29/11/2024

Thương cho các em quá!

Trong số nhiều học sinh THPT tôi đang trực tiếp giảng dạy và tiếp xúc, không ít em có vấn đề về tâm lý.

 

Thương cho các em quá!

Trong số nhiều học sinh THPT tôi đang trực tiếp giảng dạy và tiếp xúc, không ít em có vấn đề về tâm lý.

 

 

 

Thương cho các em quá!
Từ tận đáy lòng, tôi rất thương học sinh của mình. Nhưng tôi lại không có khả năng chuyên môn về tâm lý để giải quyết rắc rối và hỗ trợ tinh thần cho các em. Vì vậy, tôi chỉ còn cách bàn bạc với gia đình các em, khuyên phụ huynh nên thả lỏng việc học hành, không gây áp lực cho các em nữa. Thế nhưng tôi vẫn rất lo về tình trạng tâm sinh lý của các em về sau.

Dù mỗi tuần tôi chỉ tiếp xúc với các em học sinh của mình 2 buổi, mỗi buổi 2 giờ, nhưng do tôi khá nhạy cảm, đồng thời lại thân thiện với học sinh, nên tôi biết rất rõ tâm lý của từng em.

Theo đánh giá của tôi, một số em có dấu hiệu trầm cảm hoặc biểu hiện của chứng tự kỷ nhẹ. Có em khi gặp tôi ở cầu thang tự nhiên đứng nghiêm, đưa tay lên đầu chào tôi: “Chào đại tá!”. Tôi tưởng em nói đùa nên cười. Em cũng cười lại với tôi, nhưng rồi nghiêm mặt lại, rồi bảo: “Em đã là thiếu úy rồi nhé”.

Cũng em này, sau đó một tuần, trước giờ vào lớp em nói trống không với tôi: “Cho vay mười ngàn coi. Mười ngàn đủ mua hai cái bánh rán ăn”. Tôi trả lời: “Con phải thưa dạ đàng hoàng với thầy chứ”, cậu học trò này hồn nhiên bảo: “Cần gì dạ thưa. Vay mười ngàn mà không cho còn nói gì nữa”!

Sau này tôi chú ý trò chuyện với em nhiều hơn, biết em có vấn đề về tâm lý nên tôi kín đáo nhắc các học sinh khác không đùa giỡn quá trớn với em. Nhiều hôm trong lớp, em ngồi nói huyên thuyên một mình, không ai hiểu em nói gì, nhưng do biết em “hơi có vấn đề” nên mọi người đều phải làm ngơ.

Cách nay một năm, khi vừa hết giờ học của tôi, có một nam sinh vừa đi bộ song song với tôi xuống cầu thang vừa lắp bắp chửi một mình. Bỗng nhiên em dừng lại và đập đầu mạnh vào tường. Tôi tưởng em choáng, bèn dìu em, em càng dộng đầu vào tường mạnh hơn.

Tôi hỏi em tại sao lại làm như vậy, em bảo em đau đầu quá. Tôi kéo em ra một góc phòng, áp bàn tay lên trán em và từ từ trấn an em. Tôi động viên em cố gắng giữ bình tĩnh, không làm mình đau, và vội vã gọi gia đình đến chở em về. Theo linh cảm và quan sát của tôi một thời gian dài trước đó thì em này đã có dấu hiệu rối loạn trầm cảm mức độ nhẹ.

Trước đó nhiều lần tôi cũng gọi điện về gia đình em, gợi mở để cha mẹ em nói chuyện về em. Tuy nhiên phụ huynh lại ngại không nói ra tình trạng con mình, chuyện cũng khá tế nhị nên tôi không dám mở lời tư vấn cho phụ huynh…

Hiện nay có không ít em học sinh đi học từ đầu buổi đến cuối buổi không nói một lời nào. Giờ ra chơi nhiều em cứ rũ rượi nằm gục trên bàn, lại có những em mắt ráo hoảnh, ngó mông lung, vô định…

Khi thầy cô hoặc bạn bè hỏi đến thì trả lời nhát gừng, cộc lốc. Các em hoàn toàn không diễn đạt được những lời cần nói khi giao tiếp với người đối diện. Khi tan học, vừa ra khỏi lớp các em này lại nói lảm nhảm một mình trên đường ra về suốt mấy dãy tầng lầu.

Lại có em học xong ra ngồi bệt giữa nền đất trước cổng trường… Có lần, đứng trước cổng trường, đột nhiên tôi nghe một em la lối om sòm một tràng dài: “Trời ơi, tụi nó đâu mà không đến đón tao”. Lần ấy, tôi phải nhắc em này giữ trật tự. Tôi hỏi em “tụi nó” là ai? Em cười gằn một cách lạnh lẽo làm tôi phát sợ. “Là ba mẹ em chứ ai. Tụi nó chẳng bao giờ đến đúng giờ” – em trả lời gọn lỏn!

Từ những thực tế trên, người viết bài muốn chuyển một thông điệp đến các phụ huynh: “Đừng đẩy áp lực học hành lên đầu con cái chúng ta nữa”. Cần dẹp ngay bệnh thành tích trong nhà trường và xã hội.

Ở trường, các thầy các cô cũng cần tùy sức học sinh mà định hướng mục tiêu để các em phấn đấu. Về lâu dài, mỗi trường học nên có một nhân viên tư vấn về tâm sinh lý cho học sinh nhằm phát hiện sớm những biểu hiện tâm lý bất thường ở đối tượng này và phối hợp cùng gia đình giúp đỡ, chữa trị các em. Hạn chế việc cho học sinh sống với thế giới ảo quá nhiều, từng bước giải toả tâm lý học hành căng thẳng…

Đừng để con trẻ cô đơn

Ở trường học, nhiều học sinh đang chịu rất nhiều áp lực về học hành, thi cử, điểm số. Sau thời gian ở trường, đa số các em mệt mỏi với các ca học thêm, một số ít em ru rú trong nhà, vào mạng sống “ảo”…

Nhiều em học như đi “tăng ca”, ra khỏi nhà từ sáng sớm, mãi đến 21h mới trở về nhà. Khoảng cách giữa các ca học thêm là những bữa ăn vội vàng, với những thức ăn nhanh mua vội dọc đường, rồi lại ăn trên đường chạy… học!

Nhiều gia đình, cha mẹ mải mê kiếm tiền hoặc thờ ơ với con cái nên sau giờ đi học, học bài, các em chỉ có máy tính và thế giới ảo là bạn. Nhiều em rất cô đơn trong chính ngôi nhà của mình.

Có học sinh nói với tôi: “Ở nhà ba mẹ em chẳng mấy khi nói chuyện với em. Em học không giỏi như chị nên thường xuyên bị ba mẹ la rầy. Nhiều lúc về nhà, em chỉ muốn vào phòng đóng cửa ngồi một mình để khỏi nghe ba mẹ càm ràm”.

PHẠM NGỌC LUẬN