Hiến kế khoán xe công: Tránh thất thoát khi thanh lý xe công
Sau Bộ Tài chính, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm khoán xe công tại 8 sở, huyện từ 1.3.2017, với kết quả bước đầu khá thành công.
Hiến kế khoán xe công: Tránh thất thoát khi thanh lý xe công
Sau Bộ Tài chính, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm khoán xe công tại 8 sở, huyện từ 1.3.2017, với kết quả bước đầu khá thành công.
Tiết kiệm hàng chục tỉ đồng mỗi năm
Hà Nội thí điểm triển khai khoán xe công với 8 cơ quan gồm các sở Tài chính, KH-ĐT, GTVT, LĐ-TB-XH, các quận Hà Đông, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Gia Lâm. Trước đó, Sở Tài chính đã xây dựng và báo cáo 2 mức khoán: một là căn cứ yêu cầu công tác của từng chức danh, thủ trưởng cơ quan đơn vị quyết định mức khoán, không vượt quá 9,3 triệu đồng/người/tháng; hai là căn cứ theo yêu cầu công tác của từng chức danh, thủ trưởng cơ quan đơn vị quyết định khoán kinh phí sử dụng xe công cho từng chức danh theo nguyên tắc khoảng cách thực tế đi công tác hằng tháng của từng chức danh, nhân theo đơn giá 13.000 đồng/km.
|
Ông Mai Xuân Vinh, Trưởng phòng Quản lý công sản, Sở Tài chính Hà Nội, cho biết Sở đã phối hợp tính toán với các sở ngành, quận huyện liên quan, tổng hợp kinh phí trung bình của các cơ quan đơn vị là 230 triệu đồng/xe/năm. Có 7 đơn vị thí điểm khoán theo chức danh, riêng Sở GTVT Hà Nội thực hiện phương án khoán theo khoảng cách thực tế đi công tác hằng tháng của từng chức danh.
Theo ông Vinh, các đơn vị có thể lựa chọn thuê xe tự lái hoặc thuê công ty vận tải chở theo hợp đồng. “Việc khoán theo khoảng cách thực tế 13.000 đồng/km của Sở GTVT, trước khi đi phải có phiếu hoặc giấy đi đường, có quãng đường, địa điểm và xác nhận của chánh văn phòng, không phải kê bao nhiêu được duyệt bấy nhiêu”, ông Vinh cho hay. Về hướng xử lý 45 xe công dôi dư sau khi thực hiện thí điểm khoán tại 8 đơn vị, có 12 xe đã hết niên hạn sử dụng, 33 xe sẽ sắp xếp thanh lý. Trong các xe thu hồi có những xe hạng sang, sử dụng ít, do vậy cần có giải pháp đảm bảo thanh lý sát với giá trị thực của phương tiện.
Riêng Sở Tài chính có 5 xe công biển xanh dôi ra sau khi khoán toàn bộ chức danh, trong đó 3 xe sẽ chuyển đổi sang các đơn vị khác và 2 xe thanh lý. Theo tính toán, việc khoán xe công của Sở sẽ tiết kiệm được trên 500 triệu đồng/năm. Sau khi triển khai khoán xe công, với lái xe, theo ông Vinh, Sở Tài chính và các đơn vị sắp xếp làm công việc khác phù hợp tại cơ quan cũ hoặc điều chuyển sang cơ quan, đơn vị tiếp nhận xe. Với những lái xe không có nhu cầu tiếp tục làm việc hoặc chuyển công tác sẽ được giải quyết chế độ theo quy định.
Sau khi thí điểm tại 8 sở ngành, quận huyện, Hà Nội cũng đã có chủ trương tới cuối năm 2017 sẽ khoán xe công đồng loạt tại các đơn vị. Với khoảng 400 xe công đang được sử dụng, ước tính sau khi khoán, sắp xếp lại thành phố sẽ tiết kiệm được khoảng 50 tỉ đồng/năm.
Minh bạch đấu thầu xe công
Đại diện Sở LĐ-TB-XH Hà Nội cho biết theo văn bản yêu cầu của Sở Tài chính, sở này và 7 đơn vị thuộc diện thí điểm khoán xe công sẽ xây dựng danh mục các xe thanh lý, miêu tả chi tiết xe, đăng ký, năm mua… trình Sở Tài chính thẩm định trước ngày 15.3. Sau khi được Sở Tài chính phê duyệt sẽ lên phương án thanh lý. Ông này cũng khẳng định khi thanh lý sẽ có đơn vị thẩm định giá độc lập và công khai đấu giá, người dân cũng có thể tham gia đấu giá mua xe.
Theo bà Bùi Thị An, ĐBQH khoá 13 (Đoàn ĐBQH Hà Nội), việc Hà Nội khoán xe công là chủ trương đúng đắn, đáng hoan nghênh, tiết kiệm ngân sách và cũng là kinh nghiệm cho các đơn vị khác trong cả nước.
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng với khoán xe công chính là thanh lý số xe công dôi dư phải thực hiện minh bạch, tránh thất thoát tài sản nhà nước. “Xe công là xe nhà nước, suy cho cùng cũng là tiền đóng thuế của người dân bỏ ra. Vì vậy, với các xe thuộc diện thanh lý khi đấu giá phải công khai rộng rãi, đấu giá ở phạm vi rộng để người dân cũng được tham gia mua. Phạm vi đấu giá không thể chỉ trong nội bộ cơ quan, hay định giá quá rẻ, chỉ 46 triệu đồng/xe như báo chí vừa phản ánh. Mức giá phải hợp lý, có cơ quan thẩm định giá độc lập tính toán, nếu quá rẻ không chỉ thất thoát mà không đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu”, bà An nhìn nhận. Đồng thời, những ai được tham gia đấu giá cũng cần công khai, có sự giám sát của cơ quan cấp trên và tổ chức xã hội độc lập, tránh tình trạng lợi ích nhóm, quân xanh, quân đỏ, đấu giá xe sang giá bèo làm thất thoát tài sản công. “Quan trọng nhất là phải làm đến cùng, nếu khoán xe công chỉ làm nửa vời thì không hiệu quả được”, bà An nhấn mạnh.
Mai Hà