Israel bị nghi ‘chơi khăm’ tình báo Pháp
Các điệp viên Israel bị nghi ngờ đã tìm cách chiêu dụ các đồng nghiệp Pháp làm gián điệp hai mang trong một chiến dịch chung của hai nước.
Israel bị nghi ‘chơi khăm’ tình báo Pháp
Các điệp viên Israel bị nghi ngờ đã tìm cách chiêu dụ các đồng nghiệp Pháp làm gián điệp hai mang trong một chiến dịch chung của hai nước.
Theo loạt bài điều tra của báo Le Monde, năm 2010, Cơ quan Tình báo Israel (Mossad) đã đề nghị Tổng cục An ninh nội địa (DGSI) và Tổng cục An ninh đối ngoại (DGSE) của Pháp tham gia chiến dịch Ratafia do Tel Aviv khởi xướng từ 2 năm trước nhằm khai thác đối tượng là một kỹ sư Syria. Viên kỹ sư này làm việc trong chương trình phát triển, sản xuất, dự trữ vũ khí hoá học và tên lửa của Damascus.
Đây là chương trình có quy mô rất lớn, có đến 10.000 nhân viên và được Mossad xem là mối quan tâm hàng đầu. Ngoài ra, đối tượng mà cơ quan này tiếp cận cũng có quan hệ với nhiều quan chức cấp cao của Syria.
TIN LIÊN QUAN
Động thái nhỏ trước cuộc chơi lớn
Iran đã quyết định trừng phạt 15 tập đoàn của Mỹ với cáo buộc các tập đoàn này hậu thuẫn Israel và khủng bố.
Gài bẫy tâm lý
Ratafia muốn chọn một đối tượng ở vị trí khá cao trong chương trình vũ khí hóa học của Syria, biết được các “đối tác” Iran, Nga, CHDCND Triều Tiên, từ đó xác định được nguồn cung cấp nguyên liệu hoá học cho Damascus. Trong vòng 2 năm, nhờ một trung gian tại thủ đô của Syria, Mossad đã liên lạc được với đối tượng này – một kỹ sư – và từng bước giăng bẫy. Bước đầu tiên là thuyết phục ông ta ra nước ngoài để dễ tiếp cận hơn.
Cơ quan Tình báo Israel nghiên cứu rất kỹ về lai lịch nên biết mục tiêu có điểm yếu tâm lý là hay mơ mộng, ảo tưởng. Trung gian của Mossad ở Syria đã vẽ ra tương lai xán lạn với viên kỹ sư: ra nước ngoài kinh doanh làm giàu nhưng vẫn có thể tiếp tục phục vụ Damascus. Quốc gia được chọn là Pháp, thời điểm ấy vẫn còn quan hệ bình thường với Syria nên ít bị đối tượng cảnh giác.
Để thực hiện kế hoạch này, từ năm 2010, Mossad đã đề nghị DGSI và DGSE tham gia chiến dịch Ratafia. Theo Le Monde, Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo đối ngoại Đức (BND) cũng hợp tác.
Viên kỹ sư Syria đồng ý đến Paris và được Mossad sắp đặt cho gặp một “doanh nhân người Ý”. Doanh nhân giả mạo này tiếp đãi đối tượng một cách trọng thị, mời lui tới, ăn uống ở những nơi sang trọng bậc nhất thủ đô Pháp, như khách sạn George V ở đại lộ Champs-Elysées, để “giới thiệu” với những doanh nhân khác. Trên thực tế, phần lớn những người mà viên kỹ sư Syria tiếp xúc tại Paris đều là điệp viên của Mossad. DGSI chịu trách nhiệm bảo đảm về an ninh và cung cấp trang thiết bị để theo dõi, nghe lén trong xe hơi, phòng khách sạn, điện thoại…
“Doanh nhân người Ý” nhanh chóng thu phục được lòng tin, thậm chí được viên kỹ sư Syria xem là “quân sư”. Đối tượng này cũng ngày càng lún sâu vào cái bẫy “làm giàu ở Paris”. Trong số các nhân viên của Mossad tham gia Ratafia, có rất nhiều chuyên gia tâm lý. Các chuyên gia này liên tục phân tích phản ứng của đối tượng để lựa chọn cách tiếp đãi khiến giấc mộng của ông ta lên đến đỉnh điểm.
