Thực phẩm hữu cơ Việt vào siêu thị Mỹ
Thay vì xuất khẩu thô, bị “mất tên”, một số thương hiệu thực phẩm cao cấp của VN như nước mắm, gạo đã được bày bán rộng rãi trong các siêu thị tại Mỹ, EU…
Thực phẩm hữu cơ Việt vào siêu thị Mỹ
Thay vì xuất khẩu thô, bị “mất tên”, một số thương hiệu thực phẩm cao cấp của VN như nước mắm, gạo đã được bày bán rộng rãi trong các siêu thị tại Mỹ, EU…
Ông Cường Phạm kiểm tra chất lượng nước mắm theo tiêu chuẩn Kosshe để xuất khẩu – Ảnh TRẦN MẠNH |
Trong khi gạo thường của VN bán ra với giá chưa đến 400 USD/tấn thì một số đơn vị làm gạo hữu cơ đang xuất khẩu gạo với giá 2.000 – 3.000 USD/tấn mà cung không đủ cầu.
Giúp người Mỹ quen với nước mắm
Về VN ăn tết, chị Đan Thanh (Việt kiều sống tại New York) kể một câu chuyện thú vị: chị được một người Mỹ giới thiệu cho loại nước mắm của VN đang bán tại Whole Foods (chuỗi siêu thị, cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm hữu cơ và thực phẩm tự nhiên lớn của Mỹ với trên 450 cửa hàng ở Mỹ, Canada và Anh). “Thật thú vị là người Mỹ bây giờ cũng biết và dùng nước mắm”, chị Đan Thanh nói.
Ông Cường Phạm – chủ Hãng nước mắm Quốc Hương (Phú Quốc), đồng thời là đơn vị sở hữu nhãn hiệu Red Boat đang được bán tại Whole Foods – kể đã phải trải qua quá trình dài để đưa nước mắm vào siêu thị và các gia đình Mỹ.
Dù ban đầu đối tượng hướng đến của Red Boat là người Á Đông nhưng ông Cường lại chọn kênh tiếp thị qua… người Mỹ, đặc biệt là các đầu bếp phương Tây. Từng làm cho Apple, ông Cường quan niệm “đừng có xách nước mắm đi chào hàng, người ta sẽ không mua. Phải để cho người ta tìm mình”.
Các đầu bếp nổi tiếng của Mỹ luôn tìm kiếm nguyên liệu mới để sáng tạo những món ăn mới. Đáp ứng được các tiêu chí của họ, chủ động giới thiệu đến đối tượng này nên theo ông Cường, nước mắm Red Boat đã được công chúng biết đến rộng rãi, chứ… không có tiền để quảng cáo. Qua khen ngợi và đề xuất của các đầu bếp nổi tiếng, nước mắm Red Boat được hàng loạt tờ báo lớn của Mỹ như The New York Time, Los Angeles Times, Chicago Tribune… và nhiều tạp chí về thực phẩm giới thiệu.
Tuy nhiên, để được giới thiệu và tin tưởng, Red Boat đã phải trải qua quá trình chuẩn bị sản xuất an toàn rất dài. Năm 2005 ông Cường ra đảo Phú Quốc thăm các nhà thùng làm nước mắm. Sau khi tìm hiểu quy trình và khả năng sản xuất, ông Cường quyết định mua một nhà thùng quy mô nhỏ để tự làm nước mắm vào năm 2006.
Bởi theo ông, thời điểm đó, các nhà sản xuất nước mắm đều không cam kết chất lượng mà ông mong muốn. Nhiều nhà sản xuất nói thẳng là nếu không có chất điều vị, nước mắm ăn không ngon.
Quyết tâm làm nước mắm chất lượng cao, ông Cường kể sau 2 năm, Red Boat đã có mặt ở các cửa hàng Whole Foods trên toàn nước Mỹ, Canada và Anh, cạnh tranh trực tiếp với một thương hiệu nước mắm Thái Lan đã có mặt từ lâu trong chuỗi bán lẻ cao cấp này.
Theo ông Cường, Red Boat góp phần tạo ra một phong cách ẩm thực mới của nước Mỹ. Trước đây người ta có thể dùng nước mắm nhưng là nước mắm đã pha loãng. “Bây giờ người ta đã nêm trực tiếp nước mắm vào các món ăn. Kể cả những gia đình người Mỹ da trắng cũng dùng nước mắm của VN”.
Sau Whole Foods, nước mắm Red Boat cũng đã có mặt tại nhiều siêu thị khác ở Mỹ, đồng thời có mặt tại Úc, EU, Singapore…
Gạo Việt bán trên 2.000 USD/tấn
Trong khi gạo thường của VN bán ra với giá chưa đến 400 USD/tấn thì một số đơn vị làm gạo hữu cơ xuất khẩu với giá 2.000 – 3.000 USD/tấn mà cung vẫn không đủ cầu. Không chỉ vậy, gạo thường bán từng container hoặc bao 50kg không thương hiệu, gạo hữu cơ đang được xuất khẩu dưới thương hiệu Việt.
Sau khi gạo Hoa Sữa của Công ty cổ phần Viễn Phú (Cà Mau) xuất khẩu thành công qua Anh, mới đây Công ty Ecotiger cũng đã xuất khẩu thành công loại gạo hữu cơ thương hiệu Ecorice sang thị trường Canada, Mỹ, EU…
Ông Nguyễn Văn Hùng, phó giám đốc Ecotiger (TP.HCM), cho biết để có loại gạo cao cấp trên công ty đã liên kết với người dân trồng lúa vùng cù lao Cổ Chiên (Trà Vinh) để trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ, EU và Nhật Bản.
Đây là khu vực canh tác theo mô hình lúa tôm. Để đảm bảo nuôi tôm, môi trường rất quan trọng nên người dân không dám sử dụng phân, thuốc nhiều. Chất thải sau quá trình nuôi tôm cũng trở thành nguồn dinh dưỡng cho cây lúa. Khi sâu bệnh phát triển mạnh, người dân sẽ tháo nước ngập lúa trong 1-2 tiếng để diệt sâu thay vì phun thuốc.
Với cách canh tác này, đến tháng 5-2016 gạo Ecorice đã được cấp chứng nhận hữu cơ theo chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), châu Âu và Nhật Bản. Toàn bộ sản phẩm làm ra đều được xuất khẩu sang các thị trường cao cấp dưới thương hiệu của công ty.
“Hiện chúng tôi đã bắt đầu giới thiệu loại gạo này ra thị trường nội địa và mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ lên khoảng 450ha trong thời gian tới”, ông Hùng nói.
Cơ hội lớn cho hàng chất lượng cao Theo ông Cường Phạm, chất lượng là yếu tố then chốt tạo nên thành công của Red Boat tại thị trường nước ngoài. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng thực phẩm và các hoá chất đi kèm nên nước mắm chỉ làm từ cá và muối được quan tâm. Ông Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết chất lượng là yếu tố quan trọng nhất trong xuất khẩu thực phẩm. Một khi đã đáp ứng được nhu cầu an toàn thực phẩm bằng các tiêu chuẩn khắt khe như hữu cơ thì cơ hội xuất khẩu nông sản VN vào các thị trường khó tính là rất lớn. |