Dạy học tích cực và những rào cản
Gần 100 giáo viên, cán bộ quản lý các trường THPT trên địa bàn quận 5, quận 10, TP.HCM đã tham dự hội thảo “Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực học sinh”, do Trường THPT Trần Khai Nguyên tổ chức sáng 3-3.
Dạy học tích cực và những rào cản
Gần 100 giáo viên, cán bộ quản lý các trường THPT trên địa bàn quận 5, quận 10, TP.HCM đã tham dự hội thảo “Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực học sinh”, do Trường THPT Trần Khai Nguyên tổ chức sáng 3-3.
Một tiết học ôn môn văn sôi động của học sinh lớp 12A13 Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5, TP.HCM) và thầy giáo Tsàn Dùng Nhành theo hướng đổi mới phương pháp dạy học, phát triển năng lực học sinh bằng hình thức sử dụng điện thoại di động được kết nối WiFi – Ảnh: NHƯ HÙNG |
“Tôi không mong mỏi mình sẽ trở thành người thầy vĩ đại. Nhưng tôi sẽ nỗ lực không ngừng nghỉ để truyền cảm hứng cho học sinh của mình học tập và lĩnh hội tri thức, kỹ năng làm hành trang vào đời”. Đây là phát biểu của thầy giáo trẻ Tsàn Dùng Nhành (mới vào nghề được 3 năm), giáo viên môn văn Trường THPT Trần Khai Nguyên, tại hội thảo nói trên.
Tiết học sôi động
Hội thảo có một “tiết mục” đặc biệt: tất cả đại biểu được dự giờ tiết dạy văn tại lớp 12A13 do giáo viên Tsàn Dùng Nhành đứng lớp. Tiết học diễn ra tại phòng nghe – nhìn của Trường Trần Khai Nguyên và truyền trực tiếp qua phòng hội thảo.
Bài dạy “Ôn tập một số tác phẩm truyện trong chương trình ngữ văn 12” mới nghe qua có vẻ khô khan, nhưng trên thực tế đã diễn ra cực kỳ sôi động, với những trò chơi liên tiếp diễn ra.
Đầu tiên là trò chơi “kahoot”: giáo viên soạn sẵn câu hỏi trắc nghiệm, chiếu lên màn hình, đồng thời đọc to lên cho cả lớp nghe. Còn học sinh sử dụng một điện thoại di động nối mạng để chọn câu trả lời đúng nhất trong vòng 5 giây.
“Các em chú ý nha, nội dung câu hỏi thứ 2: Nhà văn Kim Lân thường viết về: a) Người lao động miền núi, b) Nông thôn và người nông dân, c) Văn hoá Tây nguyên, d) Các loài vật. Nhanh lên nha, chúng ta chỉ có 5 giây, mới có 15 bạn trả lời thôi…. Hết giờ, đáp án b là đáp án đúng” – thầy giáo vừa dứt lời, cả lớp ồ lên, bàn tán xôn xao. “Có 2 bạn trả lời sai, bạn nào giơ tay lên cho thầy xem” – thầy giáo lại nói. Cứ thế, phần ôn tập về tác giả trôi qua một cách nhanh chóng.
Sang phần ôn tập về tác phẩm, không khí lớp học thực sự nóng lên với trò chơi “rung chuông vàng”. Giọng thầy giáo đầy phấn khích: “Các em hãy cầm bảng, cầm phấn lên nào”. Học sinh cũng phấn khích và hồi hộp không kém, bảo nhau: “Ráng đừng để rời khỏi bàn nha!”.
Đến câu hỏi: “Thành công về phương diện khắc họa hình tượng nhân vật Mị của Tô Hoài là gì?”. Cả lớp nhao nhao: “Sao không có gợi ý đáp án vậy thầy?”. Thầy giáo làm mặt nghiêm: “Không! Các em phải tự ghi đáp án lên bảng của mình”.
Và tiết học không chỉ có những tiếng cười rộn rã, mà diễn ra đầy kịch tính khi cả lớp… trả lời sai, phải bước ra khỏi bàn. Thầy giáo liền trấn an: “Các em đứng ra hai bên, nếu trả lời đúng câu hỏi tiếp theo sẽ được quay lại bàn”.
Lý Khả Hoan, học sinh lớp 12A13, nhận xét: “Học như thế này thật vui và nhớ lâu hơn là ôn tập theo kiểu truyền thống – rất dễ nhàm chán và buồn ngủ!”.
Dạy kỹ năng hay dạy kiến thức?
