29/11/2024

Đừng ‘nhắm mắt’ ký hợp đồng bảo hiểm

Nhiều người nghĩ mua bảo hiểm là phòng ngừa được tất cả bất trắc có thể xảy ra. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp khi sự cố xảy ra đã không được bồi hoàn vì rơi vào các điều khoản loại trừ theo hợp đồng.

 

Đừng ‘nhắm mắt’ ký hợp đồng bảo hiểm

 Nhiều người nghĩ mua bảo hiểm là phòng ngừa được tất cả bất trắc có thể xảy ra. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường hợp khi sự cố xảy ra đã không được bồi hoàn vì rơi vào các điều khoản loại trừ theo hợp đồng.

 

 

 

Đừng 'nhắm mắt' ký hợp đồng bảo hiểm
Các khách mời thảo luận tại buổi toạ đàm và giao lưu trực tuyến “Hạn chế rủi ro khi mua bảo hiểm nhân thọ” – Ảnh: DUYÊN PHAN

Tại buổi tọa đàm và giao lưu trực tuyến “Hạn chế rủi ro khi mua bảo hiểm nhân thọ” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 15-3 với sự đồng hành của Công ty bảo hiểm FWD, các chuyên gia lưu ý người tiêu dùng cần đọc kỹ hợp đồng và yêu cầu giải thích rõ ràng trước khi ký để tránh rơi vào tình cảnh “bút sa gà chết”.

Tránh “bẫy” trong hợp đồng

Dẫn chứng từ thực tế, bà Phan Thị Việt Thu, phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cho biết đã giải quyết một trường hợp khách hàng mua bảo hiểm có điều khoản bồi thường bệnh ung thư nhưng khi khách hàng phát hiện bị ung thư vú, công ty đã từ chối bồi thường với lý do trong hợp đồng có ghi “không bồi thường trường hợp carcinoma”.

“Thực chất đây là loại ung thư tại chỗ, tức phẫu thuật và xạ trị có thể khỏi bệnh, nhưng công ty đã dùng thuật ngữ chuyên môn “carcinoma” và người mua bảo hiểm không biết cụm từ kia có nghĩa là gì.

Do vậy, khách hàng cần yêu cầu công ty giải thích tất cả điều khoản có chứa những thuật ngữ y học hoặc những từ nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của mình khi có vấn đề xảy ra phải bồi thường” – bà Thu khuyến cáo.

Với những trường hợp bảo hiểm nhân thọ liên quan đến bệnh tật, khách hàng được yêu cầu phải khai rõ tiền sử bệnh gia đình khi ký hợp đồng. Nếu gia đình có người đã bị tiểu đường hoặc ung thư, những bệnh này bị đưa vào điều khoản loại trừ, không bồi thường.

Cũng theo các chuyên gia, rất nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp do người mua bảo hiểm nhân thọ chưa hiểu rõ nhưng vẫn nhắm mắt ký hợp đồng.

Nhiều người được bạn bè, người thân mời mua bảo hiểm, vì tin tưởng nên mua mà không xem kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Đến khi xảy ra sự cố, phần thiệt thòi rơi vào người mua.

“Rơi vào trường hợp này, nếu không chứng minh được đã giải thích và tư vấn kỹ cho người tiêu dùng, công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm vì theo quy định, công ty bảo hiểm phải cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng” – bà Thu nhấn mạnh.

Ông Ngô Trung Dũng, phó tổng thư ký phụ trách Hiệp hội Bảo hiểm VN (IAV), khuyến cáo người mới tiếp cận bảo hiểm cần tìm hiểu kỹ để xác định nhu cầu của mình và từ tư vấn của các đại lý để tìm sản phẩm bảo hiểm phù hợp.

“Trường hợp có vấn đề nào mà đại lý bảo hiểm không giải thích, phải yêu cầu bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty giải thích.

Người mua bảo hiểm cũng không nên kê khai sai thông tin về giới tính, tuổi, tiền sử bệnh vì nếu phát hiện, công ty bảo hiểm hoàn toàn có thể từ chối bồi hoàn khi sự cố xảy ra” – ông Dũng lưu ý.

Chọn sản phẩm 
ít điều khoản loại trừ

Phần lớn các sản phẩm bảo hiểm có rất nhiều điều khoản loại trừ, ẩn chứa nhiều rủi ro cho người mua nếu không hiểu rõ và phạm phải.

Theo thống kê, trung bình một sản phẩm bảo hiểm tai nạn và sản phẩm bảo hiểm y tế có khoảng 20 điều khoản loại trừ, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo có 10-15 điều khoản loại trừ…, chưa kể những câu chữ trong hợp đồng quá khó hiểu, thậm chí mập mờ khiến người tiêu dùng có cảm giác bị đánh đố.

Ông Doãn Thanh Tuấn, phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính, thừa nhận sản phẩm bảo hiểm ngày càng phức tạp nên Bộ Tài chính đã quy định các công ty bảo hiểm phải đưa đầy đủ thông tin về sản phẩm lên mạng, đồng thời phải có minh hoạ, hướng dẫn cụ thể để khách hàng tự đánh giá và hiểu rõ về sản phẩm.

Chẳng hạn với sản phẩm bảo hiểm hưu trí, khách hàng có thể tự tính ra mức bảo hiểm của mình.

“Bộ Tài chính đã quy định cụ thể quy trình cung cấp thông tin, tư vấn sản phẩm… hay nói cách khác là đã có điều chỉnh về luật pháp nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho khách hàng, nhưng trong thực tế vẫn diễn ra những vấn đề như người tiêu dùng phản ảnh. Sắp tới chúng tôi sẽ khắc phục những vấn đề này.

Trong trường hợp công ty bảo hiểm vẫn cố tình “cài” những điều khoản mù mờ trong hợp đồng thì khi tranh chấp xảy ra, cơ quan quản lý sẽ xử theo hướng có lợi cho người tiêu dùng. Đó chính là biện pháp chế tài mạnh hơn cả xử phạt hành chính” – ông Tuấn khẳng định.

Theo ông Anantharaman Sridharan – tổng giám đốc FWD Việt Nam, việc giảm bớt các điều khoản loại trừ là xu thế tất yếu, bởi kết quả nghiên cứu cho thấy đa số khách hàng có cảm giác hợp đồng bảo hiểm rất phức tạp, thậm chí họ còn có cảm giác thiếu niềm tin. Do vậy, FWD đã đi tiên phong trong việc giảm thiểu danh mục loại trừ bảo hiểm.

“Chúng tôi đã rút ngắn nhiều hạng mục loại trừ không còn phù hợp với khuynh hướng hiện tại. Chẳng hạn, một số hạng mục đã được loại bỏ như các hoạt động thể thao mạo hiểm: lặn biển với bình khí nén, leo núi, nhảy bungee…” – ông Sridharan cho biết.

Ông Doãn Thanh Tuấn (phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính):

Khuyến khích giảm bớt các điều khoản loại trừ

Khó có thể loại bỏ hoàn toàn các điều khoản loại trừ ra khỏi hợp đồng bảo hiểm, bởi sẽ dẫn đến sự không công bằng cho các khách hàng tham gia bảo hiểm hoặc khách hàng sẽ phải trả số phí bảo hiểm rất lớn. Chưa kể việc này có thể dẫn đến hành vi trục lợi bảo hiểm.

Tuy nhiên từ góc độ quản lý nhà nước, Bộ Tài chính luôn khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm loại bỏ càng nhiều càng tốt các điều khoản loại trừ bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia bảo hiểm.

MINH THÀNH