Tỉnh Quảng Ngãi đang xây dựng nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh muối sạch tại vùng muối Sa Huỳnh giai đoạn 2017 – 2020, với tổng kinh phí thực hiện hơn 17 tỉ đồng.
Cú hích cho muối Sa Huỳnh
Tỉnh Quảng Ngãi đang xây dựng nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh muối sạch tại vùng muối Sa Huỳnh giai đoạn 2017 – 2020, với tổng kinh phí thực hiện hơn 17 tỉ đồng.
\Việc này nhằm nâng cao thu nhập cho diêm dân, đảm bảo phát triển sản xuất muối Sa Huỳnh theo hướng bền vững, ổn định. Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, dự thảo nghị quyết đã được Sở NN-PTNT phối hợp với UBND xã Phổ Thạnh (H.Đức Phổ) tổ chức lấy ý kiến của các hộ diêm dân và sẽ trình HĐND tỉnh thông qua trong tháng 3 này.
Gian nan nghề truyền thống
Quan điểm của tỉnh là cơ chế chính sách được ban hành sẽ giúp người sản xuất, kinh doanh muối tiếp cận nguồn kinh phí hỗ trợ thuận lợi nhất, mang lại hiệu quả toàn diện cho diêm dân vùng muối Sa Huỳnh và các cơ sở thu mua, kinh doanh muối trên địa bàn tỉnh
Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi
Ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, cho biết nghề làm muối ở Sa Huỳnh có truyền thống lâu đời (từ thế kỷ 19) nên nhiều thế hệ diêm dân gắn bó với nghề, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất muối truyền thống. Toàn xã có 120 ha muối, với 557 hộ ở hai thôn Tân Diêm và Long Thạnh 1 tham gia sản xuất, sản lượng muối hằng năm từ 8.500 – 9.000 tấn.
Hiện nay, đa phần diêm dân đồng muối Sa Huỳnh sản xuất muối bằng phương pháp phơi nước phân tán truyền thống kết tinh trên nền đất, thời gian kết tinh ngắn, chất lượng muối không cao. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ không ổn định nên bình quân hằng năm sản lượng muối tồn trong diêm dân khá lớn, từ 2.500 – 3.000 tấn, cộng với giá muối liên tục biến động, có khi xuống thấp chỉ còn từ 300 – 600 đồng/kg nhưng vẫn không có người mua khiến đời sống diêm dân đã khổ lại càng khổ hơn.
“Làm ra hạt muối gian nan, vất vả vô cùng nhưng thu nhập thì thấp, không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày nên trong những năm qua số lao động làm nghề muối ở Sa Huỳnh có xu hướng giảm dần. Một số hộ diêm dân buộc lòng phải bỏ nghề tìm nghề khác mưu sinh. Nhìn ruộng muối bỏ hoang, thật đắng lòng”, ông Trinh bày tỏ và cho biết thêm chỉ tính niên vụ muối năm 2016, toàn xã có 120 hộ diêm dân không ra đồng sửa sang ruộng muối để sản xuất, với diện tích bỏ hoang 20 ha.
Xây dựng vùng muối sạch
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, trước thực trạng thu nhập từ nghề làm muối quá thấp và bấp bênh, bình quân chỉ khoảng 8,7 triệu đồng/hộ/năm khiến nhiều hộ quay lưng với nghề. Vì thế, việc tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh muối sạch tại vùng muối Sa Huỳnh là hết sức cần thiết. Đây chính là cú hích để xây dựng sản phẩm muối Sa Huỳnh phát triển ổn định, hiệu quả. Trong đó, vấn đề cốt yếu là xây dựng vùng muối theo hướng công nghiệp sạch, nâng cao năng suất và chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn sản xuất với chế biến tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái với mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho diêm dân.
“Quan điểm của tỉnh là cơ chế chính sách được ban hành sẽ giúp người sản xuất, kinh doanh muối tiếp cận nguồn kinh phí hỗ trợ thuận lợi nhất, mang lại hiệu quả toàn diện cho diêm dân vùng muối Sa Huỳnh và các cơ sở thu mua, kinh doanh muối trên địa bàn tỉnh”, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, khẳng định và cho biết chính sách quy định 6 nội dung được hỗ trợ trong quá trình sản xuất, kinh doanh muối.
Cụ thể, hỗ trợ 100% kinh phí cấp đổi, cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa; hỗ trợ một lần với số tiền 10 triệu đồng/ha cho hợp tác xã thực hiện chỉnh trang đồng muối để tạo thuận lợi cho diêm dân trong tổ chức sản xuất, thu hoạch và vận chuyển sản phẩm. Ngoài ra, để tăng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm muối, giúp diêm dân thoát cảnh muối tồn đọng, có thu nhập kịp thời để trang trải cuộc sống, chính sách còn quy định mức hỗ trợ 80% kinh phí cho diêm dân áp dụng phương pháp sản xuất muối sạch trên nền vật liệu mới; sử dụng mái che mưa trên nền ô kết tinh; hỗ trợ cho người sản xuất muối theo giá sàn thu mua gồm: giá thành sản xuất cộng với 30% lãi trên giá thành sản xuất…
Nâng cao giá trị hạt muối Sa Huỳnh
Theo quy hoạch chi tiết vùng muối Sa Huỳnh giai đoạn 2016 – 2025, định hướng đến năm 2030 mà UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt, đến năm 2020, tổng diện tích sản xuất tại vùng muối Sa Huỳnh hơn 114 ha, sản lượng đạt 11.000 tấn. Trong đó, diện tích sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp 51,55 ha với sản lượng 6.000 tấn. Đến năm 2025, tổng diện tích sản xuất muối ổn định 120 ha, sản lượng đạt trên 14.000 tấn, trong đó 100% diện tích sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp; đồng thời tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã muối, gắn sản xuất với chế biến, đa dạng hoá sản phẩm muối, xây dựng mạng lưới tiêu thụ và nâng cao giá trị hạt muối Sa Huỳnh trên thị trường nhằm nâng thu nhập bình quân của hộ diêm dân lên 22,4 triệu đồng/năm vào năm 2020 và đến năm 2025 tăng lên 29,3 triệu đồng/năm.