Chủ trương thu phí đường bộ không dừng được cho là đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích… nhưng tiến độ xây các trạm thu phí này lại đang rất ì ạch, mà nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng độc quyền, cát cứ, lợi ích cục bộ.
Hồi sinh dự án ‘chết’
Chủ trương thu phí đường bộ không dừng được cho là đúng đắn, mang lại nhiều lợi ích… nhưng tiến độ xây các trạm thu phí này lại đang rất ì ạch, mà nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng độc quyền, cát cứ, lợi ích cục bộ.
Đó là một trong những chủ đề nóng tại Diễn đàn thanh toán 2016 (VEPF 2016), diễn ra ngày 24.11 do báo điện tử VnExpress và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) tổ chức.
Thu phí thủ công lãng phí hàng ngàn tỉ mỗi năm
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Mạnh Thắng, việc thực hiện dự án thu phí tự động không dừng (ETC) được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc cho quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên theo hình thức hợp đồng BOO, có 28 trạm thu phí (không bao gồm 9 trạm do VietinBank cung cấp tín dụng), nhà đầu tư thực hiện dự án là liên doanh CTCP Tasco và Công ty VETC. Trong đó, dự kiến từ 2016 – 2019 sẽ áp dụng thu phí tự động không dừng trên 1 – 2 làn, sau 2019 sẽ áp dụng trên tất cả các làn.
Thu phí đường bộ có thể nói là mảnh đất màu mỡ, hiện có quá nhiều doanh nghiệp nhảy vào, phía sau là các ngân hàng đứng ra bao tiêu thanh toán. Mỗi người một công nghệ, mỗi người một ý đồ, không liên kết, không chia sẻ lợi ích, độc quyền thì sẽ rất khó đẩy nhanh tiến độ của đề án này
Lãnh đạo một ngân hàng tham gia đề án thu phí không dừng
Đến nay, nhà đầu tư đã triển khai thực hiện lắp đặt và vận hành hệ thống thu phí ETC tại 5 trạm Quảng Đông (Quảng Bình), Toàn Mỹ (Đắk Nông), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), Đắk Đoa (Gia Lai), Chư Pưh (Gia Lai) và hoàn thành lắp đặt thiết bị thu phí ETC tại 3 trạm Hoàng Mai (Nghệ An), Hòa Phước, Tam Kỳ (Quảng Nam). “Còn lại 16 trạm đang phối hợp với các nhà đầu tư BOT để tiếp nhận bàn giao mặt bằng và 4 trạm chưa xây dựng trạm thu phí. Nhà đầu tư dự kiến sẽ lắp đặt hết các trạm còn lại trong năm 2016, đồng thời phối hợp cùng với Cục Đăng kiểm VN triển khai phát hành thẻ E-tag (thẻ để thu phí không dừng). Đến nay, đã dán được hơn 10.000 thẻ, dự kiến đến cuối 2016 dán được 500.000 thẻ”, ông Thắng thông tin thêm.
Trong giai đoạn 2 áp dụng trên toàn quốc, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết Bộ GTVT đã giao liên doanh Tasco – VETC lập đề xuất dự án đối với các trạm thu phí thuộc phạm vi từ miền Bắc đến Đà Nẵng; Ngân hàng VietinBank lập đề xuất dự án đối với các trạm từ Đà Nẵng vào miền Nam.
