01/11/2024

YouTube giữa làn sóng tẩy chay

Cuộc tẩy chay đang lan rộng với một loạt tập đoàn toàn cầu rút quảng cáo khỏi YouTube chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn khi quảng cáo trên mạng chia sẻ video này.

 

YouTube giữa làn sóng tẩy chay

Cuộc tẩy chay đang lan rộng với một loạt tập đoàn toàn cầu rút quảng cáo khỏi YouTube chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn khi quảng cáo trên mạng chia sẻ video này.





YouTube khó có thể kiểm soát 100% nội dung /// Reuters

YouTube khó có thể kiểm soát 100% nội dungREUTERS

Tờ The Australian ngày 1.4 đưa tin chính phủ Úc đã rút một loạt quảng cáo của những chương trình phi doanh nghiệp ra khỏi mạng YouTube thuộc Google. Cụ thể, các chương trình truyền thông của ủy ban bầu cử và lực lượng quốc phòng nước này ngưng phối hợp với YouTube.
Tờ báo dẫn lời ông Scott Ryan, Bộ trưởng đặc trách chính phủ Úc, cho biết quyết định trên nhằm đảm bảo tiền thuế của dân không bị chảy vào túi của những tổ chức không lành mạnh trên YouTube. Trước đó, chính phủ Anh cũng đã phản ứng dữ dội khi một số quảng cáo xuất hiện bên cạnh các nội dung video phân biệt chủng tộc, thù hằn phụ nữ và tư tưởng cực đoan hiện diện ở mạng chia sẻ video này.
Đủ kiểu tiêu cực
Thực tế, làn sóng tẩy chay YouTube không chỉ đến từ các chính phủ mà còn bắt nguồn từ hàng loạt tập đoàn hàng đầu thế giới, theo tờ The New York Times. Cụ thể, từ giữa tháng 3, các tên tuổi như AT&T, Verizon, Johnson & Johnson, Volkswagen cùng một số công ty khác đã rút quảng cáo khỏi mạng chia sẻ trên sau khi thương hiệu của họ hiện diện cùng các video “nhạy cảm” về chính trị xã hội như phân biệt chủng tộc, bài Do Thái, phát động chủ nghĩa cực đoan…
Sau khi sự vụ bùng nổ, đại diện của Google (tạm hiểu là công ty mẹ của YouTube) đã lên tiếng trấn an các đối tác rằng sẽ tăng cường kiểm soát các nội dung trên YouTube. Thậm chí, YouTube sẽ tổ chức cả lực lượng nhân sự hùng hậu để theo dõi các nội dung được tải lên.
Tuy nhiên thực tế, theo tờ The Wall Street Journal, sau những nỗ lực của Google thì quảng cáo của Amazon, Microsoft và xe hơi Chevrolet (thuộc Tập đoàn GM) vẫn hiện diện cùng đoạn video có tên “Những người da đen trong môi trường tự nhiên” với nội dung phỉ báng, nhục mạ Malcolm X và Martin Luther King, những thủ lĩnh đấu tranh nhân quyền gốc Phi nổi tiếng ở Mỹ. Điều này tiếp tục gây ra sự phẫn nộ.
Tương tự, các mẩu quảng cáo cho Coca-Cola, Starbucks, Toyota bị đính cùng 2 đoạn video phân biệt chủng tộc, thậm chí phỉ báng cả cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama với lượt xem lần lượt là 425.000 và 260.000. “Nỗi đau” tương tự cũng xảy ra với Wal-Mart khiến đại diện của tập đoàn bán lẻ này bức xúc: “Nội dung mà chúng tôi bị dính líu là đáng sợ và hoàn toàn đi ngược lại với giá trị của chúng tôi”. Vì thế, danh sách tẩy chay YouTube ngày càng nối dài hơn với Pepsi, Wal-Mart và Starbucks, GM…
Thống kê của tạp chí Fortune cho thấy trước mắt, cuộc tẩy chay có thể khiến YouTube thiệt hại khoảng 750 triệu USD và đế chế quảng cáo trị giá hàng chục tỉ USD của Google sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
 
 
Doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tẩy chay YouTube
Đầu tháng 3, thông tin từ Cục Phát thanh – Truyền hình – Thông tin điện tử (Bộ Thông tin – Truyền thông) cho biết cơ quan này trong thời gian ngắn trước đó đã phát hiện có khoảng 17 video được phát trên YouTube với nội dung không lành mạnh, vi phạm pháp luật Việt Nam.
Những clip xấu này được chèn vào những quảng cáo của các nhãn hàng thuộc thương hiệu lớn đang kinh doanh tại Việt Nam như: Vinamilk, Unilever, P&G, FPT, Samsung, Yamaha, Vietnam Airlines và một số dự án bất động sản lớn. Từ diễn biến trên hàng loạt doanh nghiệp như Vinamilk, Vietnam Airlines, Mead Johnson Nutrition VN và nhiều công ty bất động sản lớn cũng cho biết rút hoặc ngưng quảng cáo trên YouTube. Hằng Nga – Hồng Sương

 

Tác dụng ngược

Những năm qua, YouTube dần nổi lên như một kênh quảng cáo phổ biến, tạo ra doanh thu hàng tỉ USD mỗi năm. Ưu điểm của kênh quảng cáo này là tập hợp một lượng video khổng lồ dựa vào sự chia sẻ của người dùng để thu hút hàng tỉ lượt xem mỗi ngày.
Theo tờ The Wall Street Journal, đến đầu năm nay, mỗi ngày YouTube có khoảng 1 tỉ giờ video được xem bởi người dùng internet toàn cầu. Bởi thế, các hãng sẽ phát kèm quảng cáo cùng các clip được phát hành trên YouTube. Trong khi đó, đơn vị quảng cáo sẽ phải trả từ 7 – 12 USD cho mỗi 1.000 lượt xem. Một phần số tiền này được YouTube trả ngược cho tác giả đăng tải video có lượng truy cập lớn.
Trong khi đó, nhược điểm của hình thức này là việc đính kèm nội dung quảng cáo được thực hiện theo một thuật toán dựa trên phân tích về đối tượng người xem hoặc theo hình thức có phần ngẫu nhiên dựa trên số lượng truy cập, tính phổ biến… Điều đó vô hình trung khiến đơn vị trả tiền quảng cáo trên YouTube không hề biết được phần thông tin quảng bá của mình xuất hiện cùng nội dung video thế nào. Và kết quả, nhiều tập đoàn lớn “ăn trái đắng” khi hình ảnh thương hiệu xuất hiện cùng các nội dung phản cảm, cực đoan.
Thế nhưng, để giải quyết tình trạng trên không hề đơn giản. Ngày 1.4, kênh CNBC (Mỹ) phỏng vấn ông Martin Sorrell, Tổng giám đốc Tập đoàn WPP – đối tác lớn nhất chuyên cung cấp quảng cáo của Google với doanh thu hằng năm lên đến 5 tỉ USD, để nhận xét về cuộc tẩy chay hiện tại.
Dù ra sức biện minh cho YouTube, nhưng ông Sorell vẫn phải thừa nhận có dùng biện pháp giám sát gì thì cũng khó đảm bảo kiểm soát 100% nội dung video đều “sạch”. Trong khi đó, đại diện các tập đoàn đang tẩy chay YouTube đều khẳng định chỉ khi nào Google đảm bảo kiểm soát hiệu quả nội dung video thì mới nối lại quảng cáo.

 

Ngô Minh Trí