Cái bẫy bắt đầu sập xuống khi “những người bạn trong giới” của “doanh nhân người Ý” đề nghị bán thiết bị hoặc hỏi kỹ sư Syria về nhà cung cấp. Từ những hàng hóa mà đối tượng muốn “nhập khẩu” hoặc các bạn hàng được đề xuất, Mossad, DGSI và DGSE đã xâu chuỗi lại để phác hoạ chương trình vũ khí hoá học của Damascus và truy ra những đầu mối tham gia cung cấp nguyên liệu, gồm một số công ty của châu Âu. Trong số các vũ khí hoá học của Syria, có nhiều tấn khí mù tạt và chất kịch độc VX.
TIN LIÊN QUAN
Ngày 24.2, cảnh sát Malaysia công bố loại hóa chất đã làm ông Kim Jong-nam tử vong là chất độc thần kinh VX.Vậy VX là gì, và nguy hiểm ra sao?
Chiêu dụ đồng minh
Tất cả các thông tin thu thập được trong chiến dịch Ratafia đã giúp Mossad lập bản báo cáo quan trọng về Damascus. Tuy nhiên đó chưa phải là toàn bộ mục đích của Cơ quan Tình báo Israel. Theo Le Monde, Mossad bị tình nghi đã lợi dụng chiến dịch hợp tác để thuyết phục một số lượng chưa rõ các điệp viên Pháp trở thành nguồn tin của họ.
DGSI đã điều tra và cho rằng lực lượng tình báo Israel sau thời gian tiếp xúc với các nhân viên tình báo Pháp đã có những “mối quan hệ đáng ngờ”. Chẳng hạn, DGSI phát hiện có nhiều đợt chuyển khoản hoặc tặng quà cáp đi ngược với nội quy. Một nhân viên tình báo Pháp cũng bị phát hiện đã mừng ngày Shabbat của người Do Thái với ông D.K., viên chỉ huy của Mossad trong chiến dịch Ratafia ở Paris. Nhân viên nói trên trong một chuyến công tác ở Dubai (UAE) đã “tiện thể” ghé qua Jerusalem để thăm các “bạn đồng nghiệp” ở Cơ quan Tình báo Israel.
Tờ Le Monde dẫn một báo cáo nội bộ của tình báo Pháp nhận xét những nỗ lực của Mossad nhằm chiêu dụ các đồng nghiệp “vượt qua lằn ranh biến họ trở thành điệp viên hai mang”. Hiện phần lớn những nhân viên của DGSI và DGSE tham gia chiến dịch Ratafia đều bị điều chuyển sang những công việc không liên quan đến những hồ sơ “nhạy cảm” của Pháp. Ngoài ra, Paris đã yêu cầu 2 nhân viên Đại sứ quán Israel tại Pháp về nước, bao gồm ông D.K.
Cuối năm 2016, Tổng cục Thanh tra của Cảnh sát quốc gia Pháp (IGPN) đã tiếp nhận 2 hồ sơ điều tra về vụ Ratafia: quan hệ giữa Mossad với một số nhân viên DGSI; cuộc gặp giữa Giám đốc Cục Tình báo đối nội Pháp (tiền thân của DGSI) giai đoạn 2007 – 2012 Bernard Squarcini với 2 nhân viên Mossad. Báo cáo nội bộ của giới chức Pháp đã khuyến nghị mở rộng điều tra nhằm tìm hiểu những tổn thất đã xảy ra đối với cộng đồng tình báo nước này.
Trả lời báo The Jerusalem Post, một cựu quan chức quốc phòng Israel đã bác bỏ thông tin của Le Monde: “Chúng tôi không bao giờ lôi kéo nhân viên tình báo của đồng minh. Đó là lằn ranh đỏ. Kiểu chiêu dụ đó chỉ có ý nghĩa khi thực hiện với các quốc gia thù địch”.
Lan Chi