Việt Nam ‘bùng nổ’ giới siêu giàu
Báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report 2017) của Knight Frank công bố gần đây cho thấy năm 2016 VN có 200 người siêu giàu, tăng 32 người so với năm trước.
Việt Nam ‘bùng nổ’ giới siêu giàu
Báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report 2017) của Knight Frank công bố gần đây cho thấy năm 2016 VN có 200 người siêu giàu, tăng 32 người so với năm trước.
“Siêu giàu” theo tiêu chí của Knight Frank là sở hữu tài sản từ 30 triệu USD (hơn 680 tỉ đồng) trở lên. Đặc biệt, cũng theo dự báo này, trong 10 năm tới, với tốc độ tăng mạnh mẽ 170%, VN sẽ có 3 tỉ phú USD và 540 người siêu giàu. Đây là tốc độ tăng người giàu cao nhất thế giới, cao hơn mức tăng 150% của Ấn Độ và 140% của Trung Quốc.
Nhiều tên tuổi là đại gia bất động sản
Báo cáo không nêu cụ thể tên 200 người Việt siêu giàu, song nếu thống kê trên thị trường chứng khoán thì hiện “câu lạc bộ siêu giàu” có khoảng 25 -30 người. Dẫn đầu là ông Trịnh Văn Quyết với khối tài sản nắm trong tay gồm 2 cổ phiếu FLC và ROS trị giá 44.695 tỉ đồng. Chỉ trong vòng 2 tháng, khi chỉ số VN-Index tăng 40 điểm lên mức 712,6 điểm thì tài sản của ông Quyết tăng thêm hơn 10.000 tỉ đồng. Trong khi đó, nắm giữ 27,45% cổ phiếu VIC, ông Phạm Nhật Vượng đang có tài sản trị giá hơn 32.216 tỉ đồng. Trong danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán, người đứng vị trí thứ 10 cũng nắm giữ xấp xỉ 2.500 tỉ đồng theo quy đổi từ cổ phiếu.
|
Theo TS Đinh Thế Hiển, danh sách 200 mới là phần nổi của tảng băng chìm, bởi VN có rất nhiều người “giàu chìm”, sở hữu những khách sạn, tòa nhà cho thuê ở những vị trí đắc địa trị giá hàng trăm tỉ đồng, hoặc là chủ của những doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất quy mô rộng lớn… “Có những khu biệt thự rao bán giá 20 – 30 tỉ ở Phú Quốc, hay biệt thự 100 tỉ đồng ở Phú Mỹ Hưng, hay chung cư cao cấp với giá hàng trăm triệu đồng/m2 đã bán hết nhanh chóng. Điều này cho thấy số lượng người siêu giàu không giới hạn ở con số 200 người, mà có thể cao hơn”, ông Hiển phân tích.
Đáng lưu ý, ngoài giới siêu giàu xuất hiện trên thị trường chứng khoán, trong số các gương mặt siêu giàu nổi trội trên thị trường, người ta thấy “áp đảo” là các đại gia bất động sản như ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco; “chúa đảo” Đào Hồng Tuyển, chủ dự án Tuần Châu; ông Vũ Quang Hội, ông chủ Bitexco; ông Đỗ Minh Phú, chủ thương hiệu DOJI; ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VIB…
Có ý kiến cho rằng, trong khi giới siêu giàu các nước tập trung trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ…, số người siêu giàu của VN tập trung nhiều ở bất động sản là “điều không bình thường”. Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm nói: “Số liệu thống kê 30 người giàu nhất trên sàn chứng khoán VN thì hơn 1/3 giàu từ bất động sản. Điều này cũng dễ hiểu, VN là nước đang phát triển, mới gia nhập thị trường, thể chế chưa hoàn chỉnh, vì vậy có dư địa để phát triển trong những lĩnh vực đất đai, khai thác tài nguyên… Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến tài sản không bền vững”.
|
Trong khi đó, ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn chiến lược doanh nghiệp, cho rằng “không nên có sự phân biệt cảm tính người giàu ở mảng nào mới “sang” hơn”. “Vấn đề là chính sách của chúng ta đang ưu tiên phát triển mảng nào”, ông Hoà nói. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu ý kiến: “Quan trọng là họ làm giàu chính đáng và có đóng góp cho sự phồn vinh của xã hội. Đó là điều cần khuyến khích và ủng hộ”.
