Khủng hoảng ngoại giao Malaysia – Triều Tiên
Quan hệ giữa Malaysia và CHDCND Triều Tiên lâm vào căng thẳng leo thang sau khi cả hai quyết định cầm giữ công dân của nhau.
Khủng hoảng ngoại giao Malaysia – Triều Tiên
Quan hệ giữa Malaysia và CHDCND Triều Tiên lâm vào căng thẳng leo thang sau khi cả hai quyết định cầm giữ công dân của nhau.
Sau khi Đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Malaysia Kang Chol bị trục xuất do tranh cãi quanh cái chết của người mang hộ chiếu Triều Tiên tên Kim Chol, chính quyền Bình Nhưỡng ngày 7.3 đột ngột tuyên bố “tạm thời cấm công dân Malaysia rời khỏi lãnh thổ CHDCND Triều Tiên”. Hãng thông tấn KCNA dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao cho biết lệnh cấm có hiệu lực “cho đến khi sự an toàn của các nhà ngoại giao và công dân CHDCND Triều Tiên tại Malaysia được hoàn toàn đảm bảo thông qua dàn xếp thẳng thắn vụ án xảy ra tại Malaysia”. Trong thời gian này, công dân Malaysia tại Triều Tiên “vẫn có thể làm việc và sinh hoạt trong điều kiện và hoàn cảnh như trước đây”, theo thông báo. Bộ Ngoại giao Malaysia cho biết hiện tổng cộng có 11 công dân nước này tại Triều Tiên, bao gồm 3 nhân viên sứ quán, 6 thân nhân và 2 người làm việc cho LHQ, theo tờ New Straits Times.
Trong vòng một giờ sau thông báo từ Triều Tiên, Malaysia lập tức có động thái phản ứng khi Phó thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi ra lệnh cấm đại diện ngoại giao Triều Tiên xuất cảnh. Sau đó, Thủ tướng Najib Razak mở rộng phạm vi lệnh cấm, áp dụng với mọi công dân Triều Tiên đang làm việc và cư trú tại Malaysia. Theo ước tính, số này vào khoảng 1.000 người. AFP dẫn lời ông Najib phẫn nộ cáo buộc động thái của Bình Nhưỡng “thực chất là bắt giữ công dân chúng tôi làm con tin, hoàn toàn xem nhẹ luật pháp quốc tế và mọi quy tắc ngoại giao”. “Bảo vệ công dân là quan tâm số một của tôi và chúng tôi sẽ không ngần ngại áp dụng mọi biện pháp cần thiết khi họ bị đe dọa”, nhà lãnh đạo Malaysia tuyên bố.
Cùng ngày, theo New Straits Times, Thủ tướng Najib chủ trì cuộc họp khẩn cấp với Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) nhằm thảo luận về quan hệ với Triều Tiên. Tham dự cuộc họp này có Phó thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi, Tổng giám đốc NSC Zulkifeli Mohd Zain, Tổng thanh tra cảnh sát Khalid Abu Bakar, Tổng chưởng lý Mohamad Apandi Ali và Tổng chỉ huy lực lượng vũ trang Raja Mohamed Affandi Raja Mohamed Noor…
Đến trưa qua 7.3, cảnh sát Malaysia tiến hành phong tỏa Đại sứ quán Triều Tiên tại Kuala Lumpur. Theo AFP, lực lượng đặc nhiệm thiết lập chốt chặn với hơn 10 nhân viên công lực vũ trang và mặc áo chống đạn chia nhau canh giữ 2 đầu con đường dẫn đến tòa nhà sứ quán. Trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Nội vụ Nur Jazlan Mohamed cho hay: “Chúng tôi đang cố gắng xác định mọi nhân viên sứ quán đang có mặt tại đây”. Theo ông, không người nào được rời đi cho đến khi nào nhà chức trách kiểm tra chính xác số người có mặt hợp lệ.
Trước đó, cảnh sát Malaysia nghi ngờ có 2 người Triều Tiên bị cho là dính líu tới cái chết của ông Kim Chol đang trốn bên trong toà nhà. Tổng thanh tra Khalid Abu Bakar khẳng định sẵn sàng “đợi đến 5 năm để bắt giữ nghi phạm”.
Quan hệ Bình Nhưỡng – Kuala Lumpur lâu nay vẫn bình ổn cho đến khi xảy ra vụ án hôm 13.2. Nạn nhân được cho là ông Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhưng Triều Tiên không xác nhận thông tin này. Đến nay, Malaysia mới truy tố 2 nghi phạm nữ, gồm công dân Indonesia Siti Aisyah và cô Đoàn Thị Hương (quốc tịch VN), về cáo buộc trực tiếp dùng chất độc thần kinh VX sát hại ông Kim. Trong khi đó, Triều Tiên tuyên bố người này chết do đau tim và cực lực phản đối cách giải quyết của phía Kuala Lumpur.
Thụy Miên