Nhiều cửa hàng kinh doanh thu mỗi năm gần chục tỉ đồng nhưng vẫn đóng thuế khoán từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng mỗi tháng, thua xa thuế thu nhập cá nhân của những người làm công ăn lương.
Nhiều cửa hàng kinh doanh thu mỗi năm gần chục tỉ đồng nhưng vẫn đóng thuế khoán từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng mỗi tháng, thua xa thuế thu nhập cá nhân của những người làm công ăn lương.
Hộ cá thể doanh thu “khủng”
Vài ngày nữa mới hết tháng 3 nhưng chị Phi, chủ một cơ sở chuyên sản xuất quần áo nữ tại Q.Tân Bình (TP.HCM), đã tiêu thụ được hơn 8.000 sản phẩm. Với giá bán sỉ bình quân 75.000 đồng/sản phẩm, doanh số của chị ở mức 600 triệu đồng/tháng. Nhưng theo chị Phi, những tháng đầu năm không phải mùa cao điểm của hàng may mặc. Tính bình quân cả năm 2016, cơ sở chị đã bán ra được gần 120.000 sản phẩm, tổng doanh số ước đạt gần 9 tỉ đồng. Với tỷ lệ lợi nhuận không thấp hơn 15% của các cơ sở may nói chung, mỗi tháng tối thiểu chị Phi lời khoảng 100 triệu đồng. Cơ sở của chị Phi đang chịu mức thuế khoán chưa đến 500.000 đồng/tháng.
Ví dụ như cho khấu trừ chi tiêu quần áo của người dân mỗi năm nếu có hoá đơn. Khi đó, người mua quần áo sẽ yêu cầu người bán cung cấp hoá đơn để được khấu trừ thuế. Nếu cửa hàng nào không có hoá đơn thì người tiêu dùng sẽ không mua. Như vậy chắc chắn các cửa hàng, sạp quần áo sẽ tự đăng ký thành lập DN để sử dụng hoá đơn dễ dàng hơn
TS Lê Đạt Chí
Chị Phi thừa nhận cơ sở may với doanh số như chị thuộc dạng “cò con” trong hàng ngàn cơ sở may tư nhân hiện nay ở TP.HCM, chủ yếu tập trung tại các quận Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp… Rất nhiều cơ sở có thâm niên 15 – 20 năm, chuyên sản xuất quần jeans hoặc hàng cao cấp hơn, số lượng hàng gấp hàng chục lần chị Phi với doanh số lên đến cả trăm tỉ đồng mỗi năm nhưng mức thuế đóng cũng chỉ khoảng 2 – 3 triệu đồng/tháng.
Doanh thu của các cơ sở may phản ánh rõ nét tình hình kinh doanh của các sạp bán hàng quần áo tại hai chợ đầu mối lớn nhất ở TP.HCM là An Đông (Q.5) và Tân Bình (Q.Tân Bình). Ở một sạp có diện tích 1,2 m x 2,1 m tại chợ Tân Bình, chuyên đưa hàng quần jeans và quần vải dành cho nữ về các tỉnh miền Trung, chị H.M hai tay hai chiếc điện thoại luôn hoạt động. Người phụ việc cho chị cũng bận rộn không kém khi liên tục trả lời điện thoại về mẫu mã, số lượng đặt hàng, giá cả…
Một chủ hàng chuyên bỏ mối ở sạp chị H.M cho biết sạp này là một địa chỉ bán buôn khá lớn về hàng nữ, lấy hàng ở 4 – 5 đầu mối, ước tính tổng doanh số lên hơn 20 tỉ đồng mỗi năm. “Tỷ lệ lợi nhuận của các sạp kinh doanh ngoài chợ cao hơn các cơ sở sản xuất bọn tôi, từ 15 – 20%. Mỗi năm, một sạp kinh doanh quần áo như H.M sẽ thu được từ 3 – 4 tỉ đồng”, người bỏ mối tính toán. Sạp H.M đóng thuế khoán hằng tháng là 4 triệu đồng. Hiện tại hầu như các sạp kinh doanh ở chợ Tân Bình chỉ đóng thuế khoán với mức từ 2 – 5 triệu đồng/tháng, tuỳ theo mặt hàng kinh doanh.
Trong khi đó, một sạp hàng kinh doanh quần áo tại chợ An Đông tiết lộ mức thuế khoán họ phải đóng hiện nay hơn 6 triệu đồng/tháng. Theo chủ sạp T., anh cũng chuyên đóng hàng sỉ về các tỉnh miền Trung và miền Tây, doanh số mỗi năm gần 20 tỉ đồng. “Mức thuế ở chợ An Đông là cao nhất trong các chợ kinh doanh ở TP.HCM hiện nay. Các chi phí khác cũng cao hơn, có thể cơ quan thuế nghĩ hàng bán ở đây nhiều tiền hơn”, anh T. cho biết.