Với hơn 21.000 km quốc lộ, 730 km đường cao tốc và khoảng hơn 100 trạm thu phí, năm 2016 theo ước tính riêng phí đường bộ thu qua các trạm BOT, phí bảo trì, gửi xe… có thể đạt gần 2 tỉ USD. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu các trạm thu phí hoạt động độc lập và tiếp tục thu theo hình thức thủ công như lâu nay, sẽ lãng phí thời gian và tiền bạc của các chủ đầu tư và chủ phương tiện, đồng thời gây khó khăn cho công tác quản lý. Cụ thể, các tính toán cho thấy mỗi lần dừng xe nộp phí sẽ làm chậm hành trình của các phương tiện từ 2 – 3 phút, tăng thời gian lưu thông từ 4 – 5% và tiêu tốn thêm 7 – 8% nhiên liệu khi lưu thông trên đường cao tốc… Trong khi đó, nếu áp dụng thu phí không dừng sẽ giúp tiết kiệm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỉ đồng/năm; tiết kiệm nhiên liệu 233 tỉ đồng/năm; giảm thời gian tham gia giao thông giúp tiết kiệm 2.800 tỉ đồng/năm; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỉ đồng/năm…
Sẽ buộc phải thu phí không dừng
Dù được cho có nhiều lợi ích, nhưng hiện tiến độ triển khai các trạm thu phí không dừng diễn ra rất chậm. Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết có nhiều nguyên nhân, trong đó trước tiên là chưa có cơ chế để yêu cầu thu phí tự động không dừng một cách thống nhất với các nhà đầu tư BOT. “Vừa rồi, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ ban hành quyết định bắt buộc yêu cầu các phương tiện sử dụng đường bộ phải thu phí điện tử. Nếu được ban hành, ngành giao thông sẽ có cơ sở pháp lý để triển khai”, ông Trường nói.
Nhưng nguyên nhân khiến Bộ GTVT đang “đau đầu” là lợi ích và sự độc quyền của các doanh nghiệp đang làm trì trệ tiến độ triển khai. “Các dự án BOT chưa thực sự phối hợp với các nhà đầu tư dự án thu phí không dừng. Bộ GTVT đã ký hợp đồng BOO với nhà đầu tư dự án thu phí không dừng từ tháng 7.2016, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có dự án BOT nào ký hợp đồng dịch vụ thu phí đối với dự án BOO thu phí không dừng”, ông Nguyễn Mạnh Thắng cho biết. Trong khi đó, lãnh đạo một ngân hàng tham gia triển khai việc thu phí không dừng nhìn nhận: “Lợi ích ai cũng nhìn thấy rõ, nhưng vấn đề nằm ở chính việc phân chia miếng bánh lợi nhuận. Thu phí đường bộ có thể nói là mảnh đất màu mỡ, hiện có quá nhiều doanh nghiệp nhảy vào, phía sau là các ngân hàng đứng ra bao tiêu thanh toán. Mỗi người một công nghệ, mỗi người một ý đồ, không liên kết, không chia sẻ lợi ích, độc quyền thì sẽ rất khó đẩy nhanh tiến độ của đề án này”.
Kết thúc VEPF 2016, các đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định và lộ trình bắt buộc áp dụng thanh toán điện tử trong thu phí giao thông và thanh toán dịch vụ vận tải công cộng đô thị. Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các bên thống nhất cơ chế chia sẻ doanh thu phí theo hướng hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư BOT, chủ đầu tư dự án thu phí tự động không dừng BOO và chủ phương tiện tham gia giao thông, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động không dừng trên toàn quốc… Đáp lại các kiến nghị này, ông Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Trong tuần này, Chính phủ đã họp bàn lần cuối về chính sách thu phí giao thông không dừng. Có thể ngay trong tháng 11 sẽ ban hành quyết định cuối cùng về thu phí không dừng”.
Xe qua trạm chỉ mất 3 – 5 giây Ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank, cho biết để sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng, chủ phương tiện sẽ được phát một thẻ định danh RFID (nhận dạng tần số sóng vô tuyến) dán lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch. Tài khoản này có thể nạp tiền trực tiếp qua mạng internet, ngân hàng… Sau khi phương tiện có dán thẻ RFID chạy vào làn thu phí, hình ảnh và thông tin của xe sẽ được chuyển về trung tâm dữ liệu để xử lý, kiểm tra số dư tài khoản. Nếu đủ điều kiện, các thanh chắn barie sẽ mở tự động để xe qua. Đồng thời, tin nhắn SMS thông báo sẽ được gửi về số điện thoại của chủ phương tiện và tổng thời gian xe qua trạm chỉ còn 3 – 5 giây. Thẻ RFID cho phép ô tô có thể đi qua tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc.