Thủ tướng Trung Quốc nói ‘không quân sự hoá’ Biển Đông
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng “dù có một số lượng thiết bị hay cơ sở quốc phòng đi nữa” thì đó cũng là để phục vụ dân sự!
Thủ tướng Trung Quốc nói ‘không quân sự hoá’ Biển Đông
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng “dù có một số lượng thiết bị hay cơ sở quốc phòng đi nữa” thì đó cũng là để phục vụ dân sự!
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại Canberra ngày 24-3 – Ảnh: Reuters |
Ông Lý Khắc Cường đã có chuyến thăm Úc và gặp gỡ với Thủ tướng chủ nhà Malcolm Turnbull tại Canberra.
Thủ tướng Trung Quốc bác bỏ lập luận cho rằng Bắc Kinh đang quân sự hoá tại các vùng nước trên Biển Đông, song bất ngờ gián tiếp thừa nhận về sự hiện diện của thiết bị quân sự.
“Thậm chí có một số lượng thiết bị hay cơ sở quốc phòng nhất định đi nữa, chúng cũng chỉ phục vụ cho tự do hàng hải và hàng không”, đài ABC (Úc) dẫn lời Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố vào hôm nay (24-3).
Bảo vệ ai, chống lại ai?
“Với sự tôn trọng dành cho cái gọi là quân sự hoá, Trung Quốc chưa bao giờ có ý định quân sự hóa ở Biển Đông”, đài ABC dẫn lời ông Lý Khắc Cường.
Đài truyền hình Úc nhận xét rằng Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích rộng rãi từ cộng đồng quốc tế xung quanh việc xây đắp, cải tạo đảo nhân tạo trong các vùng nước tranh chấp.
Những hình ảnh vệ tinh gần đây ghi nhận được rất nhiều hệ thống vũ khi Bắc Kinh đặt lên các đảo, đá, nhằm kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đông.
Trong vài ngày qua, ít nhất hai lần có những phát ngôn bất nhất của Trung Quốc về các “cơ sở hạ tầng” mà Bắc Kinh đặt trên các khu vực tranh chấp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 23-3 “chỉnh” lại phát biểu của một người được cho là “thị trưởng thành phố Tam Sa” trước đó, và nói rằng có sự “nhầm lẫn” trong việc cáo buộc Trung Quốc xây dựng các trạm quan trắc môi trường biển.
Dù vậy, ông Lý Khắc Cường tại Canberra tiếp tục thừa nhận rằng “các cơ sở do Trung Quốc xây dựng trên các đảo và rạn san hô chủ yếu phục vụ mục đích dân sự”. Ông Lý cũng nói Trung Quốc cần các thiết bị quân sự để bảo vệ lợi ích thương mại trong khu vực.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu từ cơ quan thông tin năng lượng Mỹ cho biết khoảng 80% lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc đi qua Biển Đông.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 24-3, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Úc, khẳng định phát biểu của ông Lý Khắc Cường có thể tiềm ẩn một tham vọng quân sự hoá Biển Đông.
“Bảo vệ ở đây là bảo vệ chống lại ai? Phát biểu này (của ông Lý Khắc Cường) chỉ là màn mào đầu cho việc quân sự hoá trong tương lai mà thôi”, GS Thayer nhận dịnh.
Thế khó của Úc
Tại Úc vừa qua, Thủ tướng Turnbull nhắc lại lập trường lâu dài của Úc rằng các nước nên giải quyết sự khác biệt một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Ông nói: “Chúng tôi khuyến khích các bên tránh những hành động gây căng thẳng leo thang, bao gồm các hoạt động quân sự hoá trên những khu vực tranh chấp”.
Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định rằng Úc đang cẩn trọng, không muốn chọc giận Trung Quốc nhằm đảm bảo lợi ích hợp tác.
Hiện thị trường Trung Quốc đang tiêu thụ 31% hàng hoá xuất khẩu của Úc tính trong 12 tháng đến thời điểm tháng 7-2016. Vừa qua hai bên cũng ký hàng loạt thoả thuận song phương về thương mại nông nghiệp cũng như hợp tác cơ sở hạ tầng, theo Bloomberg.
Ông Geoff Raby, một cựu đại sứ Úc tại Trung Quốc, thậm chí nhận định rằng xung đột Biển Đông do Trung Quốc tạo ra đang đặt chính phủ Úc vào tình thế khó khăn.
“Một mặt, chúng tôi có những lợi ích thương mại và kinh tế rất lớn với Trung Quốc. Tương lai của kinh tế Úc là Trung Quốc. Mặt khác, an ninh của chúng tôi gắn với Mỹ và những đồng minh”, ông Raby nhận xét.