Chưa an tâm với thịt nhập khẩu
VN đã tạm dừng nhập khẩu thịt từ 21 doanh nghiệp (DN) Brazil. Tuy nhiên, từ việc khó truy đường đi của loại thịt này đặt ra nhiều câu hỏi quanh chuyện kiểm soát thịt nhập khẩu…
Chưa an tâm với thịt nhập khẩu
VN đã tạm dừng nhập khẩu thịt từ 21 doanh nghiệp (DN) Brazil. Tuy nhiên, từ việc khó truy đường đi của loại thịt này đặt ra nhiều câu hỏi quanh chuyện kiểm soát thịt nhập khẩu…
Nhiều vụ buôn bán thịt không rõ nguồn gốc được cơ quan chức năng phát hiện gần đây. Trong ảnh: hơn 3 tấn thịt heo không rõ nguồn gốc đang trên đường vào TP.HCM bị bắt giữ – Ảnh: Hồng Lĩnh |
Đã có DN thừa nhận nhập khẩu thịt từ Brazil, nhưng nhiều siêu thị lại khẳng định từ lâu không còn bán thịt Brazil nữa. Trong khi đó, một số DN cho rằng không chỉ thịt từ Brazil, mà nhiều nguồn thịt nhập khác cũng có nguy cơ không an toàn.
Không bán thịt nhập từ… Brazil!?
Từ khi có thông tin thịt từ Brazil “có vấn đề”, Tuổi Trẻ đã đi tìm đường đi của loại thịt này. Tuy nhiên, ngay cả cơ quan chức năng cũng khó xác định.
Dù thịt Brazil về VN được cơ quan chức năng khẳng định không phải từ 21 DN “có vấn đề”, nhưng đại diện một số siêu thị lớn trên địa bàn TP.HCM trước đây từng bán thịt từ Brazil nay đều cho biết đã… không bán từ lâu, hoặc chỉ bán thịt nhập qua đơn vị phân phối có đầy đủ giấy tờ về hạn sử dụng.
Vậy thịt gà Brazil được bán ở đâu khi số liệu từ Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho thấy 2 tháng đầu năm 2017 VN đã nhập tới gần 1.800 tấn thịt gà và Brazil đang đứng thứ 2 về lượng và giá trị thịt gà cung cấp vào thị trường VN?
Theo giới kinh doanh thịt nhập khẩu, gần 70% cánh gà nhập vào VN là từ Brazil. Thực tế thịt gà Brazil từng xuất hiện trong một số siêu thị trước đây với dạng cấp đông, đóng vỉ nên ít người để ý.
Đùi bò và cánh gà Brazil rất phổ biến và được ưa chuộng nhưng từ khi có vụ sự cố an toàn thực phẩm tại Brazil, thịt Brazil ở VN cũng “biến mất” khó hiểu. Theo các chuyên gia, không loại trừ khả năng chúng được sửa đổi “quốc tịch” khi ra thị trường.
Mập mờ thời hạn sử dụng
Sau quá trình tìm hiểu, chỉ một công ty chế biến thực phẩm tại TP.HCM thừa nhận có dùng một ít thịt heo nhập từ Brazil để chế biến chứ không bán lẻ, vì người tiêu dùng VN chỉ ăn thịt nóng.
Còn theo ông Kevin Thơ – giám đốc Công ty TNHH THO (TP.HCM) chuyên nhập khẩu thực phẩm đông lạnh, tỉ trọng nhập gà Mỹ và Brazil về thị trường VN gần tương đương nhau và “thịt nhập khẩu từ Brazil chủ yếu được tiêu thụ qua kênh nhà hàng, khách sạn, quán ăn hoặc công ty chế biến thực phẩm, chỉ một lượng nhỏ bán lẻ đến người tiêu dùng ở những cửa hàng chuyên thực phẩm”.
Ông Thơ cũng tiết lộ với các quy định của VN hiện nay, gà đông lạnh không có tiêu chuẩn đã giết mổ trong bao nhiêu tháng, mà chỉ cần được cấp đông tốt là có thể vô tư nhập vào VN.
Do đó, không ít trường hợp lô hàng VN có hạn sử dụng rất mập mờ, tính từ thời điểm DN rã đông để bán ra thị trường chứ không rõ thời điểm giết mổ.
