thể trong thực tế.

Theo đó, khi Tổng thống Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tuần này, hai nhà lãnh đạo sẽ chỉ hệ thống hóa lại những nội dung thảo luận đã được trù tính sớm đó. Và đương nhiên, kết quả của chúng sẽ tạo ra những ảnh hưởng rất lớn với Mỹ, Trung Quốc và khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Theo các quan chức Nhà Trắng cũng như nhóm quan chức chuyển giao quyền lực, mục đích của ông Jared Kushner là mở rộng và cải thiện quan hệ Mỹ – Trung, bất chấp những xung đột dai dẳng.

 

Quan điểm này của con rể ông Trump sẽ đi ngược lại với quan điểm của một số quan chức cao cấp khác trong chính quyền tổng thống Trump, những người muốn đối đầu với Bắc Kinh trong nhiều vấn đề khác nhau, như những gì ông Trump từng nêu trong cương lĩnh tranh cử.

Ngấm ngầm kết nối

Theo báo Washington Post, vào giữa tháng 11 năm ngoái, ông Kissinger gặp các ông Kushner, tướng Michael Flynn (lúc đó được chỉ định giữ chức cố vấn an ninh quốc gia) và Tổng thống đắc cử Donald Trump tại toà nhà Trump Tower.

Khi đó ông Trump yêu cầu ông Kissinger tới Bắc Kinh và chuyển thông điệp bằng miệng tới nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng mọi thứ thuộc về quan hệ hợp tác song phương đều có thể đưa ra để thảo luận với nhau.

Ngày 2-12, ông Kissginger gặp ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Sau đó ông Tập có gửi lại một hồi đáp riêng cho thấy Trung Quốc mong muốn bố trí một cuộc gặp sớm giữa hai nhà lãnh đạo.

Cũng trong ngày hôm đó, ông Trump nhận được điện thoại chúc mừng đắc cử của nhà lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn. Việc này làm dấy lên những phản ứng chỉ trích của Bộ ngoại giao Trung Quốc.

Tuy nhiên bất chấp những căng thẳng ngoại giao như mọi người thấy qua truyền thông, các động thái ngấm ngầm “làm thân” giữa hai bên vẫn tiếp tục diễn ra.

Ông Kissinger gặp các trợ lý cấp cao của ông Trump, trong đó có ông Kushner, ngày 6-12, và đề nghị họ gặp cố vấn quốc gia, cựu bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì.

Ông Dương Khiết Trì và đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã tới tòa Trump Tower hai lần để họp mặt cùng các quan chức cao cấp thuộc nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump trong ngày 9-12 và 10-12. Cả hai cuộc này đều được tổ chức tại văn phòng của ông Kushner.

Trong các cuộc gặp đó, ông Dương Khiết Trì đã trình bày một danh sách các yêu cầu của phía Trung Quốc. Trung Quốc muốn chính quyền ông Trump chấp nhận khái niệm “mô hình mới của các quan hệ quyền lực lớn”, một đề xuất của ông Tập Cận Bình nhằm tránh xung đột và chú trọng vào hợp tác.

Trung Quốc cũng muốn ông Trump ủng hộ sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của ông Tập Cận Bình, vốn là dự án phát triển hạ tầng khu vực khổng lồ của Trung Quốc.

Trung Quốc cũng mong muốn Mỹ giữ quan điểm không can thiệp vào các vấn đề mà nước này cho là những lợi ích cốt lõi của họ, trong đó có vấn đề Đài Loan, Tây Tạng và các vấn đề nội bộ.

Đương nhiên để đổi lại, phía Trung Quốc cũng đã được chuẩn bị để đưa ra những đề nghị đầu tư chưa được cụ thể hóa nhằm hỗ trợ thực hiện kế hoạch tạo công ăn việc làm cho người lao động Mỹ của ông Trump.

Ông Kushner và ông Thôi Thiên Khải đã duy trì mối liên hệ gần gũi từ đó trở đi, và có thể thấy phía Trung Quốc đã thông qua “kênh” Kushner để thu xếp cuộc gặp thượng đỉnh ngày thứ Năm tới (6-4) giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất.

Ai dám cản đường?

Trong diễn biến khác liên quan, ông Kushner cũng từng có cuộc gặp với nhà lãnh đạo của Tập đoàn bảo hiểm Anbang giữa tháng 11 năm ngoái khi công ty gia đình của ông Kushner đeo đuổi một dự án đầu tư bất động sản với tập đoàn này của Trung Quốc.

Tuy nhiên những cuộc thương lượng giữa hai bên đã bị đình lại tuần qua do dư luận dấy lên các chỉ tích liên quan tới những nguy cơ xung đột lợi ích liên quan.

Trong nội bộ chính quyền của ông Trump, bắt đầu dấy lên những lo ngại về việc con rể ông này đang quá sốt sắng trong việc làm ấm lại quan hệ với Trung Quốc. Điều này có phần tương đồng với quan điểm của một số quan chức khác, trong đó có cố vấn kinh tế Gary Cohn và Bộ trưởng tài chính Steven Mnuchin.

Tuy nhiên ở một luồng quan điểm khác, cũng có những quan chức cao cấp trong chính quyền ông Trump muốn theo đuổi một cách tiếp cận cứng rắn và quyết đoán hơn với Trung Quốc. Trong đó có trưởng chiến lược gia Stephen K. Bannon, Giám đốc Hội đồng thương mại quốc gia Peter Navarro, cố vấn chính sách Stephen Miller và Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross.

Một quan chức Nhà Trắng vẫn cho rằng con rể ông Trump không phải là người ủng hộ Trung Quốc phi lý trí và hiểu rất rõ rằng ông Trump coi việc đối đầu với Trung Quốc về vấn đề an ninh và thương mại là một phần quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông.

Dẫu thế, người ta vẫn đã nhận ra một số bằng chứng thấy rõ của dấu hiệu ấm lên trong quan hệ Mỹ – Trung thời gian qua. Ông Kushner là một trong nhiều trợ lý đã thuyết phục ông Trump ủng hộ và tái khẳng định cam kết ủng hộ chính sách “một Trung Quốc” trong cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình vào tháng 2 năm nay.

Trong và sau cuộc gặp ngày 6-4, giới quan sát sẽ tập trung quan sát và đánh giá những biểu hiện cụ thể qua những quan điểm chính thức của ông Trump về một số vấn đề như CHDCND Triều Tiên và Biển Đông để có thể đo lường được độ “ấm” trong quan hệ Mỹ – Trung.

Về thương mại, nhiều khả năng ông Trump sẽ vẫn tiếp tục lộ trình phát triển kinh tế với “nước Mỹ là trên hết” như lâu nay ông vẫn nói.

Tuy nhiên nếu ông Trump bày tỏ thái độ ủng hộ những quan điểm trong việc định hình mối quan hệ mà phía Trung Quốc đề xuất, đó sẽ không chỉ là tín hiệu cho thấy sự khởi đầu của một thời đại mới trong quan hệ Mỹ – Trung, mà nó còn xác nhận một điều: Jared Kushner sẽ trở thành nhân vật đóng vai trò quan trọng nhất trong quan hệ giữa hai cường quốc của thế giới dưới thời ông Trump.

D. KIM THOA