28/11/2024

Quyết thu thuế kinh doanh trên Facebook

Cục Thuế TP.HCM vừa soạn thảo kế hoạch bắt tay với các sở ban ngành để nắm thông tin hoạt động của doanh nghiệp và cá nhân mua bán trên Facebook nhằm quản lý thuế.

 

Quyết thu thuế kinh doanh trên Facebook

Cục Thuế TP.HCM vừa soạn thảo kế hoạch bắt tay với các sở ban ngành để nắm thông tin hoạt động của doanh nghiệp và cá nhân mua bán trên Facebook nhằm quản lý thuế.



Cơ quan thuế quyết thu thuế kinh doanh qua mạng /// Ảnh: Ngọc Thạch

Cơ quan thuế quyết thu thuế kinh doanh qua mạngẢNH: NGỌC THẠCH

Bà Lê Thị Thu Hương, Cục phó Cục Thuế TP.HCM, xác nhận cơ quan này đang soạn thảo kế hoạch phối hợp với các sở ban ngành nhằm tăng hiệu quả trong quản lý thuế đối với việc bán hàng qua mạng. Cục Thuế sẽ phối hợp với Sở Thông tin – Truyền thông, Sở Công thương, các nhà mạng, ngân hàng, bưu điện… để nắm cụ thể hơn thông tin hoạt động kinh doanh qua mạng của doanh nghiệp (DN) và cá nhân. Cục Thuế sẽ báo cáo với UBND TP vào đầu tháng 4 để có thể triển khai ngay trong tháng.
Dự kiến, Cục Thuế sẽ tiến hành sàng lọc thành 3 nhóm đối tượng: Nhóm tài khoản do DN đã đăng ký mã số thuế và có thêm bán hàng qua mạng; nhóm các cá nhân kinh doanh thường xuyên, có doanh số bán hàng lớn; còn lại là nhóm kinh doanh “nghiệp dư”, doanh thu thấp.
Lần theo đường dây chuyển hàng


Quyết thu thuế kinh doanh trên Facebook - ảnh 1
Không thể đánh đồng tận thu mọi hoạt động bán hàng nhỏ lẻ trên mạng, sẽ khiến nỗ lực thu thuế của chúng ta rối tinh lên, không những không hiệu quả mà chỉ tăng tính đối phó, bất ổn thêm mà thôi
Quyết thu thuế kinh doanh trên Facebook - ảnh 2

PGS-TS Võ Trí Hảo

Bà Hương cho biết các cá nhân hiện nay đăng ký tài khoản trên mạng xã hội Facebook, Twitter… đều bắt buộc phải khai tên thật, số điện thoại… Cơ quan thuế sẽ rà soát, tập trung vào nhóm cá nhân “mua may bán đắt”, có doanh số lớn nhưng chưa kê khai thuế. Cục Thuế sẽ phối hợp với bưu điện để nắm thông tin các hoạt động chuyển giao hàng hóa, hợp đồng… từ đó bộc lộ doanh thu, rồi yêu cầu cá nhân kê khai thuế đầy đủ hoạt động bán hàng trên mạng này.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết kế hoạch trong tháng 4, Sở sẽ ký kết phối hợp với Cục Thuế trong nỗ lực chống thất thu thuế một số nội dung, như quản lý thương mại điện tử, mạng xã hội; hỗ trợ việc dán tem, đóng dấu và chữ ký của cơ quan thuế trên đồng hồ công tơ tổng các cột đo xăng dầu tại cửa hàng; và thu thuế đối với văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài. “Đối với kinh doanh thương mại điện tử, trên mạng xã hội, chúng tôi có một số tiêu chí để quản lý, nhưng hiện hầu như khó thu thuế, các giải pháp vẫn đang được bàn bạc. Chúng tôi đã đăng ký lịch làm việc với Facebook để đề nghị hợp tác trong quản lý thuế”, ông cho biết.
Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cho rằng việc phối hợp với bưu điện là rút kinh nghiệm từ việc Chi cục Thuế Q.6 (TP.HCM) nhờ kết hợp với bên chuyển hàng nắm được số lượng hàng hoá chuyển đi đã truy thu được vài chục tỉ đồng từ một số công ty kinh doanh hàng trên mạng. Nhưng đó mới là một trong những giải pháp tiếp cận ban đầu. “DN có thể chuyển đơn vị giao nhận khác làm sao cơ quan thuế biết? Chẳng lẽ phải đi rà hết các đơn vị chuyển phát nhanh? Nếu DN tổ chức chuyển phát nhanh riêng thì sao?”, ông Sơn đặt vấn đề. Hơn nữa, khi chưa nắm rõ doanh thu mà bỏ vào nhiều công sức thì cũng chưa phải là giải pháp hợp lý.
Thí điểm với Facebooker có lượng theo dõi lớn


