Dù vượt trội về quân sự nhưng liên quân Hàn Quốc-Mỹ sẽ phải hứng chịu hệ quả không thể lường hết nếu tiến hành bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Triều Tiên.
Viễn cảnh Hàn – Mỹ tấn công Triều Tiên
Dù vượt trội về quân sự nhưng liên quân Hàn Quốc-Mỹ sẽ phải hứng chịu hệ quả không thể lường hết nếu tiến hành bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Triều Tiên.
Trong chuyến công du châu Á đầu tiên kể từ khi nhậm chức diễn ra hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bất ngờ tuyên bố “sự kiên nhẫn chiến lược” của nước này đối với CHDCND Triều Tiên đã hết và giải pháp quân sự “đang được cân nhắc”.
Ngày 25.3, Yonhap tiếp tục dẫn lời Giám đốc Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc Yun Duk-mi đề nghị nước này tăng ngân sách quốc phòng mỗi năm thêm khoảng 3.000 tỉ won (2,8 tỉ USD) để có thể tạo ra sức mạnh răn đe đối phó mối đe doạ hạt nhân từ Triều Tiên.
Đáp lại những cảnh báo từ Seoul và Washington, Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh Bình Nhưỡng “có ý chí và khả năng để ứng phó đầy đủ bất kỳ cuộc chiến tranh nào do Mỹ khơi mào”.
Đó là cảnh báo của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ở Bắc Kinh ngày 18.3, theo AFP.
Ba lựa chọn
Tờ The New York Times dẫn lời giới phân tích cho rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Tillerson có thể không phải là “doạ suông” khi Tổng thống Donald Trump nhiều lần chỉ trích chính sách về Triều Tiên của người tiền nhiệm Barack Obama quá mềm yếu và không có hiệu quả. Tuy giới chức chưa đưa ra thông báo cụ thể nào nhưng các chuyên gia nhận định Mỹ có 3 lựa chọn nếu thực sự mạo hiểm tấn công phủ đầu Triều Tiên.
Thứ nhất là ra tay trước để ngăn chặn Bình Nhưỡng phóng tên lửa. Theo cựu chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mike Mullen, nếu phát hiện Triều Tiên có dấu hiệu phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, Mỹ sẽ tiến hành tấn công nhằm vô hiệu hoá ngay bệ phóng hoặc bắn hạ sau khi tên lửa rời khỏi mặt đất. Tuy nhiên, việc này sẽ khó khăn hơn nhiều so với tấn công các bệ phóng được đặt cố định ngoài trời. Trong thời chiến, Triều Tiên rất có thể sẽ sử dụng bệ phóng di động được che giấu ở nhiều nơi hoặc nằm sâu trong những đường hầm kiên cố.
Lựa chọn thứ hai là thọc sâu vào nội địa kết hợp với tấn công mạng để phá hủy kho vũ khí cũng như các cơ sở tên lửa và hạt nhân nhằm làm tê liệt chương trình phát triển của Triều Tiên. Từ tháng 3.2016, Hàn Quốc đã thành lập lực lượng đặc nhiệm mang tên “Spartan 3.000”, gồm 3.000 binh sĩ luôn trong tình trạng sẵn sàng để triển khai tới mọi khu vực trên bán đảo Triều Tiên trong vòng 24 giờ với nhiệm vụ chính là phá hủy các cơ sở quân sự chủ chốt của miền Bắc, theo Yonhap.
Ngoài ra, Seoul và Washington sở hữu những loại đạn được dẫn đường chính xác cùng bom phá boongke có độ chính xác cao có thể xuyên phá mọi hầm ngầm của Triều Tiên. Vấn đề ở đây là có thể mất nhiều thời gian để triển khai các loại vũ khí này vì đa phần không được đặt trên bán đảo Triều Tiên. Nếu không kịp phủ đầu mà để miền Bắc kịp thời phản ứng thì quá trình huy động vũ khí sẽ càng thêm khó khăn. Nguy hiểm hơn, mọi hành động lấn sâu qua biên giới sẽ khiến Bình Nhưỡng cho là âm mưu xâm lược hoặc ám sát lãnh đạo nên chắc chắn sẽ phản ứng mạnh mẽ và rất có khả năng dẫn tới chiến tranh toàn diện.