Thầy Huỳnh Công Phúc, tổ trưởng tổ hóa Trường THPT Trần Khai Nguyên, nêu ra những lợi ích của phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh thông qua dạy học dự án, nghiên cứu khoa học: “Không chỉ mang lại sự hứng thú, kỹ năng mềm cho học sinh mà còn mang lại niềm vui dạy học cho người thầy, tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao tay nghề.
Nhưng việc triển khai các hình thức dạy học này gặp khá nhiều khó khăn: nội dung và chương trình học hiện tại chưa phù hợp với dạy học dự án; học sinh không có nhiều thời gian để thực hiện các công việc của dự án vì chương trình học khá nặng; học sinh tham gia học theo dự án nhiều khi ảnh hưởng đến việc học các bộ môn khác…”.
Thế nên, đại diện Trường THPT Văn Lang (quận 5) mới băn khoăn: “Đổi mới phương pháp giảng dạy là vấn đề tất cả các trường đều quan tâm, nhưng đổi mới như thế nào để hiệu quả mới là điều đáng bàn”.
Và mâu thuẫn nội tại trong ngành giáo dục đã được các giáo viên mổ xẻ trong giờ giải lao. Đó là làm sao vừa truyền được cảm hứng học tập cho học trò, đồng thời vừa giúp các em thi đậu.
Bên lề hội thảo, một số giáo viên đã hỏi nhau kinh nghiệm “dạy học trò khối 12 sao cho các em đạt điểm cao, năm nay Bộ GD-ĐT đổi mới nhiều quá”.
Tâm sự của một giáo viên như chạm vào nỗi lo lắng của nhiều đồng nghiệp: “Làm sao gò cho học sinh viết đầy đủ ý, nhưng chỉ gói gọn trong 200 từ ở câu hỏi nghị luận xã hội (theo quy định của Bộ GD-ĐT về đề thi môn văn trong kỳ thi THPT quốc gia – NV)? Làm sao để các em đạt trọn 3 điểm ở phần đọc hiểu…”.
Rồi họ nhận định: môn văn trước đây đề thi ra theo cấu trúc 3-3-4 (câu đọc hiểu: 3 điểm, câu nghị luận xã hội: 3 điểm, câu nghị luận văn học: 4 điểm) là định hướng khá tốt, khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, rèn kỹ năng cho học sinh.
Năm nay, Bộ GD-ĐT lại thay đổi cấu trúc thành 3-2-5 thì giáo viên buộc phải dạy cho học sinh tiếp thu được càng nhiều kiến thức càng tốt: câu hỏi nghị luận văn học chiếm đến 5 điểm trong đề thi mà học sinh không học bài, không có kiến thức thì không ổn.
Có lẽ vì vậy mà việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực học sinh chỉ diễn ra ở những trường, những lớp có giáo viên thực sự tâm huyết và tài năng. Và ở nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM, nó chỉ thực hiện một cách rõ nét và mạnh mẽ đối với học sinh khối 10, khối 11. Khi học sinh lên lớp 12, nhà trường lại tập trung vào việc dạy kiến thức cho các em đi thi.
Nói như ông Nguyễn Duy Tuyển, hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên: “Muốn dạy học tích cực trước hết các thầy cô phải đam mê và có khả năng sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học”.
Phải có cơ sở vật chất hiện đại Giáo viên Tsàn Dùng Nhành cho biết: “Bài dạy trên có thể áp dụng cho cả 3 khối chứ không chỉ khối 12. Giáo án trên cũng có thể chia sẻ cho nhiều giáo viên khác giảng dạy. Nó có ưu điểm: làm lớp học sinh động, học sinh hào hứng; rèn luyện được một số năng lực cho học sinh; tất cả học sinh đều tham gia quá trình học tập. Nhưng nó cũng có nhược điểm: không phải học sinh nào cũng có điện thoại di động; giáo viên chưa bao quát được hết vì sĩ số học sinh/lớp khá đông; lớp học phải có trang thiết bị, kết nối mạng ổn định”. Tại hội thảo, hầu hết giáo viên đều cho rằng việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho trường lớp theo hướng hiện đại là yếu tố không thể thiếu trong quá trình dạy học tích cực. Cô Nguyễn Hà Bích Vân, tổ trưởng tổ văn Trường THPT Trần Khai Nguyên, đưa ra một ví dụ: “Phòng học phải cách âm, gắn máy lạnh mới dạy được”. |
“Giáo viên chúng tôi bây giờ luôn băn khoăn với câu hỏi: Dạy kỹ năng cho học sinh làm người hay dạy kiến thức cho học sinh đi thi? Trong bối cảnh hiện nay, cả hai điều đó đều cần thiết, cần phải dạy hết cho học trò. Thế nên, người thầy đứng lớp rất vất vả, mà học trò cũng khổ không kém” |