Về chất lượng thịt nhập khẩu nói chung, trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo DN sản xuất trứng và thịt gia cầm có quy mô tại TP.HCM khẳng định việc tràn ngập thịt bò, cánh gà, chân gà… vào VN thời gian qua với giá có lúc công bố chỉ 7.000 – 9.000 đồng/kg chứa đựng nhiều nguy cơ do hàng kém chất lượng, quá đát.
“Ở nước ngoài người ta không ăn cánh gà, đầu gà… nên mới đưa về VN. Dù vậy chưa tính phí vận chuyển, việc bảo quản cũng tốn kém. Giá bán 7.000 – 9.000 đồng/kg không thể chất lượng được” – vị này nói.
Là người nhiều năm trực tiếp cung ứng thịt, vị lãnh đạo DN này đánh giá thịt của 21 nhà máy giết mổ, chế biến tại Brazil “có vấn đề” chỉ là phần nổi.
Phần quan trọng khác là các loại thịt kém chất lượng vẫn đang “ẩn náu” và tung hoành trên thị trường với mác ngoại. Đa số nguồn hàng này được các công ty VN qua tìm kiếm, gom hàng với số lượng lớn rồi đem về.
Sẽ tổng kiểm tra các kho lạnh
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, các cơ quan chức năng cần công khai số liệu thịt nhập khẩu về để người chăn nuôi trong nước biết nhằm có điều chỉnh kế hoạch chăn nuôi.
Chính phủ cũng nên có những biện pháp tăng cường kiểm soát chất lượng, vì thịt nhập khẩu giá quá rẻ như thời gian qua là bất thường. Nếu có dấu hiệu phá giá, đề nghị Chính phủ có thể áp các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc kiện chống bán phá giá với thịt nhập khẩu.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 25-3, ông Phan Xuân Thảo, chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết vừa nhận thông tin của Cơ quan Thú y vùng VI là không có nguồn hàng thịt nhập khẩu Brazil vào TP.
Tuy nhiên, lãnh đạo này cho rằng việc kiểm tra, kiểm soát thịt nhập khẩu rất khó khăn vì nguồn gốc hàng hoá của các kho lạnh rất chuệch choạc.
Khi lô hàng đã được thông quan thì không cần giấy kiểm dịch nữa, điều này khiến cơ quan chức năng càng rối khi kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, nhất là các loại thịt nhập khẩu “bê bối” vừa qua.
“Hiện chúng tôi đang cho rà soát tất cả công ty nhập khẩu thực phẩm và sẽ tổng kiểm tra các kho lạnh chứa thịt nhập khẩu, để kiểm soát chất lượng hàng hóa khi đưa vào các bếp ăn và chợ truyền thống” – vị này cam kết.
Brazil yêu cầu 3 doanh nghiệp thu hồi thịt hộp Ngày 24-3, Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo cho Brazil sẽ gửi trả lại những lô hàng trong nhóm sản phẩm của các công ty dính líu vụ bê bối thịt bẩn. Đây là quyết định sau cuộc họp ngay trong cùng ngày của chuyên gia thú y các nước thành viên EU cùng đại diện Ủy ban châu Âu. Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Brazil Senacom cũng vừa yêu cầu thu hồi các sản phẩm của 3 công ty sản xuất thịt hộp có liên quan đến vụ bê bối thịt bẩn, hiện đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với ngành chế biến và xuất khẩu thịt của quốc gia Nam Mỹ này. Ba công ty trên nằm trong số 21 DN chế biến thịt đang bị điều tra liên quan đến vụ bê bối thịt bẩn. Tới thời điểm này, 22 thị trường trong tổng số 150 nước và vùng lãnh thổ nhập khẩu thịt của Brazil đã ngừng mua thịt của nước này. Ngày 25-3, Bộ Nông nghiệp Brazil thông báo Trung Quốc, Ai Cập và Chile tuyên bố sẽ cho phép nhập khẩu trở lại sản phẩm thịt của nước này nhưng phải tuân thủ các quy định kiểm tra nghiêm ngặt hơn. |
Thịt trâu, bò từ Brazil chỉ 1-4 USD/kg Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15-3-2017 cả nước nhập khẩu 2.780 tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được có xuất xứ Brazil. Năm 2016, cả nước cũng nhập tới 21.000 tấn thịt và phụ phẩm dạng thịt xuất xứ Brazil. Ngoài ra, Brazil cũng cung cấp đáng kể lượng thịt heo và thịt trâu bò, với giá bình quân theo tờ khai hải quan chỉ 1 – 4 USD/kg thịt tươi sống. |