Lựa chọn cuối cùng là Mỹ khơi mào một cuộc chiến tranh nhằm thẳng vào chính quyền Triều Tiên như đã làm ở Iraq hồi năm 2003. Thách thức cho lựa chọn này là Triều Tiên có thể sẽ tiến hành tấn công tổng lực bằng bộ binh và pháo binh, thậm chí là cả hạt nhân để đáp trả.
Theo The New York Times, Triều Tiên sẽ gần như chắc chắn thành công trong việc triển khai vũ khí hạt nhân và hoá học, dẫn đến nguy cơ hàng triệu người ở Hàn Quốc và Nhật Bản thiệt mạng. Hiện nay, Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) có 1,1 triệu quân thường trực, gần gấp đôi con số 625.000 binh sĩ Hàn Quốc và 28.000 binh sĩ Mỹ đóng tại miền Nam. Ngoài ra, hầu như mọi cơ sở quân sự trọng yếu tại Hàn Quốc đều nằm gọn trong tầm bắn của hàng ngàn quả đạn pháo từ miền Bắc.
“Tên lửa và pháo của Triều Tiên có cũ đến đâu thì vẫn đủ sức bắn tới Seoul để gây thiệt hại lớn”, cựu giám đốc chương trình châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Victor Cha cảnh báo.
Mặt khác, chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un hiện chỉ duy trì một đường mòn duy nhất nối giữa giới tuyến liên Triều với thủ đô Bình Nhưỡng, đồng thời bố trí nhiều oanh tạc cơ để tiêu diệt đối phương xâm nhập. Chưa kể là theo các nguồn tin tình báo và quân sự, ngay phía dưới quảng trường Kim Nhật Thành có một boongke chỉ huy dành cho lãnh đạo cấp cao với khả năng chống chịu bom đạn cực cao. Hầm này được trang bị đầy đủ hệ thống thông gió và đường hầm thoát hiểm bí mật nên Mỹ và Hàn Quốc sẽ không dễ đạt được mục tiêu nhanh chóng vô hiệu hóa dàn lãnh đạo cấp cao của Triều Tiên.
Phó đại sứ Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc Choe Myong Nam khẳng định “không có gì phải sợ”, nếu Mỹ áp dụng thêm các lệnh trừng phạt nhằm cô lập Triều Tiên khỏi thị trường tài chính toàn cầu.
Bất khả thi
Theo The New York Times, mọi kế hoạch quân sự chống lại Triều Tiên đều gặp những thách thức hầu như không thể vượt qua. Thứ nhất là Triều Tiên luôn sẵn sàng đáp trả. Tuy có sự chênh lệch lớn về sức mạnh công nghệ quân sự nhưng nước này áp đảo về số lượng và không ngần ngại trước mọi rủi ro.
Ngoài ra, trong trường hợp xung đột leo thang, chính quyền Bình Nhưỡng vẫn được sự ủng hộ tuyệt đối của người dân trong khi Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ vấp phải phản đối mạnh mẽ của giới phản chiến. Trong trường hợp Washington muốn đơn phương hành động thì có thể chính các lãnh đạo Seoul và Tokyo sẽ ngăn cản vì không muốn “vạ lây”.
Không những sẵn sàng đáp trả mà Triều Tiên được cho là không hề e ngại đẩy căng thẳng leo thang thành thế một mất một còn bằng cách tập trung tấn công vũ bão, chọc thủng hàng phòng thủ theo đội hình bậc thang của Hàn Quốc trải dài từ khu phi quân sự liên Triều đến Seoul. Chiến lược này tạo ra nguy cơ khiến giới hoạch định chiến tranh của Mỹ đau đầu lâu nay.
