TKV lên tiếng về dự án bôxit lỗ lớn
Trước thông tin dự án bôxit Tân Rai lỗ tới 3.696 tỉ đồng, ông Nguyễn Văn Biên, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản VN (TKV) xác nhận song cho biết năm nay dự án sẽ bắt đầu có lãi…
TKV lên tiếng về dự án bôxit lỗ lớn
Trước thông tin dự án bôxit Tân Rai lỗ tới 3.696 tỉ đồng, ông Nguyễn Văn Biên, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than – khoáng sản VN (TKV) xác nhận song cho biết năm nay dự án sẽ bắt đầu có lãi…
Ươm mầm hyrat, giai đoạn quan trọng để sản xuất alumin và cũng là công đoạn phát sinh nhiều chất thải nguy hại. Do vậy, nhiều người dân sống xung quanh tổ hợp boxit Tân Rai (Bảo Lâm, Lâm Đồng) đã kiến nghị được di dời ra xa tổ hợp – Ảnh: Mai Vinh |
Ông Biên công nhận người dân và xã hội quan tâm đến hai dự án bôxit và khẳng định rằng theo yêu cầu của Đảng và Chính phủ, TKV triển khai dự án bôxit Tân Rai và Nhân Cơ từng bước theo đúng yêu cầu và quy trình.
Lỗ vượt kế hoạch 1.660 tỉ
* Dự tính lỗ trong 3 năm đầu của dự án bôxit Tân Rai là 860 tỉ đồng. Nhưng kết quả thanh tra tài chính mới đây lại đưa ra số lỗ lên tới gần 3.700 tỉ đồng, liệu có phải do tính toán, dự báo của TKV chưa sát thực tế?
– Dự án được đưa vào vận hành từ tháng 10-2013 và theo kế hoạch dự án sẽ lỗ trong 4 năm đầu hoạt động. Tuy nhiên, hiện mức lỗ của dự án bôxit Tân Rai có tăng hơn so với dự kiến ban đầu, nay đã lên tới 3.696 tỉ đồng.
Tuy nhiên, lỗ do hoạt động sản xuất kinh doanh là 2.520 tỉ đồng, vượt so với lỗ lũy kế dự kiến là 1.660 tỉ đồng. Còn lại là lỗ do chênh lệch tỉ giá là 1.176 tỉ đồng.
Cần phải lưu ý rằng sẽ có rất nhiều phương án tính toán cho các khoản lỗ kế hoạch. Con số lỗ kế hoạch đưa ra tại thời điểm năm 2014 chỉ là một phương án và mang tính tham khảo. Mỗi kế hoạch tính toán về phương án lỗ, lãi sẽ dựa trên một mặt bằng giá cả đầu vào khác nhau.
* Phải chăng có lý do công nghệ của dự án, khó bán sản phẩm khiến dự án bị lỗ?
– Đây là dự án lớn của ngành công nghiệp, với công nghệ mới rất phức tạp, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam, một số chi phí trong vận hành chưa chủ động được. Do đó có nhiều yếu tố khách quan làm tiến độ dự án kéo dài, làm tăng chi phí so với dự kiến ban đầu.
Tuy nhiên, yếu tố tác động lớn nhất là giá thị trường. Trước đây theo tính toán dự án, mức giá bán cho mỗi tấn alumin là 326 USD/tấn tính cho năm 2014, sau đó dự kiến tăng dần 1,21%/năm, trung bình 30 năm là 350 USD/tấn. Tuy nhiên, giá thị trường thế giới có thời điểm xuống tới 200 USD.
Cơ chế chính sách cũng làm cho dự án bị thay đổi hiệu quả. Đơn cử trước đây Tân Rai và Nhân Cơ là hai dự án thí điểm nên Chính phủ có chỉ đạo chưa thu thuế xuất khẩu. Tuy nhiên gần đây mức thuế này đã được điều chỉnh tăng thêm 2%.
Bên cạnh đó, đơn giá tính thuế tài nguyên cũng tăng lên từ 140.000 đồng/tấn lên 170.000 đồng/tấn quặng nguyên khai; các khoản như tiền cấp quyền khai thác, phí sử dụng tài liệu địa chất… cũng đều tăng.
