Mong mở rộng hạn điền
Các bộ ngành đang nghiên cứu nới hạn điền. Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia mong mỏi mức nới hạn điền phải đủ lớn và cần lộ trình nhanh, bởi đây là cơ hội tạo sức bật cho nông nghiệp VN.
Mong mở rộng hạn điền
Các bộ ngành đang nghiên cứu nới hạn điền. Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia mong mỏi mức nới hạn điền phải đủ lớn và cần lộ trình nhanh, bởi đây là cơ hội tạo sức bật cho nông nghiệp VN.
Tập trung ruộng đất để sản xuất lớn, sử dụng tia laser để làm phẳng mặt ruộng tại cánh đồng của một hợp tác xã ở ĐBSCL – Ảnh: Chí Quốc |
Việc mở rộng hạn điền chính là mở rộng tư duy, mở ra một cách nghĩ cho nông dân. Hạn điền như cái bờ bao, bao suy nghĩ của nông dân lại… |
Ông LÊ MINH HOAN, bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp |
Nhiều tập đoàn đã đầu tư lớn vào nông nghiệp, nhiều nơi dân tự tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn. Chủ trương nới hạn điền đang rất được mong chờ…
Còn lo lắng khi phải “xé rào”
Ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp, chia sẻ việc mở rộng hạn điền chính là mở rộng tư duy, mở ra một cách nghĩ cho nông dân.
Cho rằng hạn điền như cái bờ bao, bao suy nghĩ của nông dân lại, ông Hoan trăn trở: “Nông dân trước nay chỉ muốn làm sao để sản xuất nhiều nhất, trong khi thời buổi hiện nay quan trọng là sản xuất cái tốt nhất và phải bán được nữa”.
Ông Nguyễn Quốc Đạt, giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nam, nêu quan điểm “nếu không sản xuất lớn, thu nhập ngành nông nghiệp khó khá lên” và khẳng định Hà Nam hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bằng cách cơ quan chức năng của tỉnh sẽ đứng ra tích tụ đất, người dân vẫn cầm sổ đỏ nhưng cho doanh nghiệp thuê trong khoảng 20 năm…
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, đánh giá hiện đang có những sáng kiến ở các địa phương trong tích tụ ruộng đất, kể cả phải “xé rào”. Nhưng do hạn chế về khung pháp lý nên những sáng kiến này phải làm rất dè chừng, vừa làm vừa nghe ngóng.
Ông Tuấn lưu ý với quy định Luật đất đai hiện nay, nhận chuyển quyền đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân là hành vi bị nghiêm cấm.
Ông Tuấn cho rằng điều này tạo nên tâm lý bất an khi đầu tư vào sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Rủi ro có thể làm nông dân không đầu tư đúng mức về hạ tầng và trang thiết bị để đạt hiệu quả sản xuất cao nhất.
“Vì vậy cần nhanh chóng xem xét nâng hạn mức giao đất nông nghiệp, hoặc bỏ quy định về hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp” – ông Tuấn nói.
Hạn điền nên ở mức 5-10ha
Theo điều 129 Luật đất đai 2013, hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là không quá 3ha cho mỗi loại đất (với khu vực Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long); không quá 2ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, TP trực thuộc trung ương khác.
PGS.TS Nguyễn Văn Sánh (viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL) cho rằng nới hạn điền và tích tụ ruộng đất là xu thế tất yếu. Chính phủ đã có định hướng nới, nên có lộ trình để thực hiện càng sớm càng tốt.
Về hạn điền bao nhiêu là vừa, ông Sánh cho biết các nước Đông Nam Á thường cho 5 – 10ha. Tại VN, hiện tại 39% nông hộ ở ĐBSCL có diện tích canh tác chỉ từ 5 công đất/hộ. Ông Sánh cho rằng hạn điền ở VN sẽ tùy theo vùng, nhưng cũng nên ở mức 5-10ha.
Còn vấn đề tích tụ ruộng đất, ông Sánh nêu quan điểm chỉ cho phép 10 – 15% doanh nghiệp tham gia quá trình này, còn lại từ 85% trở lên phải là những nông hộ. Bởi nếu cho phép tích tụ 1.000 – 2.000ha đất với lượng lớn doanh nghiệp tham gia, đất của dân rất dễ bị “vớt” hết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 25-3, ông Nguyễn Minh Nhị – nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho rằng việc người dân mua bán hay của ông bà cha mẹ để lại đúng ra chính quyền nên cấp cho họ đứng tên, chứ không nên bám sát vào 3ha hạn điền mà làm khó dân.
Để người dân phải mượn bà con dòng họ đứng tên là không ổn, ông Nhị cho rằng người dân mua đất bao nhiêu hãy mặc nhiên công nhận trên giấy tờ, với điều kiện người này mua đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao.
Phải đi đôi với khơi thông sinh kế
Theo ông Nguyễn Minh Nhị, thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp sau khi tích tụ ruộng đất đã biến đất nông nghiệp thành đất thổ cư, thu lợi nhuận khủng. “Điều kiện pháp lý phải chặt chẽ hơn” – ông Nhị nói.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cũng cho rằng nếu thúc đẩy tích tụ ruộng đất phải tính ngay đến bài toán tạo việc làm, khơi thông sinh kế cho những hộ nông dân.
“Cần xem xét giãn bớt phát triển công nghiệp – đô thị về các vùng nông thôn, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp để tạo việc làm. Đồng thời cần tạo điều kiện vốn hóa đất đai, tài sản và phát triển bảo hiểm xã hội cho những nông dân rời bỏ nông nghiệp” – ông Tuấn nói và đề nghị cần đổi mới các chương trình đào tạo nghề ở nông thôn theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Ông Lê Minh Hoan đề nghị cá nhân, doanh nghiệp muốn tích tụ ruộng đất nên đi kèm điều kiện, như phải có kế hoạch hình thành chuỗi giá trị nông sản, phương án giải quyết những vấn đề xã hội như bài toán về lao động… Ngoài ra, cần có quy định về diện tích tối thiểu và diện tích tối đa khi tích tụ ruộng đất.
Ông NGUYỄN MINH NHỊ: Cho nới hạn điền nhưng tránh địa chủ mới Bên cạnh cho phép nới hạn điền, cơ chế pháp lý phải sửa đổi lại theo hướng người dân, doanh nghiệp đứng tên vượt hạn điền mà trực canh thì được. Còn có đất nhiều mà không làm, chỉ cho người khác thuê lại thì không khác nào những địa chủ, nguy hiểm lắm. Nếu lợi dụng việc mở rộng hạn điền để tích đất rồi cho thuê thì phải đánh thuế. |
Sẽ báo cáo Chính phủ vào quý 3-2017 Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà cho biết việc rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp đã được Chính phủ giao Bộ TN-MT phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp thực hiện và các bộ sẽ báo cáo Chính phủ trong quý 3-2017. Ông Hà cho biết đã giao Tổng cục Quản lý đất đai rà soát toàn bộ văn bản pháp luật về đất đai có liên quan và sơ kết nghị quyết 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai…). Ông Hà cho biết sau sơ kết, rà soát sẽ phải đề xuất được những chính sách mới, sửa đổi theo hướng tạo điều kiện để tăng hạn điền, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. |