30/11/2024

Cẩn trọng với ưu đãi thẻ

Sau khi mở hàng loạt thẻ thanh toán bởi bị hấp dẫn với những ưu đãi đặc biệt mà các ngân hàng quảng cáo, nhiều người đã ngã ngửa vì các khoản phí quá cao nhưng dịch vụ không tương xứng.

 

Cẩn trọng với ưu đãi thẻ

Sau khi mở hàng loạt thẻ thanh toán bởi bị hấp dẫn với những ưu đãi đặc biệt mà các ngân hàng quảng cáo, nhiều người đã ngã ngửa vì các khoản phí quá cao nhưng dịch vụ không tương xứng.

 

 

 

Cẩn trọng với ưu đãi thẻ
Cần tìm hiểu rõ thông tin khi mở và sử dụng thẻ tín dụng – Ảnh: T.T.D.

Theo các chuyên gia, khách hàng chỉ nên mở thẻ khi có nhu cầu thanh toán thực sự thay vì nhằm mục đích mở thẻ để hưởng ưu đãi, đồng thời phải tìm hiểu kỹ các điều kiện, những loại phí phải nộp… trước khi mở thẻ.

Thu phí quá rát

Chị Võ Châu (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết mở thẻ tín dụng quốc tế của một ngân hàng (NH) nước ngoài từ năm 2015 với mức phí thường niên 1,1 triệu đồng/năm. Đây là loại thẻ mà khách hàng được tích luỹ dặm bay và quy đổi dặm bay thành vé máy bay.

“Nghe quảng cáo quá hấp dẫn, tôi vận động bạn bè sử dụng thẻ của tôi để thanh toán khi mua vé máy bay nhằm nhanh chóng tích điểm, nhưng mức thưởng thực tế rất bèo bọt”, chị Châu nói.

Cụ thể, với 16.000 dặm bay tích luỹ được, với số tiền thanh toán tổng cộng 400 triệu đồng, chị Châu nhận được khoảng 2,45 triệu đồng.

Trong khi đó, phí chuyển đổi ngoại tệ của thẻ khá cao, khoảng 4%. Một người bạn của chị Châu thanh toán vé máy bay của hãng nước ngoài thông qua thẻ tín dụng này với giá 3.520 USD, khoảng 74,5 triệu đồng nếu quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại NH cùng thời điểm.

Tuy nhiên, thực tế chị phải thanh toán số tiền lên đến gần 77,3 triệu đồng, do phải chịu thêm phí chuyển đổi ngoại tệ 4%. Chưa hết, những chương trình khuyến mãi giảm giá ăn uống cho người sử dụng thẻ phần lớn áp dụng với những nhà hàng sang trọng hoặc điều kiện ngặt nghèo.

Chẳng hạn, NH quảng cáo được giảm 50% nếu sử dụng thẻ để thanh toán khi ăn ở nhà hàng lẩu khá nổi tiếng, nhưng thực tế chỉ giảm 50% đối với… món lẩu và chỉ áp dụng 10 ngày đầu của tháng.

“Phí quá đắt nhưng dịch vụ không tương xứng, chưa kể khâu an ninh cũng không ổn bởi các giao dịch thanh toán với số tiền lớn đã không được nhân viên NH gọi cho chủ thẻ để kiểm”, chị Châu cho biết.

Trong khi đó, chị Thuỷ (Q.2) lại bức xúc với cách thu các loại phí phạt. Thông thường NH thông báo thời hạn đóng tiền trước nửa tháng và không gọi điện hay nhắn tin nhắc nhở trước ngày hết hạn nên nhiều chủ thẻ quên, bị thu phí trễ hạn khá cao.

“Có lần đến 19h tối ngày đến hạn đóng tiền, tôi lên tài khoản online chuyển khoản để thanh toán và được NH ghi nhận trả tiền vào ngày đến hạn, nhưng NH vẫn âm thầm thu phí trễ hạn 300.000 đồng!”, chị Thủy nói.

