Dạy, học toán: Học nhiều chẳng ích lợi bao nhiêu!
Sau bài báo “Dạy và học toán: phải thay đổi” trên Tuổi Trẻ ngày 9-3, đã có nhiều ý kiến phản hồi của giáo viên đồng tình với nhận xét của thầy Trần Phương, khi cho rằng học sinh phải học quá nhiều kiến thức toán không cần thiết.
Dạy, học toán: Học nhiều chẳng ích lợi bao nhiêu!
Sau bài báo “Dạy và học toán: phải thay đổi” trên Tuổi Trẻ ngày 9-3, đã có nhiều ý kiến phản hồi của giáo viên đồng tình với nhận xét của thầy Trần Phương, khi cho rằng học sinh phải học quá nhiều kiến thức toán không cần thiết.
Một tiết học môn toán của học sinh lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng |
Tuổi Trẻ xin trích đăng một số ý kiến nói trên.
* Giáo viên NGUYỄN DIÊN TÍN (Trường THPT Cần Thạnh, Cần Giờ, TP.HCM):
“Nhồi” những kiến thức không sử dụng đến
Là giáo viên dạy toán, tôi thấy đúng là chương trình toán ở phổ thông hiện quá hàn lâm. Chúng ta dạy cho học sinh như “gà công nghiệp” mà chưa chú trọng dạy tư duy, để các em làm việc sau này.
Tôi thấy học sinh bị “nhồi” nhiều kiến thức mà về sau không sử dụng đến, như kiến thức về vectơ, hình học không gian… Vì vậy, nên tăng tính thực hành, ứng dụng trong học toán chứ không nên đào sâu kiến thức cơ bản nhiều quá.
* ThS NGÔ THIỆN (giảng viên toán):
Dồn hết tâm trí để… luyện thi
Theo tôi, hiện nay sách giáo khoa toán của ta tốt về mặt rèn luyện cho học sinh khả năng tư duy nhạy bén, suy luận logic. Đó là tư chất cần thiết cho mỗi con người trong mọi công việc và suốt cả cuộc đời.
Tuy nhiên, sách giáo khoa toán lại quá thiếu các minh họa, ví dụ cụ thể, các bài toán thực tiễn ở phần dẫn nhập, hay ứng dụng các công thức trong từng chương, mục; trong khi đó lại hơi nhiều các ví dụ, các bài tập nặng nề về kỹ năng, thủ thuật.
Tình trạng dạy và học toán hiện nay thường sa đà vào việc rèn luyện kỹ năng, thủ thuật là do các câu hỏi mang tính phân loại trong các kỳ thi (từ thi vào lớp 10 cho đến thi vào đại học) đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng, thủ thuật để giải.
Từ đó thầy và trò dồn hết tâm trí mà luyện thi, bỏ qua hầu hết những ứng dụng hấp dẫn của toán học. Chỉ cần điều chỉnh đề thi, đưa nhiều bài toán thực tiễn từ mức độ thấp đến cao vào đề, thì cách dạy và học sẽ khác ngay…
* Giáo viên NGUYỄN THANH HÙNG HAI (Long An):
Tính thực tiễn hầu như không có
Ý kiến của thầy Trần Phương tôi thấy rất đúng! Theo tôi, tính thực tiễn của toán học trong chương trình phổ thông hiện tại gần như không có gì.
Thời còn đi học, tôi đã nhiều lần phát ngán khi phải giải những bài toán lượng giác phức tạp, chứng minh những bất đẳng thức rắc rối, hay làm những bài toán hình học không gian dài lê thê, mà chẳng biết những đáp số, kết quả của những bài toán khô khan ấy giúp gì cho cuộc sống của mình?
Những định lý, những định luật rắc rối ấy của toán học, nếu muốn tìm hiểu sâu thì học sinh cứ vào Google là có tất tần tật, cớ chi buộc các em phải học nội dung, kể cả cách chứng minh.
* PGS.TS NGUYỄN CHÍ THÀNH (phó hiệu trưởng Trường THPT Hoà Bình – La Trobe, Hà Nội): 2 giải pháp cho việc dạy toán phổ thông Qua nghiên cứu, đào tạo ở trường ĐH (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) và triển khai cụ thể ở trường phổ thông (Trường THPT Hoà Bình – La Trobe, Hà Nội), tôi thấy trước mắt cần nhấn mạnh vào hai giải pháp quan trọng cho việc dạy toán ở phổ thông. Theo đó, giải pháp 1 – thiết kế chương trình: xây dựng một chương trình khung chính thức, ngắn gọn, chỉ quy định nội dung cơ bản theo hướng năng lực mà học sinh cần đạt sau mỗi giai đoạn. Thiết kế những nội dung đòi hỏi sự vận dụng kiến thức toán học vào các tình huống thực tiễn. Như vậy, học sinh sẽ có thể phát triển được năng lực toán học cần thiết cho đời sống hiện nay. Giải pháp 2: thay đổi cách thức kiểm tra đánh giá toán học. Chương trình cần nhấn mạnh các năng lực toán học vận dụng kiến thức đã học vào xử lý, giải quyết các tình huống thực tiễn (chính là đánh giá năng lực). Ví dụ như đánh giá: khả năng nhận biết ý nghĩa, vai trò của kiến thức toán học trong cuộc sống; khả năng tư duy, suy luận, lập luận và giải toán; khả năng vận dụng kiến thức toán nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống hiện tại và tương lai một cách linh hoạt. Một điều quan trọng nữa là cần phân hoá nội dung dạy học cho các đối tượng học sinh, phù hợp với nguyện vọng, định hướng nghề nghiệp của học sinh. Việc phân hoá này cần tiến hành sau khi các em kết thúc lớp 10… |