Ngân hàng đua nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi cao
Nhiều ngân hàng ở TP.HCM đang chạy đua phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao nhằm thu hút nguồn vốn dài hạn.
Ngân hàng đua nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi cao
Nhiều ngân hàng ở TP.HCM đang chạy đua phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao nhằm thu hút nguồn vốn dài hạn.
Những ngày gần đây, nhiều ngân hàng liên tục phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao để hút vốn trung dài hạn – Ảnh: T.T.D. |
Lý do đưa ra là do khó huy động vốn tiết kiệm dài hạn trong khi bị siết việc sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Các chuyên gia cảnh báo động thái này của các ngân hàng (NH) sẽ khiến lãi suất cho vay tăng theo trong thời gian tới, nhất là các khoản cho vay trung dài hạn, cho vay tiêu dùng cá nhân, vay mua bất động sản…
Khát vốn kỳ hạn dài?
Đáo hạn sổ tiết kiệm 500 triệu đồng vào tháng 2-2017, chị Phương (Bình Tân) được nhân viên NH mời chào mua chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên đến gần 8,5%/năm, cao hơn gần 1,5%/năm so với mức lãi suất cao nhất mà NH đang áp dụng.
“Thấy tôi đắn đo vì kỳ hạn của chứng chỉ tiền gửi lên đến 5 năm, nhân viên này trấn an là có thể sang nhượng hoặc cầm cố chứng chỉ này để vay vốn khi cần” – chị Phương cho biết. Nhiều người cũng cho biết được một số người quen làm ở NH chào mua chứng chỉ tiền gửi với lãi suất hấp dẫn.
Ghi nhận trên thị trường cho thấy hàng loạt NH đã công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi thời gian qua, NH phát hành sau có lãi suất cao hơn NH phát hành trước.
Chẳng hạn, Sacombank vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm + 1 ngày với lãi suất 8,48%/năm và 8,88%/năm với kỳ hạn 7 năm. Trước đó, nhiều NH đã phát hành chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn như VIB, Nam Á, Bưu điện Liên Việt, Vietcombank… với lãi suất từ 8,2 – 8,8%/năm tùy kỳ hạn và NH.
Giám đốc khối khách hàng cá nhân một NH cổ phần lớn tại TP.HCM cho biết bản thân NH này không thể đứng ngoài cuộc đua phát hành chứng chỉ tiền gửi, bởi một lượng lớn tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn đã bị rút ra khỏi NH này để chuyển sang mua chứng chỉ tiền gửi tại một số NH khác.
“Cuộc đua lãi suất chứng chỉ tiền gửi xuất phát từ một số NH lớn nhằm thu hút vốn kỳ hạn dài, sau đó lan đến các NH cổ phần khác với lãi suất ngày càng tăng, buộc các NH khác cũng phải tham gia nếu không muốn bị mất vốn” – vị này cho biết.
Trả lời Tuổi Trẻ lý do vì sao không tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài thay vì phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất cao, nhiều NH cho biết thời gian qua đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn trên 1 năm nhưng số người gửi tiết kiệm kỳ hạn dài rất ít. Chưa kể với gửi tiết kiệm kỳ hạn tối đa chỉ khoảng 3 năm, trong khi chứng chỉ tiền gửi thời hạn có thể lên đến 7 năm.
“Đây là lý do mà hầu hết các NH phải chuyển sang phát hành chứng chỉ tiền gửi, chấp nhận bỏ ra nguồn vốn với lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm khoảng 1 – 2%/năm để thu hút được nguồn vốn dài hạn và ổn định để cho vay” – giám đốc một NH nói.
Lãi suất cho vay sẽ tăng?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM, thừa nhận có tình trạng nhiều NH đồng loạt phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, nhưng chỉ áp dụng với các kỳ hạn dài và số lượng phát hành theo sự cho phép của NH Nhà nước.
“Tổng dư nợ cho vay trung dài hạn trên địa bàn đã ở mức 56,4% dư nợ, trong khi bị hạn chế tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên các NH phải phát hành giấy tờ có giá kỳ hạn dài nhằm phát triển tín dụng, nếu không chỉ có thể cho vay hạn chế trên cơ sở thu nợ” – ông Minh cho biết.
Số liệu thống kê của NH Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng cho thấy huy động vốn dài hạn trên toàn địa bàn TP hiện chỉ chiếm tỉ lệ 16%, trong đó các kỳ hạn 3 năm rất ít người gửi.
Trong khi đó, theo chuyên gia Bùi Quang Tín, việc NH tăng phát hành chứng chỉ tiền gửi còn nhằm đáp ứng vốn cho những khoản cho vay dài hạn, vay bất động sản đã cam kết.
Ngoài ra, NH còn phải cạnh tranh với các công ty tài chính vì hiện nay có công ty tài chính phát hành chứng chỉ tiền gửi cho tổ chức với lãi suất lên đến 11%/năm, dẫn đến NH cũng chịu sức ép.
“Từ thực tế này cho thấy lãi suất cho vay trung dài hạn rất khó giảm như kỳ vọng” – ông Tín nói. Ông Nguyễn Hoàng Minh cũng cho rằng lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh chưa tăng nhưng chắc chắn lãi suất cho vay khách hàng cá nhân với mục đích tiêu dùng, mua bất động sản sẽ bị ảnh hưởng. Thực tế, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều người vay mua nhà cũng đã “kêu” do bị NH điều chỉnh lãi suất cho vay.
Anh T.V.M. (Phú Nhuận) vay gần 3 tỉ đồng của một NH có trụ sở phía Bắc để mua căn hộ trên đường Hoàng Văn Thụ (Phú Nhuận) với lãi suất được tư vấn sẽ là 8,3%/năm. Thế nhưng, sau khi anh M. thanh toán hết 30%, ngay trong đợt giải ngân đầu tiên của khoản vay, anh M. được NH thông báo lãi suất là 11,3%/năm, tăng đến 3%/năm so với thời điểm tư vấn với lý do lãi suất đầu vào tăng.
“Khi tôi làm căng, NH mới giảm xuống mức 10,3%/năm nhưng chỉ áp dụng cho đợt giải ngân đầu tiên, các đợt sau lãi suất sẽ theo diễn biến thị trường” – anh M. bức xúc.
Tính kỹ khi mua chứng chỉ tiền gửi Theo các chuyên gia, ngoài sức ép thiếu vốn trung dài hạn, việc chọn lựa phương án phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng giúp các NH tính trước được chi phí bỏ ra, do chỉ phát hành với số lượng nhất định. Nếu bán đủ số lượng trước hạn, NH sẽ kết thúc đợt phát hành trước hạn. Ngược lại, nếu tăng lãi suất huy động, chi phí phải bỏ ra cao hơn do sẽ phải tăng lãi suất trên toàn bộ danh mục, chưa kể NH cũng không chủ động được đầu vào. Dù lãi suất các chứng chỉ tiền gửi đều cao hơn lãi suất tiết kiệm thông thường nhưng theo các chuyên gia, người mua cũng cần phải tính toán kỹ, chỉ nên mua khi có nguồn vốn nhàn rỗi dài hạn bởi chứng chỉ tiền gửi không cho phép rút trước hạn mà chỉ có thể cầm cố, chuyển nhượng… Trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn, khách hàng phải dành ra một phần gửi tiết kiệm thông thường hoặc hỏi rõ về mức lãi suất cho vay trong trường hợp cần cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay lại tiền. |