Nhiều thắc mắc về quy chế thi và xét tuyển, đặc biệt là việc đăng ký nguyện vọng, đã được học sinh TP.Đà Nẵng và Quảng Nam đặt ra trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Đà Nẵng tổ chức ngày 12.3, tại Trường THCS Nguyễn Khuyến, TP.Đà Nẵng.
Đăng ký nguyện vọng sao cho dễ trúng tuyển?
Nhiều thắc mắc về quy chế thi và xét tuyển, đặc biệt là việc đăng ký nguyện vọng, đã được học sinh TP.Đà Nẵng và Quảng Nam đặt ra trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Đà Nẵng tổ chức ngày 12.3, tại Trường THCS Nguyễn Khuyến, TP.Đà Nẵng.
3 nhóm nguyện vọng
Có mặt tại chương trình tư vấn, PGS-TS Trần Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, đưa ra những lưu ý quan trọng về quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH. Ông Tuấn cho biết có 3 điểm mới mà thí sinh (TS) cần quan tâm. Cụ thể, năm nay số nguyện vọng (NV) đăng ký xét tuyển là không giới hạn. Chính vì vậy TS càng phải cân nhắc. “Các em nên đăng ký 3 nhóm NV gồm nhóm cao hơn một chút so với năng lực, nhóm phù hợp với năng lực và nhóm thấp hơn một chút. Tránh chọn quá nhiều NV vì như vậy sẽ có những NV không phù hợp, hơn nữa gây tốn kém và làm giảm cơ hội đậu của TS khác”, ông Tuấn khuyên.
Báo Thanh Niên xin trân trọng cảm ơn các đơn vị đã phối hợp thực hiện thành công chương trình: Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, Tỉnh đoàn Quảng Nam, Trường THCS Nguyễn Khuyến, Viễn thông Đà Nẵng, Điện lực Cẩm Lệ, Công an Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng, Trường ĐH Duy Tân, Trung tâm thông tin di động khu vực 3; các trường ĐH Mở TP.HCM và Lạc Hồng đã trao 10 suất học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi.
Điểm thứ 2 mà ông Tuấn lưu ý là TS phải đăng ký NV ngay khi đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia. Nếu TS quên, nghĩ năm nay giống năm trước thì sẽ không có cơ hội xét tuyển. Điều đặc biệt thứ 3, ông Tuấn nhấn mạnh: “Sau khi có điểm thi, TS sẽ được điều chỉnh NV. Có 2 phương thức điều chỉnh: sử dụng tài khoản cá nhân để thay đổi trực tuyến. Với hình thức này, số lượng NV đăng ký và điều chỉnh không được lớn hơn so với đăng ký lúc đầu. Nhưng với hình thức sử dụng mẫu phiếu điều chỉnh NV thì TS có thể thay mới và tăng số NV so với đăng ký ban đầu. Mỗi TS chỉ được điều chỉnh một lần nên phải hết sức cân nhắc vì hệ thống sẽ đóng lại sau khi điều chỉnh”.
Trong khi đó, thạc sĩ Nam Nhật Minh, Phó phòng Quản lý thi – tuyển sinh và công nhận văn bằng thuộc Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, nhắc nhở TS nên lựa chọn môn thi phù hợp với từng đối tượng: TS tự do hay chưa tốt nghiệp, TS THPT hay hệ giáo dục thường xuyên. Bên cạnh đó, chế độ ưu tiên cũng phải ghi chính xác, nếu quên ghi hoặc ghi sai có thể sẽ dẫn đến thiệt thòi hoặc rắc rối về sau.
Để đáp ứng thông tin kịp thời tới thí sinh, vào lúc 14 giờ 30 ngày 16.3, Báo Thanh Niên sẽ bắt đầu buổi đầu tiên trong chuỗi chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến về chủ đề ‘Đăng ký nguyện vọng thông minh’.
Được chọn bài thi có kết quả cao để xét tốt nghiệp
Nguyễn Văn Tuấn, học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (Đà Nẵng), băn khoăn: “Em chọn thi cả 2 bài khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Nhưng một bài thi bị điểm liệt thì có được công nhận tốt nghiệp không?”. Thạc sĩ Nam Nhật Minh khẳng định: “Em được quyền lấy kết quả bài thi cao hơn không có điểm liệt trong số 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Vì vậy, em vẫn đủ điều kiện xét tốt nghiệp”.
Cũng liên quan đến điểm liệt, một học sinh Trường THPT Hòa Vang (Đà Nẵng) sau khi cho biết chọn 2 tổ hợp môn thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội để xét tốt nghiệp đã hỏi: “Thế mạnh của em là các môn khoa học tự nhiên, nhưng em lại bị điểm liệt môn lý trong bài thi này. Em có thể lấy điểm của 2 môn còn lại là toán, sinh để xét ĐH hay không? Điểm liệt môn lý có ảnh hưởng gì hay không?”.
