Thê thảm ngân hàng ‘họ’ dầu khí
Làm trái quy định của pháp luật; lách luật để chi phối, thao túng hoạt động của các ngân hàng… một loạt sai phạm của PVN trong giai đoạn 2008 – 2015 đã gián tiếp đẩy OceanBank, GPBank… xuống vực.
Thê thảm ngân hàng ‘họ’ dầu khí
Làm trái quy định của pháp luật; lách luật để chi phối, thao túng hoạt động của các ngân hàng… một loạt sai phạm của PVN trong giai đoạn 2008 – 2015 đã gián tiếp đẩy OceanBank, GPBank… xuống vực.
Thua lỗ, mất vốn, bị mua lại 0 đồng là hậu quả tất yếu.
Bất chấp pháp luật, “ôm” cả 2 nhà băng
Năm 2006, với tham vọng trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu, PVN đứng ra chủ trì đề án thành lập Ngân hàng (NH) TMCP Dầu khí với tỷ lệ góp 15% vốn điều lệ tương đương 1.000 tỉ đồng. Các cổ đông khác gồm một số doanh nghiệp lớn và đặc biệt cổ đông thể nhân bao gồm toàn bộ cán bộ công nhân viên của tập đoàn.
Do có sự trùng lặp về tên gọi (thị trường đã có NH Dầu khí toàn cầu – GPBank) nên NH Dầu khí, sau đó được đổi tên thành Ngân hàng TMCP Hồng Việt. Tuy nhiên, cái tên mỹ miều này đã chết yểu ngay sau đó.
Theo chủ trương kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ ra chỉ thị yêu cầu các tập đoàn phải làm gương, mỗi tập đoàn chỉ được phép lập một NH. Ông Phạm Viết Muôn – Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thời điểm đó – cũng khẳng định: “PVN chỉ được đầu tư vào một NH thương mại. Nếu đã đầu tư vào GPBank thì sẽ không được cấp phép thành lập NH Hồng Việt, còn nếu PVN vẫn xin phép thành lập NH Hồng Việt thì phải thoái vốn ở GPBank”.
Lúc này, PVN đang sở hữu 9,5% vốn điều lệ của GPBank, nên Hồng Việt có nguy cơ bị khai tử sớm. Để lách qua khe cửa này, PVN tìm cách chuyển hướng, đưa vốn góp sang địa chỉ khác một cách tinh vi.
Trong Báo cáo số 7224 gửi Thủ tướng lúc ấy, Chủ tịch HĐQT của PVN nêu rõ, lý do quyết định dừng thành lập NH Hồng Việt xuất phát từ sự tự giác của tập đoàn; khẳng định đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại GPBank. Tuy nhiên, trên thực tế PVN lại dùng chiêu “đá bóng” về sân sau để hợp thức hóa khoản vốn góp tại GPBank. Cụ thể, PVN đã dùng công ty con của mình là CTCP đầu tư tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI) đứng ra làm đầu mối nhận vốn. Theo Nghị quyết số 3029/NQ-DKVN ngày 29.4.2008 của HĐQT PVN về việc chuyển nhượng phần vốn góp của tập đoàn tại GPBank cho PVFI. Ngày 8.9.2008, Công ty PVFI đã chính thức trở thành cổ đông của GPBank với số cổ phần sở hữu là 9.753.900 cổ phần, chiếm 9,759% vốn điều lệ của GPBank.
Sau khi sở hữu được cổ phần chi phối tại GPBank, thông qua PVFI, PVN “điều” ông Tạ Bá Long – Ủy viên HĐQT của PVFI (sở hữu 9,8 triệu cổ phần của GPBank chiếm 4,9% vốn điều lệ), ông Hồ Văn Khuyến đại diện của PVFI cũng được đưa vào HĐQT của GPBank với tỷ lệ sở hữu 3,9% vốn điều lệ. Ngoài ra, người nhà của ông Tạ Bá Long gồm vợ là bà Đ.Th.Th sở hữu 4,298% vốn điều lệ, con gái T.Th.Th chiếm 4,1% vốn điều lệ…
Không chỉ lách luật để chi phối GPBank, PVN đã vi phạm nghiêm trọng quy định của NH Nhà nước (NHNN). Cụ thể, tại điều 5, khoản d của Quyết định 24/2007/QĐ-NHNN do NHNN ban hành đã quy định rõ một tổ chức, cùng với người có liên quan tổ chức đó chỉ được tham gia lập một NH với mức sở hữu tối đa 10% vốn điều lệ của một NH. Về mức sở hữu cổ phần, một cổ đông là tổ chức cũng chỉ được sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ của một NH.