Lấy dẫn chứng cho việc thu thuế các trang website đặt phòng qua mạng nước ngoài như Agoda.com, Booking.com, Hotels.com, Expedia.com… mà ngành thuế còn lúng túng, luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Công ty luật IAM, cho rằng công cụ pháp lý đủ để cho việc thu này, nhưng ngành thuế triển khai vẫn còn chậm. Theo quy định của Thông tư 103, các dịch vụ được tiêu dùng tại VN, nếu các cá nhân, tổ chức nước ngoài có phát sinh thu nhập cũng tại VN, sẽ áp dụng thuế nhà thầu nước ngoài mà thu. Hoặc các tổ chức, cá nhân tại VN khi chi trả hoa hồng cho đối tác nước ngoài phải có trách nhiệm kê khai, nộp thuế nhà thầu nước ngoài theo luật định. “Như vậy, ngành thuế còn thiếu những công cụ giám sát để quản lý thuế hiệu quả”, luật sư Toản nhận định.

Theo nhiều chuyên gia, việc thu thuế bán hàng qua mạng không dễ nếu triển khai máy móc và thiếu công cụ kỹ thuật hỗ trợ. Chuyên gia lĩnh vực thuế Trần Duệ (TP.HCM) phân tích: “Theo quy định, doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm là đóng thuế. Tuy nhiên, các cá nhân kinh doanh tự phát tăng thu nhập bằng việc bán hàng qua mạng với cơ quan thuế, rất khó nắm được doanh số của họ. Giả sử công cụ chúng ta đang đưa ra là theo dõi các giao dịch mua bán qua mạng, lượng hàng gửi đi… thì khó thể có cơ sở. Vì biết bao nhiêu cuộc giao dịch trên mạng rồi vào gửi tin trao đổi riêng, hoặc gọi điện giao dịch.

Còn hàng hóa đâu nhất thiết phải gửi qua bưu điện? Có cả trăm cách giao hàng bằng thuê người, qua dịch vụ xe ôm Grabbike, Ubermoto… hoặc các công ty giao hàng tư nhân… Hoặc với những giao dịch mua bán, đa số người mua và cả người bán không muốn người ngoài biết giá trị món hàng của mình mua bao nhiêu, nên chọn giải pháp báo giá riêng… Như vậy, ngành thuế nếu muốn theo dõi doanh thu sẽ rất khó để định lượng được số lượng hàng trang mạng đó bán ra thế nào. “Cơ quan thuế cần thí điểm, tập trung vào một số trang mạng có lượng người truy cập lớn, có hoạt động bán hàng lớn trước khi áp dụng đại trà”, ông góp ý.
Cùng quan điểm, PGS-TS Võ Trí Hảo, chuyên gia kinh tế luật, dẫn chứng cách đánh thuế thu nhập của giới nghệ sĩ trước đây nói: “Với Facebooker có hoạt động kinh doanh mua bán cũng sẽ được đánh thuế như cách làm đối với thuế thu nhập cá nhân của giới ca sĩ trước đây. Tức là chọn những ca sĩ có những hợp đồng quảng cáo lớn, có mức thu nhập lớn để làm trước. Chẳng hạn, với các trang Facebook bán hàng, cơ quan thuế sẽ nhắm vào các trang có trên 100.000 người theo dõi, có thể ước lượng được phần nào doanh số bán ra. Đặc biệt các trang có hoạt động đặt phòng trực tuyến, quảng cáo trên mạng… nước ngoài đều có đăng ký tài khoản tại ngân hàng, cơ quan thuế có thể kết hợp với ngân hàng để giám sát các giao dịch qua tài khoản của cá nhân, đại diện nhà thầu nước ngoài đó”.
PGS-TS Võ Trí Hảo nhấn mạnh thêm: “Quan điểm của tôi là đánh vào những trang bán hàng có doanh thu lớn, rõ ràng và có thể dùng biện pháp kỹ thuật để giám sát, nên triển khai. Còn lại, không thể đánh đồng tận thu mọi hoạt động bán hàng nhỏ lẻ trên mạng, sẽ khiến nỗ lực thu thuế của chúng ta rối tinh lên, không những không hiệu quả mà chỉ tăng tính đối phó, bất ổn thêm mà thôi”.
PGS-TS Võ Trí Hảo cho rằng giải pháp quản lý và truy thu thuế bán hàng qua mạng thực tế cần một phần mềm đặc biệt mang tính kỹ thuật hơn là công cụ pháp lý. Ông đề nghị chọn giải pháp triển khai thí điểm chương trình thu thuế bán hàng qua mạng trong vòng 6 tháng. Sau 6 tháng, tổng kết và xem xét chi phí bỏ ra so với ngân sách thu về có chênh nhau không. Nếu tiền thu về ít hơn tiền bỏ ra để nỗ lực thu, tức việc triển khai không hiệu quả. Hoặc bỏ ra 8 đồng, thu về 10 đồng, nhưng tác động không tích cực đến người kinh doanh nhỏ lẻ, đối tượng chỉ có nhu cầu tăng thu nhập bởi thu nhập chính không đảm bảo cuộc sống.

 

Hồng Sương – Hằng Nga