Dự kiến năm nay có lãi
* Dự án lỗ đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu. Giờ dự án phải tăng vốn gấp đôi. Đến thời điểm này TKV đánh giá thế nào về hiệu quả triển khai dự án này, khi nào có thể có lãi?
– Thực tế là sau ba năm vận hành, đến nay dự án đã làm chủ được công nghệ và các chỉ tiêu cũng tốt hơn rất nhiều, chất lượng sản phẩm tăng lên. Các chỉ tiêu tiêu hao về vật tư cũng giảm đáng kể do làm chủ được công nghệ và có cải tiến.
Nhờ vậy, giá thành sản phẩm alumin đã giảm xuống, năm 2014 ở mức 5,1 triệu đồng/tấn, năm 2015 còn 4,6 triệu đồng/tấn; năm 2016 giảm còn 4,1 triệu đồng/tấn (giá thành phân xưởng).
Giá xuất khẩu alumin hiện nay là trên 350 USD/tấn (gần 8 triệu đồng). Trên thực tế từ cuối năm 2016 dự án đã bắt đầu tự cân bằng thu chi. Dự kiến mức lãi năm 2017 sẽ khoảng 100 tỉ đồng. Các năm sau mức lãi sẽ tăng. Thời gian thu hồi vốn dự tính từ 10-12 năm (tính từ khi dự án đi vào sản xuất năm 2013).
Điều chỉnh công nghệ Nhà máy Nhân Cơ
* Còn đối với dự án bôxit Nhân Cơ liệu có khả quan hơn và mang lại hiệu quả tốt hơn không, thưa ông? Lo ngại về môi trường của người dân liệu có thể giảm đi?
– Trên kinh nghiệm thực tế sản xuất của Nhà máy alumin Tân Rai, TKV đã điều chỉnh, cải tiến một số tồn tại về công nghệ.
Đây là dự án quan trọng nên các cơ quan nhà nước có cơ chế giám sát chặt chẽ.
Về công nghệ, hiện nay đã vận hành ổn định. Dự án Nhân Cơ khi quyết định đầu tư tập đoàn đã điều chỉnh sang công nghệ có hiệu suất cao hơn, các chỉ tiêu tiêu hao và chất lượng sản phẩm được nâng lên tốt hơn.
Quan trọng nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng đã được xây dựng đồng bộ, đủ khả năng đáp ứng khi công suất mỗi dự án được tăng lên gấp đôi là 1,3 triệu tấn. Nếu trong tương lai Chính phủ tiếp tục cho mở rộng, triển khai thì hiệu quả dự án còn cao hơn.
Dự án bôxit đội vốn gấp nhiều lần Theo kết luận của cơ quan thanh tra về tài chính tại TKV vừa được đưa ra, dự án bôxit Tân Rai (Lâm Đồng) được phê duyệt tổng mức đầu tư lần đầu là 7.787,5 tỉ đồng, công suất 600.000 tấn/năm. Tuy nhiên qua 4 lần điều chỉnh, đến lần điều chỉnh cuối, tổng mức đầu tư tăng lên 15.414 tỉ đồng. Báo cáo thanh tra cũng chỉ ra dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) được phê duyệt triển khai vào năm 2007 với tổng mức đầu tư 3.285 tỉ đồng, công suất thiết kế là 300.000 tấn/năm. Tuy nhiên, dự án đã qua 2 lần điều chỉnh, gần đây nhất tổng mức đầu tư đã lên tới 16.821 tỉ đồng (để đạt công suất 650.000 tấn/năm). |
* Ông Nguyễn Thành Sơn (nguyên giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng, TKV): Cần thêm thông tin để khẳng định năm nay lãi Hai dự án bôxit lỗ thì ai cũng biết, nhưng tại sao lỗ, phải đi vào gốc rễ vấn đề là chọn công nghệ và nhà thầu kém. Chi phí sản xuất và giá thành phụ thuộc nhiều vào tiêu hao vật tư nhiên liệu. Trong khi tiêu hao để được 1 tấn bôxit ở hai dự án bôxit của mình lớn nên đội chi phí lên. Tính toán dự án có lãi trong năm nay phải có thêm giả định và thông tin. Cần phải làm rõ khấu hao, chi phí tài chính… Nếu không khấu hao đủ thì tự dưng lỗ sẽ thành lãi… |