01/11/2024

Bóc trần đường dây bán lao động đi biển: Suốt đời không hết nợ

Lao động cực khổ trên tàu cá giữa biển khơi thời gian dài, nhiều ngư phủ khi vào bờ vẫn không trả hết nợ cho các chủ đường dây “cò” lao động.

 

Bóc trần đường dây bán lao động đi biển: Suốt đời không hết nợ

 

Lao động cực khổ trên tàu cá giữa biển khơi thời gian dài, nhiều ngư phủ khi vào bờ vẫn không trả hết nợ cho các chủ đường dây “cò” lao động.



Anh Nguyễn Đức Hiển - người nhảy xuống biển để trốn nợ được cứu sống	 ///  Ảnh: Nguyễn Long

Anh Nguyễn Đức Hiển – người nhảy xuống biển để trốn nợ được cứu sốngẢNH: NGUYỄN LONG

Một số người khi tàu vào gần bờ đã nhảy xuống biển bỏ trốn, nếu không sẽ tiếp tục bị bắt nhốt và đẩy lên tàu đi biển.
Chiều 29.3, nhờ người quen giới thiệu, sau nhiều lần thuyết phục, ông H. (người chuyên “cò” lao động đi biển tại khu vực Bến Đá, TP.Vũng Tàu) mới chịu ra gặp PV Thanh Niên.
Bắt nhốt, đánh đập xảy ra nhiều năm nay
Bắt đầu cuộc trò chuyện, ông H. khẳng định: “Việc bắt nhốt, đánh đập lao động là có thật và diễn ra nhiều năm nay, chủ yếu ở khu vực xã Phước Tĩnh, Long Hải và cảng Cát Lở”. Theo ông H., đa phần lao động bị lừa từ TP.HCM và các tỉnh rồi chở về Bà Rịa-Vũng Tàu bán cho các đường dây chăn dắt lao động với giá từ 2 – 3,5 triệu đồng. Mỗi lao động tiếp tục được bán lại cho các chủ tàu đi biển giá từ 10 – 12 triệu đồng.
“Hầu hết những lao động bị mua bán đều không biết tiền công của mình làm bao nhiêu. Tiền công đi biển, được “cò” lao động đến lấy từ chủ tàu rồi trừ chi phí mà người lao động được “cò” cho ăn, nhậu thoải mái trước đó”, ông H. kể.
Chiều 29.3, PV Thanh Niên trở lại khu vực cảng Cát Lở và nghe nhiều câu chuyện bức xúc của người dân khu vực này. Anh P. (một người dân sống lâu năm tại đây) kể: “Tình trạng nhốt, đánh đập lao động tại khu vực này diễn ra thường xuyên. Hỗn loạn nhất là dịp cuối năm tàu đi biển vô và đầu năm tàu chuẩn bị đi biển trở lại. Cách đây khoảng 15 ngày, nhóm giang hồ đuổi chém một lao động tìm cách bỏ trốn tại hẻm 999 đường 30/4 gây náo loạn cả khu vực. Bị nhốt trên lầu, nhiều lao động liều mình nhảy xuống đất để thoát thân. Hầu hết ở đây là dân tứ xứ đến làm ăn hoặc bị lừa đến nên khi xảy ra vụ việc đều không trình báo công an”.
Lúc 5 giờ 15 ngày 13.1, Nguyễn Đức Hiển (24 tuổi, quê An Giang) làm việc cho một tàu cá tại khu vực cảng Cát Lở (TP.Vũng Tàu), trong lúc tàu đang vào bờ đã bất ngờ nhảy xuống biển. Anh Hiển được tàu khác cứu và bàn giao cho Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Trả lời Thanh Niên, anh Hiển cho biết mình bị xe ôm lừa chở từ TP.HCM xuống khu vực cảng Cát Lở bán cho một chủ đường dây “cò” lao động với giá 3,5 triệu đồng. Sau khi ký giấy vay tiền rồi được đưa về phòng trọ nhốt chung với nhiều người, vài ngày sau Hiển được đưa lên tàu cá ra biển làm việc. Sau hơn 1 tháng đánh bắt ngoài biển, tàu vào bờ. Người quản lý trên tàu nói chuyến biển không đủ để trả tiền cho Hiển và những người đi làm chung. Vì sợ tiếp tục bị bắt nhốt, Hiển đã nhảy xuống biển để… “xoá nợ”.
