Khẩn cấp ngăn chặn dịch bệnh trên cây tiêu
Trong những số báo gần đây, Thanh Niên đã phản ánh tình trạng tiêu chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên.
Khẩn cấp ngăn chặn dịch bệnh trên cây tiêu
Trong những số báo gần đây, Thanh Niên đã phản ánh tình trạng tiêu chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, Tây nguyên. Nhiều diện tích tiêu chờ thu hoạch thì nhiễm bệnh, vàng lá và chết khô, khiến nông dân thiệt hại nặng nề, tâm lý hoang mang khi chưa có loại thuốc đặc hiệu trị dịch bệnh này…
Trả lời PV Thanh Niên ngày 13.3, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết tình trạng tiêu nhiễm bệnh, vàng lá và chết khô như vừa qua ở Tây nguyên và một số tỉnh miền Trung là do bị bệnh chết nhanh, chết chậm. Qua kiểm tra thực tế đã xác định hiện có trên 5.000 ha tiêu nhiễm bệnh, trong đó có 940 ha nhiễm bệnh nặng. Các địa phương cần khẩn trương triển khai các biện pháp ngăn chặn, khoanh vùng, dập tắt dịch bệnh để giảm thiểu thiệt hại.
Thưa ông, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu xuất hiện tại các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và đang lan rộng có nguyên nhân từ đâu?
Thời tiết tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên trong những tháng đầu năm nay rất bất lợi cho cây tiêu. Đặc biệt là nhiều đợt mưa trái mùa xuất hiện liên tiếp khiến độ ẩm cao, tạo môi trường thuận lợi cho các loại nấm bệnh phát sinh gây hại trên cây tiêu, nhất là các tuyến trùng và nấm phytopthora trong đất phát triển mạnh gây ra bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây trồng này.
Một nguyên nhân khác được xác định là do diện tích trồng tiêu phát triển quá nhanh, nằm ngoài sự kiểm soát. Theo quy hoạch của Bộ NN-PTNT, diện tích trồng tiêu ở Tây nguyên không vượt quá 50.000 ha, nhưng hiện tại khu vực này đã trồng khoảng 110.000 ha. Nhiều diện tích tiêu nhiễm bệnh là khu vực trồng mới, người dân trồng nhưng không khai báo với cơ quan quản lý bảo vệ thực vật địa phương nên rất khó khăn trong công tác tư vấn cho người dân phòng bệnh.
Những nơi có diện tích tiêu nhiễm bệnh lớn, qua điều tra cho thấy nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số gần như không áp dụng bất cứ biện pháp canh tác khoa học nào, ngay cả khi cây nhiễm bệnh và để lại nguồn bệnh có thể phát tán trong môi trường.
Đối với diện tích cây tiêu nhiễm bệnh, Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn chính quyền địa phương, người dân ngăn chặn và xử lý ra sao?
Ngay từ năm 2014, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành quy trình phòng bệnh, xử lý bệnh chết nhanh, chết chậm và triển khai, phổ biến đến người dân ở các vùng trồng tiêu. Đối với cây tiêu, bệnh chết nhanh, chết chậm tồn tại dai dẳng và thường trực, chưa có giải pháp khắc phục triệt để nhưng có thể áp dụng biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất.
Theo đó, người dân nên xử lý dịch bệnh khoanh vùng đến từng hố, trụ trồng tiêu. Cụ thể, đối với trụ tiêu nhiễm bệnh nhẹ, dưới 20% tỷ lệ lá nhiễm bệnh, rụng đốt thì chăm sóc, bổ sung thêm các dưỡng chất tăng sức đề kháng cho cây. Cắt tỉa lá trên trụ tạo độ thoáng, không có độ ẩm quá lớn, giảm thiểu nguy cơ bệnh lây lan. Xung quanh trụ tiêu phải có hệ thống tiêu thoát nước tốt.
Đối với trụ tiêu nhiễm bệnh nặng hơn, tỷ lệ từ 20% trở lên thì sử dụng các hoạt chất, các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị bệnh chết nhanh, chết chậm chữa trị ở phần gốc và dưới đất để ngăn chặn bệnh phát triển, phục hồi cho cây. Bệnh chết nhanh, chết chậm do các loại nấm gây ra ở phần gốc và dưới đất nên bà con nông dân tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc phụ trên lá và thân cây, vì không có tác dụng ngăn chặn bệnh.
Khi xác định cây tiêu chết không thể phục hồi thì toàn bộ trụ tiêu nhiễm bệnh phải được cắt bỏ dây tiêu, vệ sinh trụ cây. Đặc biệt là phần hố đất phải được xử lý khử trùng bằng các chế phẩm sinh học trước khi trồng thay thế bằng dây tiêu mới.
Cây tiêu có giá trị kinh tế cao và được Bộ NN-PTNT định hướng xây dựng ngành tiêu phát triển bền vững, vậy cụ thể cơ quan chức năng đã chủ động giúp người dân phòng tránh dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại trên cây tiêu như thế nào?
Cây tiêu đang nằm trong nhóm cho doanh thu xuất khẩu mỗi năm đạt cả tỉ USD nên Bộ NN-PTNT đặc biệt quan tâm. Năm 2014, Bộ đã lập tổ công tác, mời các chuyên gia nghiên cứu, tìm giải pháp phòng ngừa bệnh dịch trên cây hồ tiêu. Sau đó, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã có dự án đầu tư 10 tỉ đồng xây dựng 200 mô hình trồng tiêu chuẩn, ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, phòng ngừa bệnh dịch để nông dân học hỏi. Gần đây nhất, Trung tâm nghiên cứu và phát triển giống hồ tiêu VN được thành lập tại tỉnh Gia Lai, hướng tới việc đưa ngành sản xuất hồ tiêu phát triển bền vững.
Cây tiêu có khả năng chịu khô hạn tốt, trồng ở chân ruộng cao sẽ ít bệnh, dịch. Với chân ruộng thấp, phải có hệ thống tiêu thoát nước, không tạo ra môi trường ẩm gây bệnh. Hiện Cục Trồng trọt đã có hướng dẫn quy trình giúp nông dân trồng tiêu theo hướng bền vững, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học. Cục Bảo vệ thực vật đang hướng dẫn các địa phương vận động người dân trồng tiêu áp dụng quy trình canh tác IPM quản lý sâu bệnh, dịch hại trên cây tiêu. Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho cây tiêu hiện có nhiều bộ thuốc đặc trị cho các loại bệnh. Khi phát hiện cây có bệnh, người dân nên sử dụng các loại thuốc trong danh mục cho phép, tuân thủ đúng các nguyên tắc, giúp cây tiêu phát triển tốt, giảm thiểu dịch bệnh, cho ra sản phẩm sạch, chất lượng cao.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, khuyến cáo để gia tăng thu nhập từ nghề trồng tiêu và phòng ngừa dịch bệnh, người dân không chọn các giống tiêu trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo ông Sơn, người dân nên chọn trồng những giống tiêu có khả năng kháng bệnh, có giá trị kinh tế cao theo tư vấn, định hướng từ các chuyên gia.
|
Phan Hậu
(thực hiện)