Cùng lúc đó, PVN cũng xin được chuyển toàn bộ phần vốn góp của tập đoàn và cán bộ công nhân viên từ Hồng Việt sang OceanBank. Phương án này sau đó được phê duyệt, PVN chính thức sở hữu 20% vốn điều lệ OceanBank (tương đương 800 tỉ đồng).
Như vậy, trong giai đoạn này PVN cùng một lúc đã duy trì vốn góp tại cả hai NH là OceanBank và GPBank. Chưa kể, một tổ chức tài chính khác là TCT tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) cũng được tập đoàn này sở hữu 70% vốn. PVN sau đó đã chỉ đạo PVFC lập các công ty con, từ đó PVFC gián tiếp bơm tiền xuống để dùng chính nguồn tiền đó mua cổ phần của PVFC nhằm chi phối đơn vị này.
Mối quan hệ sở hữu chéo, ôm nhiều nhà băng, vi phạm pháp luật dẫn tới người của PVN được cài cắm khắp nơi, đảm nhiệm nhiều vai. Hậu quả, ông Tạ Bá Long, nguyên Chủ tịch HĐQT GPBank đồng thời là ủy viên HĐQT của PVFI đã bị bắt tạm giam liên quan đến sai phạm tại GPBank. Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng ban trù bị NH Hồng Việt, Phó giám đốc PVFC, nguyên Tổng giám đốc OceanBank hiện cũng đã bị truy tố với một loạt tội danh trong đại án Hà Văn Thắm…
Thua lỗ, mất vốn
Số phận của các nhà băng này sau khi vào tay của PVN vô cùng thê thảm. Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2014 được công bố tại đại hội cổ đông của GPBank, đến tháng 5.2014, tổng số lỗ lũy kế của GPBank lên đến 12.280 tỉ đồng dẫn tới vốn chủ sở hữu bị âm 9.195 tỉ đồng (vốn điều lệ của GPBank là 3.018 tỉ đồng). Tỷ lệ nợ xấu của GPBank đạt tới con số cao kỷ lục 45,37%. GPBank sau đó bị NHNN bắt buộc mua toàn bộ cổ phần của cổ đông hiện hữu với giá 0 đồng. Toàn bộ số vốn góp của PVN thông qua công ty con, người đại diện của mình coi như mất trắng.
OceanBank thậm chí còn thảm hại hơn. Năm 2006 sau hai lần tăng vốn, vốn điều lệ của OceanBank tăng từ 71 tỉ đồng lên 170 tỉ đồng. Chưa đầy một năm sau cũng qua hai lần tăng vốn NH này đã tăng vốn lên 1.000 tỉ đồng. Để đáp ứng quy định về vốn điều lệ tối thiểu và được sự hỗ trợ từ PVN, trong năm 2008 và năm 2010 OceanBank đã tăng vốn lên 2.000 tỉ đồng, rồi lên 4.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, kể từ khi Hà Văn Thắm bị bắt, OceanBank bắt đầu bộc lộ một loạt những yếu kém, sai phạm. Theo cơ quan cảnh sát điều tra, đến thời điểm 31.3.2014, vốn điều lệ của OceanBank là 4.000 tỉ đồng, gồm 1.137 cổ đông, trong đó có 4 cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ, riêng PVN chiếm 20%. Nợ xấu tại thời điểm 31.3.2014 của OceanBank lên tới gần 15.000 tỉ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống của OceanBank, lợi nhuận trước thuế lỗ hơn 10.000 tỉ đồng bằng 249,63% vốn chủ sở hữu (tức âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần)… Trước thực tế đó, ngày 6.5.2015, NHNN quyết định mua OceanBank với giá 0 đồng, chuyển đổi thành NHTM TNHH một thành viên Đại Dương.
Riêng PVFC dưới sự chỉ đạo của PVN đã thành lập một loạt công ty con, bơm tiền xuống bằng hình thức ủy thác đầu tư. Sau đó, dùng chính dòng tiền này mua lại cổ phiếu của PVFC khi cổ phần hoá. Nhờ đó mà PVN vẫn gián tiếp sở hữu, chi phối được hoạt động của công ty này. Hậu quả, PVFC từ cánh chim đầu đàn của ngành dầu khí đã kinh doanh bết bát, đứng trước nguy cơ mất vốn. Báo cáo tài chính cho thấy, nợ xấu của PVFC vào thời điểm 2014 lên tới 8.500 tỉ đồng, một loạt khoản đầu tư uỷ thác không thu hồi được.
Anh Vũ