The New York Times dẫn lời chuyên gia Jeffrey Lewis tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury (Mỹ) nhắc lại tình trạng tiến thoái lưỡng nan của Washington trong vụ chiến đấu cơ Triều Tiên bắn hạ máy bay trinh sát của hải quân Mỹ trên vùng biển nằm giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên hồi năm 1969, khiến 31 người thiệt mạng. Khi đó, chính quyền tổng thống Richard Nixon đã không đáp trả vì không thể tìm ra những lựa chọn “đủ cứng rắn để trừng phạt Triều Tiên mà không mạnh đến mức khơi mào chiến tranh tổng lực”.
Theo ông Lewis, đây là vấn đề mà đến nay chính quyền Mỹ vẫn chưa có giải pháp. Đó là chưa kể viễn cảnh Trung Quốc, thậm chí cả Nga, tham chiến. Tuy quan hệ Trung – Triều đang gặp trục trặc và Bắc Kinh lẫn Moscow đều khẳng định không chấp nhận Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng Trung Quốc sẽ không ngồi yên nếu Hàn – Mỹ đẩy mạnh tấn công trên lãnh thổ Triều Tiên và áp sát biên giới Trung – Triều.
Cuối cùng, câu hỏi khó trả lời nhất là nếu chấp nhận mọi rủi ro thì Mỹ có đạt được những mục tiêu chiến lược của mình hay không. The New York Times dẫn lời giới quan sát cho rằng hiện không ai có thể đưa ra giải đáp vì diễn biến sẽ rất khó lường. Vì vậy, những tuyên bố của Ngoại trưởng Tillerson có thể được hiểu theo nghĩa là Mỹ sẵn sàng cứng rắn hơn trước nhưng chỉ nhằm gây sức ép Triều Tiên, và cả Trung Quốc, chấp nhận trở lại đàm phán ở thế yếu và phải nhượng bộ. “Đó là một ý tưởng tồi về chiến lược nhưng là lựa chọn khả dĩ nhất hiện nay đối với Mỹ. Chúng ta có thể hiểu tại sao các nhà hoạch định quân sự vẫn hướng về nó”, chuyên gia Lewis bình luận.
Trong chuyến thăm vùng phi quân sự chia cắt bán đảo Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã bị lính CHDCND Triều Tiên chụp ảnh lén nhiều lần.
Trở lại giải pháp ngoại giao ?
Theo bình luận của Chủ tịch Hội đồng quan hệ ngoại giao (Mỹ) Richard N.Haass đăng trên trang ProjectSyndicate, một số nhà chiến lược Mỹ đã nghĩ đến giải pháp tìm cách thay đổi chính quyền ở Bình Nhưỡng với hy vọng giới lãnh đạo mới sẽ có cách hành xử khác.
Tuy nhiên, theo ông Haass, kế hoạch này rất khó thành công vì Triều Tiên quá khép kín và khó can thiệp từ bên ngoài cũng như sự kiểm soát chặt chẽ các cơ quan chủ chốt của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Từ đó, chuyên gia Haass cho rằng nên trở lại giải pháp ngoại giao.
Ông đề xuất Mỹ có thể nhượng bộ trước để chủ động đề nghị đàm phán trực tiếp, điều mà Triều Tiên luôn mong muốn. Một khi có thể ngồi lại với nhau, Washington có thể đưa ra điều kiện là Bình Nhưỡng đồng ý dừng mọi khả năng tên lửa và hạt nhân.
Đổi lại, Mỹ cùng các đối tác sẽ giảm các biện pháp trừng phạt và có thể đồng ý ký một hiệp ước hòa bình sau hơn 60 năm kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953). Theo ông Haass, không có gì đảm bảo giải pháp này sẽ thành công nhưng ít ra thì khả năng vẫn lớn và an toàn hơn lựa chọn quân sự.