London vượt qua nỗi đau thương
Thủ đô London của Anh đang trở về với nhịp sống thường ngày, như một cách để thể hiện thái độ với những hành động cực đoan.
London vượt qua nỗi đau thương
Thủ đô London của Anh đang trở về với nhịp sống thường ngày, như một cách để thể hiện thái độ với những hành động cực đoan.
Cầu Westminster đã mở lại vào tối 23.3, lập tức ken dày người đến đặt hoa và nến. Đây là nơi Khalid Masood, công dân Anh 52 tuổi lái xe đâm vào đám đông khách bộ hành, sau đó dùng dao đâm một cảnh sát ở trụ sở Quốc hội nước này (Điện Westminster) trước khi bị bắn chết.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã nhận trách nhiệm vụ tấn công ngày 22.3. Tính đến ngày 24.3, vụ tấn công đã làm 4 người thiệt mạng và khoảng 40 người bị thương.
Tờ Le Monde dẫn lời một viên cảnh sát London cho biết mọi thứ đã vào lại guồng xoay thường nhật, đường phố lại tấp nập và tàu điện ngầm thì đông đúc vào giờ cao điểm.
TIN LIÊN QUAN
Khalid Masood là kẻ tấn công khủng bố London
Kẻ tấn công khủng bố London ngày 22.3 tên Khalid Masood, 52 tuổi, từng có nhiều tiền án.
Ông Mike Haines, anh của con tin người Anh David Haines bị IS chặt đầu cách đây 3 năm, nhận định: “Giữa niềm tiếc thương, điều quan trọng là chúng ta phải tỏ ra bình tâm và đoàn kết. Các tổ chức khủng bố càng muốn làm lan tràn nỗi sợ hãi thì chúng ta càng phải chứng tỏ điều ngược lại”.
Theo cảnh sát London, hung thủ Masood, tên khai sinh là Adrian Russell Ajao, sinh tại hạt Kent (miền nam Anh) nhưng từ vài tháng qua đã chuyển sang TP.Birmingham ở miền trung. Thành phố này bị xem là “điểm nóng” về Hồi giáo cực đoan ở Anh. Mohamed Abrini, nghi phạm hàng đầu trong vụ tấn công ở thủ đô Brussels của Bỉ vào tháng 3.2016 và đợt tấn công liên hoàn ở thủ đô Paris của Pháp vào tháng 11.2015, cũng đã sống tại Birmingham một thời gian.
Masood từng có nhiều tiền án như hành hung (năm 1983), mang vũ khí (năm 2003) và bị Cơ quan Tình báo nội địa (MI5) điều tra vì liên quan đến một vụ bạo động. Tuy nhiên, kẻ này không bị xem là tội phạm đặc biệt nguy hiểm nên không còn bị theo dõi. Masood cũng không nằm trong danh sách 3.000 người có thể liên quan đến khủng bố của MI5.
Hiện cảnh sát chưa công bố hung thủ bắt đầu bị “cực đoan hoá” từ khi nào, chỉ cho biết nghiêng về giả thuyết đây là hành động đơn độc. IS tuy nhận trách nhiệm nhưng chỉ nói là hung thủ “đáp lại lời kêu gọi” nên có thể cũng không biết trước vụ việc và Masood nhiều khả năng không phải là thành viên trực tiếp của tổ chức này.
Ngày 24.3, cảnh sát Anh thông báo đã bắt thêm 2 nghi can “quan trọng” và hiện tổng số người bị tạm giữ vì tình nghi liên quan vụ việc đã lên đến 9 người.
TIN LIÊN QUAN
Cảnh sát Anh công bố hình ảnh của nghi phạm khủng bố
Theo tờ The Guardian, hình ảnh đầu tiên của nghi phạm khủng bố Khalid Masood đã được công bố vào ngày 24.3.
Trong một diễn biến khác, cảnh sát Pháp cho biết Mohamed R., kẻ lái xe lao về khách bộ hành ở TP.Antwerp (miền bắc Bỉ) vào tối 23.3 nhưng may mắn không gây thương vong, là người Tunisia và có giấy phép cư trú tại Pháp. Trước đó, toà án Bỉ ra thông cáo nói người này là công dân Pháp. Văn phòng Công tố liên bang của Bỉ hôm qua thông báo R. đã bị truy tố các tội danh liên quan đến khủng bố.
Lan Chi