“Tôi không bỏ trốn thì vô bờ lại tiếp tục bị nhốt, đánh và đưa lên tàu đi biển nữa. Với cách tính tiền lãi và đồ ăn, thức uống mà họ cung cấp cho bọn em thì em làm cả đời cũng không trả hết nợ được”, Hiển nói trong nước mắt. Ngay sau khi làm việc với BĐBP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, anh Hiển được đơn vị này cho tiền để về quê.
Khó xử lý ?
Trả lời Thanh Niên, một trinh sát BĐBP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết ngoài cảng Cát Lở thì ở cảng Bến Đá (TP.Vũng Tàu), cảng cá Phước Tỉnh (H.Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng có các nhóm “cò” ngư phủ hoạt động từ nhiều năm nay với đàn em máu lạnh, sẵn sàng đánh đập ngư phủ nào bỏ trốn. Rất ít nhóm “cò” cùng đàn em bị bắt giữ vì đa phần nạn nhân không trình báo công an hay lực lượng biên phòng.
“Có nhiều vụ lực lượng biên phòng điều tra nhưng sau đó chỉ xử lý hành chính rồi cho về. Họ ràng buộc các ngư dân bằng giấy vay tiền, nên lực lượng chức năng rất khó xử lý”, một lãnh đạo Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết.
Liên quan đến tuyến bài điều tra Bóc trần đường dây bán lao động đi biển đăng trên Báo Thanh Niên, đại tá Phạm Văn Phong – Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết ông đã đọc và chỉ đạo các phòng nghiệp vụ thu thập thông tin, xác minh, tìm hiểu các thông tin báo đăng để phối hợp với lực lượng chức năng điều tra, truy bắt những đường dây mua bán lao động đi biển.
Còn ông Lê Hưng, Chủ tịch UBND P.11 (TP.Vũng Tàu), xác nhận thực trạng lao động ở các tỉnh bị lừa và đưa về khu vực cảng Cát Lở ký giấy nợ, nhốt lại và bắt đi biển để trả nợ là có thật. UBND phường đã chỉ đạo cơ quan công an, đoàn thể địa phương vào cuộc xác minh, nắm lại các đường dây mua bán lao động trên địa bàn phường để có phương hướng đấu tranh chấm dứt tình trạng này. Tuy nhiên, đa phần các nạn nhân đều không đến công an trình báo nên khó điều tra xử lý.
 Cuối năm 2016, Công an H.Long Điền đã bắt Phạm Hoài Thương (33 tuổi), Phạm Hoài Đông (28 tuổi), Vũ Hoàng Sơn (29 tuổi), Nguyễn Hoài Nam (18 tuổi) để điều tra làm rõ về hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Theo hồ sơ vụ việc, đầu tháng 12.2016, các tàu cá cập cảng thì có 7 ngư dân đi nhậu tại quán trên địa bàn H.Long Điền. Do các ngư dân này nợ tiền nhậu nên chủ nhà hàng gọi cho Thương (một “cò” lao động đi biển trên địa bàn) mang tiền ra trả nợ giúp. Sau đó, Thương cho đàn em nhốt các ngư dân này tại một ngôi nhà có người canh gác để đợi khi các tàu cá đi biển sẽ cho lên tàu. Từ nguồn tin của người dân, Công an H.Long Điền đã kiểm tra căn nhà và giải cứu 7 ngư dân này, bắt giữ Thương và đàn em.


 

Long An – Công Nguyên – Lê Lâm