Ra đường chẳng chịu nhường nhau
Với một góc nhìn khác từ câu chuyện người đi bộ không được nhường đường hay việc rẽ trái khó khăn, hai ý kiến tham gia diễn đàn cho rằng tình trạng giao thông hỗn loạn có nguyên nhân từ thói quen không nhường đường của nhiều người.
Ra đường chẳng chịu nhường nhau
Với một góc nhìn khác từ câu chuyện người đi bộ không được nhường đường hay việc rẽ trái khó khăn, hai ý kiến tham gia diễn đàn cho rằng tình trạng giao thông hỗn loạn có nguyên nhân từ thói quen không nhường đường của nhiều người.
Rất nhiều xe máy chắn làn đường của xe đi thẳng khi rẽ trái tại ngả tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình, TP.HCM) – Ảnh: Hữu Thuận |
Hằng ngày tôi đi làm bằng xe máy, vừa đi vừa về đúng 40km và đưa đón cán bộ đi giao dịch quanh TP.HCM bằng ôtô chừng 100km nữa.
Di chuyển nhiều trong TP nên tôi biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng giao thông bất cập hiện nay: đường sá chật chội so với lượng xe đi lại vào giờ cao điểm; việc phân làn đường và đèn tín hiệu có nơi chưa hợp lý…
Nhưng theo tôi, nguyên nhân chính gây ra tai nạn, va chạm rồi ẩu đả dẫn đến tình trạng kẹt xe là do người tham gia giao thông đi đứng tuỳ tiện, không chịu nhường nhịn nhau, tranh nhau từng tấc đường khiến giao thông càng hỗn độn.
Hằng ngày, cứ mỗi lần về nhà bằng xe máy, đi qua ngã tư Bảy Hiền, dừng trước giao lộ này, chứng kiến cảnh tranh đường luôn cho tôi một cảm giác người ta đang chơi trò chơi cướp cờ!
Đèn xanh chưa bật, người ở bên nào gan dạ thì cho xe lao lên trước, rồi dòng người bên đó nhân cơ hội chạy nối theo (rẽ trái hoặc đi thẳng) là bên ấy thắng – bên còn lại đành hậm hực dừng lại giữa giao lộ chờ “đối thủ” đi qua… Có phải chăng người ta không có khái niệm nhường nhịn nhau dù chỉ một tấc đường?
Ở giao lộ Cộng Hòa hướng từ Lăng Cha Cả rẽ trái vào đường Tân Kỳ Tân Quý, mỗi lần đi qua đó đều để lại cho tôi cảm giác thót tim. Ở đây không có đèn dành riêng cho xe rẽ trái, vậy là người đi xe máy phải tranh thủ băng qua giao lộ lúc đèn đỏ (như vậy là phạm luật), nhưng nếu chờ đèn xanh mới rẽ trái (đúng luật) thì rất dễ bị các xe đi thẳng gây tai nạn.
Một lần, người tài xế xe tải chạy thẳng từ hướng ngược lại không chịu nhường đường cho người mẹ chở hai con nhỏ lúng túng giữa giao lộ rẽ trái. Một cú phanh rít, bánh xe cháy mặt đường đã làm hàng chục người chứng kiến thiếu đường văng tim ra khỏi lồng ngực, may là tai nạn không xảy ra.
Trong vai tài xế ôtô, tôi cũng nhiều lần ngán ngẩm vì chuyện đồng nghiệp không những không nhường đường mà còn gây ra cho mình tình huống rất nguy hiểm. Bận gần đây nhất, ngay trước trạm thu phí cầu Phú Mỹ, nếu đúng luật xếp hàng thì xe tôi được đi trước nhưng lại bị hai xe container tranh đường suýt bị chèn nát trước nút thắt cổ chai trước trạm thu phí. Hoảng quá tôi phải hạ kính la làng lên mới thoát nạn…
Và ngay ở giao lộ Mai Chí Thọ – Lương Định Của, dù có đèn rẽ trái nhưng khi tôi rẽ trái qua đường Lương Định Của thì bị các ôtô từ đường Nguyễn Thị Định rẽ trái không nhường đường, chèn cứng giữa giao lộ. Khi đèn xanh rẽ trái hết thời lượng thì tôi lại bị các tài xế đi thẳng bấm còi sừng sộ!
Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn gửi đến người tham gia giao thông một điều rằng nhường nhịn nhau là văn hóa vốn có của người Việt mình xưa nay. Sớm hay muộn năm mười phút không có ý nghĩa mà đôi lúc mình gây phiền lụy cho người khác.
Và mong cơ quan hữu trách xem xét nên bố trí thêm đèn rẽ trái ở những giao lộ có mật độ giao thông lớn như hai giao lộ tôi vừa nêu trên. Đặc biệt với ngã tư Bảy Hiền nên có thêm đèn đỏ cho ôtô hướng từ Bà Quẹo rẽ phải về Lý Thường Kiệt để tránh gây tai nạn cho xe từ Cách Mạng Tháng Tám rẽ trái về Lý Thường Kiệt.
Nhường nhịn để an toàn Tôi đến Bangkok (Thái Lan) và chứng kiến cảnh ba chiếc ôtô đang chạy nhanh liền giảm tốc độ và dừng lại, chờ 2 người đi bộ và 1 người đi xe máy sang đường rồi vẫy tay chào, sau đó các ôtô mới tiếp tục lưu thông. Chị bạn đi cùng tôi khi kể lại chuyện này với nhiều người sau khi về Việt Nam cứ khen văn hoá giao thông của các tài xế ôtô ở Thái Lan rất cao, biết nhường nhịn các phương tiện yếu thế hơn. Có không ít ý kiến đổ lỗi văn hoá giao thông xuống cấp là do cơ sở hạ tầng đường sá yếu kém, e rằng không có cơ sở. Thành phố ở các nước Lào và Myanmar, cơ sở hạ tầng giao thông có khi không bằng TP.HCM nhưng rất nhiều người tuân thủ luật giao thông, nhường nhịn. Tôi nghĩ có lẽ do thói quen vội vã, muốn đi nhanh nên nhiều người lái ôtô ở nước ta cứ lấn tuyến, lưu thông sai làn đường, không nhường đường cho người đi bộ và xe máy, chạy qua vũng nước lúc có nhiều người mà không giảm tốc độ… Thiết nghĩ, bên cạnh việc cơ quan chức năng xử phạt nghiêm các lỗi vi phạm, chờ thành phố nâng cấp hạ tầng giao thông, mỗi người khi điều khiển xe trên đường (cả ôtô lẫn xe máy) nếu tuân thủ quy định, biết nhường nhịn sẽ đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và mọi người xung quanh, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. |