29/11/2024

Mỹ khai tử chiến lược ‘xoay trục’ sang châu Á

Tuyên bố khai tử chiến lược “xoay trục” của chính quyền tiền nhiệm được đưa ra ngay khi Ngoại trưởng Rex Tillerson lần đầu công du châu Á.

 

Mỹ khai tử chiến lược ‘xoay trục’ sang châu Á

Tuyên bố khai tử chiến lược “xoay trục” của chính quyền tiền nhiệm được đưa ra ngay khi Ngoại trưởng Rex Tillerson lần đầu công du châu Á.

 

 

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (giữa) chụp ảnh chung với 2 người đồng cấp Nhật và Hàn Quốc bên lề một hội nghị tại Bonn (Đức) hồi tháng 2REUTERS

Vấn đề trên được đề cập tại cuộc họp báo của quyền trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton để bàn về chuyến công du của ông Tillerson đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc từ ngày 15 – 19.3.
Theo tờ Defense News, bà Thornton cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ có kế hoạch của riêng mình cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. “Xoay trục, tái cân bằng… đó là cụm từ được dùng để mô tả chính sách châu Á của chính quyền khoá trước. Tôi nghĩ quý vị có thể kỳ vọng là chính quyền này sẽ có công thức riêng”, bà Thornton nói. Tuy nhiên, quan chức này cũng thừa nhận bà “thực sự chưa nhìn thấy chi tiết” của chiến lược mới.
Mặc dù vậy, bà Thornton nhấn mạnh chính quyền mới sẽ vẫn gắn kết với khu vực, cho dù tính chất cơ bản của cam kết đó có thể thay đổi. “Nền kinh tế châu Á rất quan trọng đối với sự thịnh vượng và tăng trưởng của Mỹ, vì vậy chúng tôi sẽ đến đó làm việc về các vấn đề thương mại công bằng và tự do, những thách thức về an ninh khu vực chẳng hạn như CHDCND Triều Tiên, cũng như tiếp tục thúc đẩy cho một trật tự ổn định, hoà bình, mang tính xây dựng và dựa trên luật pháp ở châu Á”, quan chức Mỹ cho biết. Quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ nói thêm rằng vẫn còn quá sớm để tạo ra một kiểu khẩu hiệu cho những bước đi chiến lược của chính quyền mới.
Vì thế, chuyến công du châu Á của ông Tillerson, bắt đầu bằng cuộc dừng chân tại Tokyo vào ngày 15.3, hiện được theo dõi sát sao để xác định những manh mối về chính sách châu Á của Tổng thống Trump.
Chính quyền hiện tại đã hứa hẹn duy trì cam kết của Washington với những đồng minh lâu năm như Nhật và Hàn Quốc, nơi Mỹ duy trì vài chục ngàn binh sĩ ở mỗi nước. Tuy nhiên, ông Trump cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm việc làm và các nhu cầu của Mỹ trước hết. Trong khi đó, Trung Quốc đang lo ngại kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc.
Mỹ khai tử chiến lược 'xoay trục' sang châu Á - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Hàn, Mỹ, Nhật tập trận chung cảnh báo tên lửa

Sáng 14.3, tàu chiến của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật bắt đầu cuộc tập trận cảnh báo tên lửa nhằm nâng cao khả năng hợp tác 3 nước trong việc phát hiện, theo dõi tên lửa từ CHDCND Triều Tiên.
Tờ Stars and Stripes dẫn lời ông John Delury, giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Yonsei ở Seoul (Hàn Quốc), nhận định vấn đề ngữ nghĩa nói trên củng cố thêm cảm giác bất an về chiến lược của ông Trump. “Sự chuyển dịch về chiến lược không có lợi cho khu vực. Thực sự họ (chính quyền Mỹ) không có chiến lược, bỏ “xoay trục” nhưng lại không có gì thay thế, vì vậy công việc của ông Tillerson đầy rẫy khó khăn”, Giáo sư Delury phát biểu.
Ông này ghi nhận một trọng tâm trong nỗ lực “xoay trục” là các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tuy nhiên Tổng thống Trump đã ký lệnh rút lui khỏi TPP ngay trong những ngày đầu cầm quyền.
Theo Reuters, ông Tillerson ngày 15.3 đến Nhật mà không có đoàn báo chí đi cùng máy bay như truyền thống trước đây. Theo lịch trình, ông sẽ gặp Thủ tướng Shinzo Abe và Ngoại trưởng Fumio Kishida vào ngày 16.3. Một ngày sau, Ngoại trưởng Mỹ sẽ gặp quyền Tổng thống Hwang Kyo-ahn và Ngoại trưởng Yun Byung-se tại Seoul. Đến cuối tuần, ông bay sang Bắc Kinh để gặp các lãnh đạo Trung Quốc. Tình hình căng thẳng liên quan đến các vụ thử tên lửa của Triều Tiên sẽ nằm trong lịch trình thảo luận chính trong mỗi chặng dừng chân, theo AFP.

 

Trùng Quang