Nhưng con số vài chục tỉ doanh thu ở các sạp kinh doanh nêu trên cũng chỉ là chuyện bình thường. Một doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất vải tại TP.HCM cho hay đơn vị này có một số khách hàng lớn kinh doanh ở chợ vải Soái Kình Lâm và hằng tháng đều đặn đặt hàng từ 8 – 9 tỉ đồng. Doanh số cả năm không dưới 100 tỉ đồng. Đó là chưa kể hằng tháng họ đều có đặt hàng từ một số nước xung quanh như Trung Quốc, Hàn Quốc… với nhiều chủng loại vải khác nhau để về cung cấp lại cho hàng loạt cơ sở may trong nước. Rất nhiều sạp trong đó cũng chỉ đóng thuế khoán với mức ít ỏi, chưa đến 10 triệu đồng/tháng. Đại diện một DN kinh doanh vải cho biết các chủ sạp đều nêu điều kiện công ty không xuất hóa đơn hoặc chỉ xuất hóa đơn một phần để tránh sự quản lý của cơ quan thuế và họ chỉ đóng thuế như đã kê khai từ nhiều năm qua.
Né lên doanh nghiệp
Khi được hỏi, các chủ hộ kinh doanh đều không muốn lên DN. Chị H.M nói có nghe việc “lên DN” nhưng không quan tâm vì như thế thì phải có thêm nhân viên làm kế toán hoặc thuê dịch vụ kế toán bên ngoài, phải mua bảo hiểm cho người lao động… Đặc biệt, các hộ kinh doanh đều né tránh việc lên DN bởi không muốn phải nộp thuế nhiều hơn so với mức thuế khoán hiện nay.
TS Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính doanh nghiệp – Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, phân tích: Doanh số của rất nhiều hộ kinh doanh cá thể hiện nay vượt xa nhiều DN nhưng mức thuế khoán đang đóng quá thấp là không công bằng. Đặc biệt, việc đóng thuế khoán đó cũng khiến nhà nước bị thất thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) rất lớn. Ví dụ khi một sạp kinh doanh bán ra được 10 tỉ đồng, trừ giá vốn là 8,5 tỉ đồng thì hiện nay họ lời được khoảng 1,5 tỉ đồng. Nếu kê khai đầy đủ theo chính sách thuế của DN, khi bán ra được 10 tỉ đồng, phần thuế GTGT nộp giùm cho người sử dụng là 1 tỉ đồng, doanh số hộ kinh doanh này chỉ còn 9 tỉ đồng. Trừ giá vốn là 8,5 tỉ đồng thì mức lợi nhuận còn 500 triệu đồng.
Lợi nhuận bị giảm vì nộp thuế chính là nguyên nhân các hộ kinh doanh cá thể không muốn lên DN. Nhưng theo TS Lê Đạt Chí, cần khuyến khích hơn là ép buộc. Ví dụ ban đầu khuyến khích các hộ kinh doanh đều sử dụng hoá đơn và lưu giữ chứng từ trong các hoạt động mua bán, nhưng không phải để thu thuế mà để họ làm quen với hệ thống sổ sách kế toán. Còn có một giải pháp khác mà nhiều nước đã áp dụng hiệu quả là quản lý thông qua thuế thu nhập cá nhân. Đặc biệt cho người dân được khấu trừ nhiều chi tiêu nếu có chứng từ hợp lệ.
“Ví dụ như cho khấu trừ chi tiêu quần áo của người dân mỗi năm nếu có hóa đơn. Khi đó, người mua quần áo sẽ yêu cầu người bán cung cấp hoá đơn để được khấu trừ thuế. Nếu cửa hàng nào không có hóa đơn thì người tiêu dùng sẽ không mua. Như vậy chắc chắn các cửa hàng, sạp quần áo sẽ tự đăng ký thành lập DN để sử dụng hoá đơn dễ dàng hơn. Từ đó các cửa hàng sẽ yêu cầu các nhà cung cấp xuất hoá đơn khi mua hàng. Bản thân các cơ sở may cũng sẽ yêu cầu những nơi cung cấp vải, nút, dây kéo cung cấp hoá đơn chứng từ để được khấu trừ thuế. Và như vậy, cơ quan thuế có thể quản lý dễ dàng cũng như việc tính thuế, đóng thuế đầy đủ chứ không theo cảm tính như thuế khoán”, TS Lê Đạt Chí nói.
TP.HCM có khoảng gần 300.000 hộ kinh doanh cá thể nhưng số này chỉ mới đóng góp 2% vào ngân sách của TP. Tại cuộc gặp gỡ với các DN mới đây, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng mức đóng góp này chưa phản ánh đúng hoạt động của các hộ kinh doanh. Qua kiểm tra sơ bộ, có 14.000 hộ kinh doanh có đủ điều kiện để lên DN và TP đang lắng nghe để đưa ra những giải pháp nhằm hỗ trợ các hộ cá thể lên DN trong tương lai.