Phải đọc kỹ điều kiện

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia thẻ Trần Quang Thoại cho rằng khi mở thẻ, khách hàng cần phải hỏi nhân viên tư vấn các loại phí mở thẻ cũng như phí sử dụng thẻ.

“Nếu không hỏi, rất có thể nhân viên tư vấn sẽ không nói hoặc nói rằng loại phí đó không đáng kể. Nói cách khác, chủ thẻ phải chủ động tìm hiểu để tránh rơi vào các tình huống dở khóc dở cười sau này”- ông Thoại nói.

Ngoài ra, khách hàng cũng cần xem có nhu cầu mở thẻ hay không, thay vì nghe theo lời nhân viên tư vấn hoặc “mờ mắt” trước các chương trình ưu đãi sử dụng thẻ.

Theo chuyên gia Huỳnh Trung Minh, để gia tăng số lượng phát hành thẻ, đội ngũ bán hàng của các NH thường sẽ tư vấn những điều lợi, phớt lờ những điểm bất lợi cho khách hàng. Chỉ đến khi sử dụng thẻ, chủ thẻ mới “té ngửa” khi các dịch vụ thẻ không như quảng cáo.

“Thanh toán bằng thẻ tín dụng có lợi với điều kiện chủ thẻ phải biết cách xài. Do đó, phải tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định mở loại thẻ gì, chứ không nên nghe theo lời của nhân viên tư vấn”, ông Minh khuyến cáo.

Cũng theo các chuyên gia, ngoài các khoản phí, khách hàng cũng nên tìm hiểu về mức lãi phạt thanh toán quá hạn, phí chuyển đổi ngoại tệ, phí thường niên…

Trên thực tế, phí thường niên với thẻ ATM chỉ vào khoảng 50.000 – 100.000 đồng, trong khi mức phí này với thẻ quốc tế thấp nhất khoảng 300.000 đồng/năm, nhưng phần lớn từ 500.000 – 1 triệu đồng/năm tuỳ theo NH trong nước hay NH nước ngoài và tuỳ loại thẻ.

Để tránh bị phạt do thanh toán trễ ngày, theo các chuyên gia, khách hàng nên đặt lịch nhắc thanh toán thẻ tín dụng trên điện thoại di động hoặc có thể đặt lệnh thanh toán tự động.

Trường hợp chuyển khoản ngoài giờ làm việc, chủ thẻ nên canh thời điểm sao cho tiền có thể đến tài khoản trước hạn thanh toán cuối cùng.

Mở dễ, đóng khó

Chị Thu (Hà Nội) mở thẻ tín dụng tại một NH trong nước. Chị cho biết được NH miễn phí thường niên 3 năm. Sau thời hạn này, chị nhận được thông báo phải nộp mức phí 660.000 đồng dù chưa được NH hỏi xem có tiếp tục sử dụng dịch vụ hay không.

Do NH yêu cầu phải đóng phí thường niên năm thứ 4 nếu muốn khoá thẻ, chị Thu đành chấp nhận sử dụng thẻ thêm 1 năm nữa. “Mà lãi suất thẻ tín dụng rất cao, lên đến 24%/năm nên nếu chẳng may thanh toán chậm thì lãnh đủ”, chị Thu nói.

Cá biệt có trường hợp dù đã trực tiếp đến NH đề nghị khoá thẻ và đóng phí đầy đủ nhưng hằng tháng vẫn bị NH đều đặn gửi giấy đòi nợ như trường hợp anh Trần Quang (Phú Nhuận).

Mới nhất ngày 21-2 vừa qua NH gửi thư thông báo anh nợ 600.000 đồng và yêu cầu thanh toán, trong đó có 50.000 đồng phí phạt trễ hạn, trong khi anh đã đến tận NH đóng các khoản phí cũng như yêu cầu đóng thẻ từ hơn nửa năm trước.

ÁNH HỒNG