PGS-TS Trần Anh Tuấn chia sẻ: “Nếu em chọn tổ hợp môn toán, hóa, sinh để xét tuyển thì việc môn lý trong bài thi khoa học tự nhiên bị điểm liệt không ảnh hưởng gì tới việc xét ĐH của em. Nhưng nếu chọn tổ hợp môn khoa học tự nhiên xét tuyển thì không được. Cần lưu ý là sau khi có điểm thi, để tăng cơ hội trúng tuyển các em nên chọn tổ hợp môn thi có điểm cao nhất để nộp hồ sơ”.
Liên quan đến việc các thứ tự ưu tiên trong chọn ngành xét tuyển, Nguyễn Thu Lan, học sinh Trường THPT Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), phân vân khi trúng NV 1 rồi mà không muốn học thì có được xét NV 2 nếu đủ điểm hay không? PGS-TS Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: “Về nguyên tắc xét tuyển, khi em đã đỗ vào ưu tiên cao nhất thì các ưu tiên sau không được xét nữa. Các em có quyền đăng ký NV không hạn chế, tuy nhiên phải xác định được thứ tự ưu tiên phù hợp với khả năng và sở thích, việc này là hết sức quan trọng”. Cũng theo ông Tuấn, nếu TS có 3 NV, trong trường hợp 2 NV đầu trượt, đến NV thứ 3 nếu điểm cao hơn các TS khác thuộc NV 1, thì TS sẽ được ưu tiên xét cho đến hết chỉ tiêu.
Nhiều học sinh thắc mắc về việc phân bổ chỉ tiêu và điểm chuẩn cho từng tổ hợp môn, từng chuyên ngành.
Chính sách ưu tiên tại các trường như thế nào?
Một học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám quan tâm tới việc xét tuyển vào ĐH Đà Nẵng và những ưu tiên dành cho TS. PGS-TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, thông tin: “Năm nay ĐH Đà Nẵng tuyển hơn 15.000 chỉ tiêu, xét tuyển bằng 2 phương thức, trong đó riêng các trường ĐH Bách khoa, Kinh tế, Sư phạm, Khoa Y Dược chỉ xét kết quả thi THPT quốc gia”. Theo ông Nam, TS thi tốt nghiệp đạt điểm cao vào học tại trường sẽ được miễn học phí, nhận học bổng, miễn phí ký túc xá…
Nhiều học sinh đến từ tỉnh Quảng Nam cũng muốn biết Trường ĐH Quảng Nam có ưu tiên gì cho TS trong tỉnh? Bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Quảng Nam, trả lời: “Ưu tiên lớn nhất dành cho TS có hộ khẩu Quảng Nam là được miễn học phí các ngành sư phạm”.
Liên quan đến những lo lắng về việc học sư phạm ra khó kiếm việc làm, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, khẳng định: “Những năm gần đây Bộ GD-ĐT đã hạn chế việc tăng số lượng giáo viên bằng cách dừng dạy chứng chỉ sư phạm cho cử nhân ngoài sư phạm. Trên thực tế, việc thừa giáo viên chủ yếu ở bậc trung học, còn bậc mầm non và tiểu học thiếu rất nhiều”.
Bộ LĐ-TB-XH vừa chính thức ban hành thông tư về Quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu trình độ TC, CĐ.
Tư vấn tâm lý, hướng nghiệp
Chiều 12.3, hàng ngàn học sinh khối THPT TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã được các chuyên gia tư vấn cách giữ vững tâm lý, vượt qua áp lực thi cử. Tại buổi tư vấn, nhiều câu hỏi thú vị và… ngộ nghĩnh như: “Làm thế nào để thi mà không trượt?”, “Cách nào để bước vào phòng thi mà không run?”, “Nếu run và mất bình tĩnh trước buổi thi thì phải làm gì?”… Bằng kinh nghiệm của mình, các chuyên gia tư vấn tâm lý đã gỡ rối, chia sẻ các “mẹo” để học sinh dễ dàng vượt qua những tình huống áp lực, cả cách để vượt qua áp lực đối với gia đình.
Thạc sĩ Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, khẳng định: “Thi cử chỉ là một thời điểm, một cái mốc mà mỗi người phải vượt qua, để đảm bảo tương lai, để khẳng định mình. Chỉ cần xác định mục tiêu rõ ràng, chủ động trang bị cho mình những kiến thức cần thiết bằng những phương pháp học phù hợp. Các bạn sẽ đi qua cái mốc đó một cách dễ dàng nhất”. Đặc biệt, tại buổi tư vấn, các thành viên tư vấn còn chia sẻ fanpage Vượt qua áp lực thi cử, kết nối và trả lời trực tiếp, tại chỗ cho hàng trăm trường hợp cần tư vấn.
Trong buổi tư vấn, các chuyên gia còn giải đáp cách tư duy ngành nghề phù hợp với năng lực, nhu cầu tuyển dụng của trường, cân đối giữa nguyện vọng của gia đình, bản thân… cũng như lựa chọn du học.