Sau những cuộc ngã giá công khai giữa kẻ mua người bán, người lao động bị ép buộc trở thành con nợ, phải đi biển với những quy định hà khắc để trả nợ.
Bóc trần đường dây bán lao động đi biển
Sau những cuộc ngã giá công khai giữa kẻ mua người bán, người lao động bị ép buộc trở thành con nợ, phải đi biển với những quy định hà khắc để trả nợ.
Đầu năm 2017, một người đang đi trên tàu đánh cá đã nhảy xuống biển bỏ trốn và may mắn được cơ quan chức năng cứu sống. Gặp PV Thanh Niên, người này cho biết đã bị các cò môi giới việc làm lừa bán từ TP.HCM xuống Vũng Tàu, bị ép ghi các giấy vay nợ rồi đưa ra biển làm việc. Hơn 1 tháng làm việc cực khổ trên tàu, nghe chủ tàu nói không đủ tiền trả nợ sẽ bị nhốt và tiếp tục đưa đi biển nên anh này liều mình nhảy khỏi tàu để trốn thoát.
Từ thông tin này cùng một số “đầu mối” bạn đọc cung cấp, PV Thanh Niên đã vào cuộc để bóc trần những đường dây mua bán lao động đi biển.
Ngã giá mua bán công khai
Bọn tao bỏ tiền trả nợ thay cho mày rồi, giờ lo đi biển làm việc lấy tiền trả nợ. Tiền ăn, nhậu, ở, thuốc lá… mày có nhu cầu thì nói tao. Chi phí đó cộng dồn vào sổ, tính lãi. Sau này sẽ tính khi mày đi biển vô
Liêm, người canh giữ phòng nhốt lao động đi biển thu gom được
Ngày 25.3, hai PV Thanh Niên với quần áo, túi xách cũ nát lang thang ra Bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân, TP.HCM). Vừa bước xuống xe buýt, chúng tôi gặp một người đàn ông hành nghề xe ôm bám theo và liên tục hỏi: “Hai đứa mày đi đâu, cần làm gì anh chỉ cho”. Bám theo một đoạn, người này liền chặn đầu chúng tôi và nói: “Nhìn bộ dạng hai đứa, anh biết là đang cần việc làm đúng không? Ở đây anh có hàng trăm mối lao động, anh chỉ giúp cho. Công việc nhẹ nhàng, lương cao lắm”.
Sau khi nghe chúng tôi trình bày muốn đi biển, người đàn ông nhanh nhẹn giới thiệu: “Đi biển mùa này thì quá đã luôn, biển lặng mà cá lại nhiều. Mấy thằng tao giới thiệu đi biển ở Vũng Tàu, thằng nào vô bờ cũng kiếm được vài chục triệu. Hai đứa tìm đúng người rồi đấy, lên xe anh chở đi ăn cơm trưa, rồi tới chỗ này nhận việc”.
Sau đó, người này chở hai chúng tôi đến khu vực Q.6 cho ăn cơm trưa và liên tục thuyết phục: “Đi biển là nhiều tiền lắm, hai đứa mày thấy ai tốt như anh không? Vừa kiếm việc cho hai đứa, vừa bao cơm trưa. Nghe lời anh đi vài tháng, mỗi thằng vô vài chục triệu trong tay, tha hồ mà tiêu xài”. Chờ chúng tôi ăn cơm xong, người này điện thoại gọi cho ai đó và nói ngắn gọn: “Có hai thằng đi biển, để tao chở qua liền”, rồi giục chúng tôi lên xe chở thẳng tới trung tâm môi giới việc làm T.L (gần công viên Phú Lâm, Q.6).
Tại trung tâm T.L, một phụ nữ giới thiệu: “Đi biển lương tầm mười mấy triệu/tháng đó, nếu chấp nhận thì đưa CMND đây, tí nữa có người chở xuống Vũng Tàu nhận việc”. Thấy chúng tôi gật đầu, người phụ nữ liền gọi điện cho một người tên Loan, hỏi: “Dưới đó thiếu người đi biển không? Có hai thằng tướng được lắm, da săn chắc thích hợp đi biển. Nhận thì tôi cho người đưa xuống, 3,5 triệu/đứa”.
Gọi điện xong, người phụ nữ lấy CMND của chúng tôi kiểm tra và gọi điện cho chồng về. Khoảng 5 phút sau, một người đàn ông xuất hiện yêu cầu “đưa điện thoại và CMND đây anh kiểm tra. Nhìn hai đứa mày đi biển được đó”. Lướt qua CMND, ông này lấy 3 triệu đồng đưa cho người chạy xe ôm rồi quay qua chúng tôi: “Đấy, bọn mày thấy đó, tao cho mỗi đứa 1,5 triệu đồng trả tiền cho xe ôm môi giới rồi. Giờ bọn mày phải lo làm mà kiếm tiền trả nợ”.
Do các ngư dân này nợ tiền nhậu nên chủ nhà hàng gọi cho Phạm Hoài Thương trả nợ giùm. Sau đó, Thương nhốt các ngư dân này tại một ngôi nhà chờ môi giới lao động cho các tàu cá để trừ nợ.
