“Thầy và các bạn vẫn đợi em ở cửa lớp”
Những ngày đầu tháng 3, dòng tâm sự buồn trên Facebook của thầy Ninh Văn Dậu – giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (xã Ia HDreh, huyện Krông Pa, Gia Lai) – về việc thầy đã không thể giữ học trò của mình ở lại trường đã khiến nhiều người xúc động.
“Thầy và các bạn vẫn đợi em ở cửa lớp”
Những ngày đầu tháng 3, dòng tâm sự buồn trên Facebook của thầy Ninh Văn Dậu – giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (xã Ia HDreh, huyện Krông Pa, Gia Lai) – về việc thầy đã không thể giữ học trò của mình ở lại trường đã khiến nhiều người xúc động.
Thầy Ninh Văn Dậu vào tận rẫy thuyết phục Ksor Gôi – cậu học trò người Jarai – trở lại lớp – Ảnh: V.D. |
Tâm sự của thầy Dậu đã được nhiều đồng nghiệp và học trò chia sẻ trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm của những người làm giáo dục. Tuổi Trẻ xin được đăng những lời “rút ruột” này của một người thầy tâm huyết ở vùng sâu vùng xa, ngoài những khó khăn vất vả trong cuộc sống, còn phải đối mặt với nguy cơ học trò bỏ lớp bỏ trường…
“Chiều nay cũng giống như bất cứ buổi chiều nào khác. Nhưng hình như không… Cái se lạnh của đất trời Krông Pa có giống như mọi năm không mà sao lòng thấy se sắt lắm. Cảm giác như vừa đánh mất điều gì đó.
Chỉ mới cách đây hơn một tuần em đã hứa với thầy, với cô Linh và với cả tập thể lớp 12A2 rằng em sẽ đi học lại. Trong đó có cả gia đình em chứng kiến. Và một tuần qua em đã đều đặn tới lớp. Thầy cảm thấy thật ấm lòng trong cái tiết trời đầy nghiệt ngã và rất khó ở của mảnh đất này.
Nhưng em biết không, hai ngày qua thầy tới sinh hoạt lớp không thấy em xuất hiện, thầy nhận thấy có gì đó không ổn! Và đúng như linh cảm của người đã từng đi qua những nốt trầm của cuộc đời. Cả lớp thông báo: em bỏ học!
Nghe tới đó lòng thầy nghẹn lại. Thế rồi buổi tối về thầy gọi, nhưng em không nghe máy. Thầy liên lạc với người nhà em để tâm sự và trao đổi thêm. Có lẽ họ cũng cảm nhận được phần nào ý định của thầy. Tuy nhiên, chốt lại vẫn là: em bỏ học!
Thầy phải làm gì bây giờ, khi đã hơn một lần thầy cùng tập thể lớp tới nhà tìm hiểu, động viên em? Thế rồi thầy quyết định hỏi nhà em cho bằng được, là bây giờ em đang ở đâu? Thầy được gia đình cho biết em đang phá mì trong rẫy và ở lại trong đó luôn, không về vì đường quá xa, đi lại khó khăn, vất vả…
Vậy là chiều nay thầy cùng với bạn Tức lại lên đường. Vượt qua con đường rừng gần 20km để vào được cái rẫy nhà em, tận bên trong lòng hồ Ia HDreh. Thầy thấm mệt, bạn Tức cũng thấm mệt… nhưng cũng chưa là gì so với hình ảnh lấm lem trên khuôn mặt đen đúa của em – hình ảnh lấm láp ấy gọi dậy tuổi thơ dữ dội của thầy. Khi gặp lại em, ngồi trao đổi tâm sự, thầy quên cả đoạn đường khó nhọc mà mình đã vượt qua.
Ngồi với thầy cả buổi, nhưng em không nói gì ngoài câu: “Em bỏ học thầy ạ!”.
Là người đứng trên bục giảng cả chục năm, chứng kiến không biết bao số phận học trò đã đi qua – những phận đời đầy mỏng manh và éo le, nhưng lòng thầy vẫn quặn lại đầy xót xa vì em. Và giờ đây thầy không muốn tâm hồn mình trở nên trống trải, thiếu hụt bởi bất kỳ sự vắng mặt một vị trí nào trong lớp.
Trong những câu chuyện đời thường chúng ta nói với nhau, thầy vẫn nhận thấy ánh mắt đầy tinh anh và cái cách nói chuyện lanh lợi của em. Đặc biệt hơn, mặc dù em không nói ra, nhưng thầy vẫn nhận thấy rất rõ sự thèm khát cái chữ tới nhường nào trong đôi mắt ấy!
Vậy tại sao em có thể bỏ học?
Thầy có nói gì em cũng không trả lời. Điều đó đồng nghĩa với việc em sẽ từ biệt cái chữ từ đây thật sao? Câu nói: “Em bỏ học thầy ạ!” làm đau một tâm hồn vốn rất nhạy cảm, dễ xúc động và đầy suy tư, trăn trở. Có lẽ nào thầy đã thất bại hoàn toàn?
Thầy và cả lớp vẫn đợi em. Nếu em vẫn chưa chịu vượt rẫy vượt rừng để trở về với trường với lớp, nhất định thầy sẽ vào rẫy “lấy” em về!”.
“Thầy và cả lớp vẫn đợi em. Nếu em vẫn chưa chịu vượt rẫy vượt rừng để trở về với trường với lớp, nhất định thầy sẽ vào rẫy “lấy” em về!” |