Cần chính sách khuyến khích người tài bứt phá
Về việc khảo sát để đưa ra danh sách người giàu, theo ông Đỗ Hoà, các nước phát triển hay thực hiện để phản ánh sự thay đổi trong môi trường làm ăn kinh doanh của một quốc gia nào đó. Qua đó, có sự nhìn nhận đóng góp quan trọng của nhóm người giàu đối với xã hội, công nhận tài năng của họ và quan trọng hơn là tạo những tấm gương cho thế hệ trẻ trên con đường lập nghiệp. “Sự giàu có công khai này thường được đặt trong một môi trường kinh doanh minh bạch, có thể “sờ” thấy được những con số, những tỷ lệ phát triển. Với VN, danh sách 200 người siêu giàu này có thể chưa phản ánh đúng hoàn toàn”, ông Hoà nhận xét. Dù vậy, ông cũng nêu quan điểm: “Một cách khách quan, tin VN có 200 người siêu giàu tôi cho là tin tốt và chắc chắn không ít thì nhiều, một số cá nhân trong nhóm siêu giàu này sẽ là tấm gương tốt cho thế hệ trẻ Việt đang nuôi khát vọng khởi nghiệp. Điều này quan trọng và tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ vươn lên. Và con số này có thể tin được bởi khảo sát của tổ chức này cũng dựa trên những chỉ số đã được minh bạch trên sàn chứng khoán, trên giá trị cổ phiếu…”
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng số người VN giàu tăng là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường và một đất nước có nhiều người giàu thì quá tốt. Tuy nhiên, ông Phong không đồng ý nhận xét của Báo cáo Thịnh vượng cho rằng người siêu giàu VN đang tăng nhanh. “So với 40 năm thống nhất đất nước, sau hơn 30 năm đổi mới, hơn 25 năm mở cửa và so với các quốc gia châu Á như Nhật, Hàn… con số 200 người Việt siêu giàu là quá khiêm tốn. Đó là chưa so với tổng thể số dân Việt thì con số trên chẳng đáng kể”, ông Phong phân tích.
Theo ông Phong, thực tế ở VN cơ chế thị trường đã loại bỏ dần tính bình quân bao cấp, khuyến khích làm giàu bằng kiến thức, nguồn vốn, chuyên môn, kinh nghiệm… Đây cũng là những điểm mấu chốt để người có tài, có khả năng bứt phá nổi trội và giàu nhanh hơn người có năng lực trung bình. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo chính sách “thiếu công bằng” khiến đất nước khó tăng người siêu giàu đúng nghĩa. “Xã hội muốn phát triển bền vững, hai yếu tố minh bạch và công khai là quan trọng nhất. Mà điều đó, chúng ta đang thiếu cho dù nỗ lực để cải tạo. Thứ nữa, VN vẫn luôn bị đe doạ trong bẫy thu nhập trung bình, nên những nỗ lực bứt phá để tăng số siêu giàu là điều cần thiết và cũng là thách thức lớn. Tất nhiên không ai nói làm giàu là xấu nhưng làm giàu bằng mọi giá, kiểu giàu xổi thì sau bẫy thu nhập trung bình là bẫy giàu xổi cũng đáng lo ngại”, ông Phong phân tích.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Hoà cũng nhấn mạnh yếu tố làm giàu minh bạch là điều tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Ông nói: “Nếu theo tiêu chí đánh giá của Báo cáo Thịnh vượng 2017, VN có nhiều người giàu hơn là tín hiệu tốt cho môi trường đầu tư kinh doanh. Nếu so với trước đây, chúng ta đã có những bước tiến bộ đáng kể nhưng so với các nước trong khu vực, VN còn quá nhiều việc phải bàn, phải làm. Chẳng hạn, câu chuyện bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng nhiều mặt hàng tiêu dùng nhanh nhà nước vẫn nắm vốn chủ đạo, rồi siết độc quyền nhà nước một số lĩnh vực… Tôi cho là chưa tiến bộ”. Và để lượng người giàu có thể tăng, theo ông Hoà, nhà nước cần tích cực xã hội hóa, tư nhân hoá cao hơn, giảm “của chìm của nổi, của gửi đâu đó”.
Top 10 về tốc độ tăng số người siêu giàu
Theo Báo cáo Thịnh vượng 2017 do Hãng tư vấn bất động sản Knight Frank (Anh) công bố, VN đứng đầu thế giới về tốc độ gia tăng số người siêu giàu trong 10 năm từ 2006 – 2016 với tỷ lệ 320%. Tiếp theo là Ấn Độ (290%) và Trung Quốc (281%). Những quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại trong top 10 lần lượt là Kenya, Úc, UAE, Monaco, Singapore, Hồng Kông và Brazil. Cũng theo báo cáo, trong một thập niên tới, VN cũng được dự báo tiếp tục đứng đầu thế giới với tốc độ tăng 170%.
Kết quả này được cho là xuất phát một phần từ những biện pháp cải cách nhiều mặt giúp dẫn đến biến đổi “ấn tượng” của kinh tế VN trong 25 năm, đưa thu nhập của người dân tăng cao. Mặt khác, các chuyên gia quốc tế cũng cảnh báo nếu không có chiến lược phát triển bền vững thì tốc độ gia tăng giới siêu giàu quá nhanh có thể khiến tình trạng bất bình đẳng kinh tế tại các nước đang phát triển càng trở nên nghiêm trọng. Hiện tại, theo tính toán của Tổ chức Oxfam, số tiền mà người giàu nhất VN kiếm được trong một ngày cao hơn thu nhập 10 năm của người nghèo nhất. Các chuyên gia của tổ chức này nhận định song song với tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và khuyến khích làm giàu chính đáng, các nước cũng cần trấn áp mạnh nạn trốn thuế, tăng đầu tư vào các dịch vụ công và thúc đẩy thu nhập của những người được trả thù lao thấp nhất.
Trùng Quang
|
Hồng Sương – Hằng Nga