Phấn đấu có doanh nghiệp Việt Nam vào top 500 thế giới
Đó là mục tiêu của TP.HCM đặt ra trong Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp trong nước năm 2017 với chủ đề Đồng hành và phát triển doanh nghiệp.
Phấn đấu có doanh nghiệp Việt Nam vào top 500 thế giới
Đó là mục tiêu của TP.HCM đặt ra trong Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp trong nước năm 2017 với chủ đề Đồng hành và phát triển doanh nghiệp.
Áp lực vốn, cạnh tranh, thâu tóm
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp (DN) phát biểu đầu hội nghị, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, phát đi thông tin không mấy lạc quan rằng, một thống kê chưa đầy đủ cho thấy có 32% DN tự tin vào khả năng cạnh tranh sản phẩm của mình trên sân nhà, 40% cảm thấy lo ngại về năng lực cạnh tranh. Còn lại khá bi quan vì cho rằng không thể cạnh tranh nổi trước áp lực hàng ngoại ngày càng tăng. Vì thế, tuy số lượng DN thành lập mới trong năm qua lên đến 36.000 DN (tổng số DN của TP.HCM hiện có là hơn 290.000 DN), nhưng năng lực cạnh tranh thực sự còn yếu, chỉ có khoảng 35% trong số này có đóng góp đáng kể vào ngân sách thành phố.
Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó chủ tịch Hiệp hội Nhựa VN, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nhựa Bình Minh, cho biết đa số DN của ngành nhựa là nhỏ và vừa nhưng muốn đầu tư mở rộng họ vẫn phải vay vốn với mức lãi suất rất cao. Thế nên, trong xu thế hội nhập, họ đang đối diện nguy cơ thâu tóm. Ngoài ra, ngành nhựa không có quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia và không có hàng rào kỹ thuật bảo vệ trong hội nhập, nên hàng hóa của các quốc gia lân cận tràn vào, không ai kiểm soát chất lượng nhưng lại “giết” ngành nhựa trong nước rất dễ dàng. “Sản phẩm ống nhựa miền Bắc và miền Nam cũng khác nhau hoàn toàn, bởi không có chuẩn chung. Ngay trong một quốc gia không có chuẩn chung cho một sản phẩm thì làm sao kiểm soát được hàng nhập?”, ông Ngân nói.
Ông Kiều Huỳnh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Thép Cơ, than DN ngành cơ khí vẫn còn khó tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ đổi mới công nghệ, DN nhỏ khó vào khu công nghiệp (KCN). DN ông hiện đã thuê xưởng trong KCN nhưng giá cho thuê cao. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ cho xây dựng nhà xưởng, đổi mới thiết bị vẫn chưa đến tay DN. Ông Sơn kiến nghị chính quyền thành phố phải có chính sách hỗ trợ DN cơ khí quy mô nhỏ vào được KCN. Nhằm hình thành các cụm, tiểu KCN chuyên ngành, các nhà xưởng tại các tiểu KCN hỗ trợ với diện tích tầm 750 – 1.500 m2. Từ đó, cấp giấy chứng nhận cho nhà xưởng để DN có cơ sở pháp lý vay vốn, hỗ trợ giá thuê đất trong các cụm công nghiệp hỗ trợ 10 – 20 USD/m2. Đây cũng là “đòn bẩy” giúp phát triển công nghiệp hỗ trợ.
“Tư lệnh” mà không biết, không dám
Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Capella Holdings, góp ý liên quan đến thủ tục để làm một dự án bất động sản qua quá nhiều tầng, nấc quản lý khiến DN vướng thủ tục thường nhanh nhất là 2 – 3 năm, thường 5 – 7 năm mới xong thủ tục. Có dự án đến hơn 20 năm chưa xong thủ tục. “Khi định giá giao đất, DN đóng tiền, chúng tôi không vướng ở cấp sở mà vướng cấp chuyên viên. Hồ sơ nhận, đến cận thời hạn, chuyên viên trả về yêu cầu bổ sung là lại làm từ đầu. Chúng tôi kiến nghị thành phố nên mạnh dạn lập đầu mối chuyên trách hỗ trợ DN, cần có cán bộ đủ năng lực giải quyết vấn đề…”, ông Trí chia sẻ tại hội nghị.
Với phản ánh của ông Nguyễn Cao Trí, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM giải thích. Theo đại diện sở này, thời gian rà soát hồ sơ từ Sở mất khoảng 45 – 60 ngày, về quận huyện cũng mất từng ấy khoảng thời gian nữa. Tuy nhiên, khi ông Thăng hỏi có thể cấp được giấy phép trong khoảng sau 3 – 4 tháng đó không, đại diện sở này “không dám hứa” vì cho rằng mỗi quận, huyện có quy mô dân số khác nhau. Ông Thăng nói ngay: “Chính anh là tư lệnh mà anh nói không biết, không dám. Cấp quản lý phải nắm vững mới dám quyết vấn đề nhanh gọn được”.
Liên quan những bức xúc về vay vốn, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến kêu gọi DN hãy gửi bản kiến nghị cụ thể cho UBND để chỉ đạo các sở, ngành giải quyết.
14.000 hộ cá thể có thể “lớn” thành DN
Trước nhiều ý kiến băn khoăn “tăng số DN lên bằng mọi giá” để đạt mục tiêu đạt 500.000 DN, ông Tuyến tái khẳng định mục tiêu phát triển số lượng DN của thành phố là đúng đắn vì phát triển kinh tế ở các nước đều tập trung phát triển DN. Theo ông Tuyến, thành phố có khoảng 245.000 hộ cá thể đang kinh doanh nhưng chỉ đóng góp 2% cho ngân sách. “Khi chúng tôi kiểm tra, có khoảng hơn 14.000 hộ kinh doanh có thể lớn lên thành DN và có thể phát huy hết tiềm năng… Làm sao tạo điều kiện về vốn, cơ chế chính sách, có cơ sở, có quyết tâm, đồng lòng thì con số 500.000 DN đến năm 2020 không chỉ là mong muốn của lãnh đạo thành phố mà còn của cộng đồng DN”, ông Trần Vĩnh Tuyến nói.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, thông tin thêm: “Trọng tâm sắp tới là phát triển dịch vụ và sáng tạo, hoàn chỉnh hệ sinh thái khởi nghiệp để hướng đến mục tiêu 500.000 DN vào năm 2020. Xây dựng TP.HCM thành thành phố công nghệ, đô thị thông minh và có những tập đoàn của thành phố nằm trong top 500 tập đoàn hàng đầu thế giới”.
Bí thư Thành ủy thành phố Đinh La Thăng cũng nhấn mạnh: “Việc tiếp tục cải cách hành chính, cải tiến thể chế, chính sách trên cơ sở khung quy định của pháp luật để giải quyết vướng mắc là hết sức cần thiết. Trong tháng 3 này, thành phố đang xây dựng cơ chế đột phá giúp thành phố phát triển mạnh mẽ hơn, xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt hơn…”.
Hằng Nga