Chẳng chờ chúng tôi trả lời, người đàn ông lấy điện thoại gọi: “Có hai thằng đi biển. Ông tới phụ chở ra Vũng Tàu, giao cho bà Loan rồi thu 7 triệu mang về giúp tôi”. Một lúc sau, hai người đàn ông chạy xe máy tới chở chúng tôi đi TP.Vũng Tàu. Người đàn ông tên Thiện (gần 60 tuổi) và người tên Trầm chở hai PV luồn lách qua các con hẻm thông ra đại lộ Võ Văn Kiệt, thẳng hướng tới phà Cát Lái, qua Nhơn Trạch rồi đi TP.Vũng Tàu. Trên đường đi, ông Thiện luôn miệng: “Làm biển thì tiền nhiều lắm. Tao chở nhiều thằng xuống dưới đó rồi. Thằng nào về kiếm vài chục triệu là bình thường. Hai đứa mày xuống đó chịu cực mà làm thì dư tiền trả nợ và mua xe máy”.
Khoảng 16 giờ 30, xe đến Vũng Tàu, đi vào con hẻm 1031 đường 30/4 và dừng lại trước căn phòng trọ chật chội. Tại đây, người phụ nữ tên Loan yêu cầu hai chúng tôi vào phòng ngồi và hỏi: “Hai em đã từng đi biển chưa? Chị đang cần người làm anh nuôi (nấu ăn trên tàu cá), được thì một trong hai đứa làm nhé. Nấu ăn thì nhẹ lắm, vô thì được tiền hơn mấy thằng kia”.
Nói xong, bà Loan lấy ra hai tờ giấy với nội dung “giấy vay tiền”, trong đó ghi rõ tên tuổi, địa chỉ và bà Loan đã ký tên sẵn. Giấy vay tiền chỉ chừa nội dung tên tuổi người vay, số CMND, số tiền vay, lãi suất… để chúng tôi điền vào. “Đấy, giấy vay tiền đó, hai đứa mượn bao nhiêu tiền để trả nợ cho người môi giới trên Sài Gòn thì điền vô. Chị làm việc tốt giúp hai đứa có công ăn việc làm thôi”, bà Loan nói.
Sau khi chúng tôi điền thông tin và ký tên vào giấy vay nợ, bà Loan lấy 6 triệu đồng đưa cho ông Thiện và giữ hai CMND của chúng tôi. “Bây giờ hai đứa nợ tiền của chị rồi đó. Ăn uống, thuốc lá, nhậu nhẹt… chị lo hết cho hai đứa. Bọn mày chỉ việc đi biển từ 3 – 4 tháng vô rồi chị tính lại chứ không lấy bây giờ đâu”, nói xong, bà Loan kêu người chở hai người đi nhốt ở hai nơi khác nhau.
PV Thanh Niên bị chở đi từ TP.HCM xuống TP.Vũng TàuẢNH: CÔNG NGUYÊN
Bị giam trong phòng kín
Chập tối 25.3, một PV Thanh Niên được một người tên Ngon (31 tuổi, con trai bà Loan) gọi điện cho đàn em chở về căn phòng nằm trong hẻm 988/45 đường 30/4 (P.11, TP.Vũng Tàu). Căn phòng rộng khoảng 15 m2 nằm sâu trong dãy trọ (không có người ở), xung quanh là tường cao bít bùng, chỉ có một cổng ra vô bằng sắt và khóa chặt.
Khi PV vào trong phòng đã có 8 người đang nằm ngồi la liệt. Một người đàn ông khoảng 40 tuổi, người to cao, nước da ngăm, hình xăm khắp người, tự xưng tên Liêm chốt cửa, rồi thu giữ túi xách đựng quần áo, thu điện thoại của PV để kiểm tra. “Bọn tao bỏ tiền trả nợ thay cho mày rồi, giờ lo đi biển làm việc lấy tiền trả nợ. Tiền ăn, nhậu, ở, thuốc lá… mày có nhu cầu thì nói tao. Chi phí đó cộng dồn vào sổ, tính lãi. Sau này sẽ tính khi mày đi biển vô”, Liêm nói và chỉ mặt từng người hăm dọa: “Bọn mày nhớ điều này, hãy từ bỏ suy nghĩ bỏ trốn đi (!)”.
Sau đó, Liêm luôn ngồi trước cửa canh gác và theo dõi những người đang bị nhốt tại đây. Khi PV xin ra ngoài mua ít đồ ăn, anh ta hùng hổ tiến lại gần: “Mày muốn chết hay sao mà ra ngoài, cần gì bọn tao mua cho, chứ mày không được ra ngoài”.
Liêm ngồi trước cửa phòng canh giữ người lao động bên trongẢNH: CÔNG NGUYÊN
Cùng thời gian trên, một PV khác của Thanh Niên được chồng bà Loan áp tải lên xe máy ngược về TP.Bà Rịa, rồi rẽ phải hướng về phía Long Hải, chạy khoảng 10 km thì tiếp tục rẽ phải, chạy băng qua một cánh đồng lúa, dừng trước một căn nhà khang trang, rộng khoảng 6 m, dài 20 m (sau này mới biết thuộc địa phận H.Long Điền, Bà Rịa-Vũng Tàu).
Khi PV tới, trong nhà có hai người, gồm một thanh niên là con vợ chồng bà Loan, người còn lại da ngăm đen là “hàng” mà bà Loan đang nhốt, chờ giao cho chủ ghe. Căn nhà được thiết kế kín mít, chỉ có một lối ra vào là cửa chính, nhưng cửa này luôn được khoá, bên cạnh đó còn có 3 con chó canh giữ. Chồng và con bà Loan nét mặt luôn lạnh băng, đi ra đi vào đều khoá cửa cẩn thận, thậm chí còn buông rèm cửa sổ phòng khách để chúng tôi không nhìn thấy bên ngoài, cũng như người bên ngoài không trông thấy bên trong nhà có ai.