29/11/2024

“Bà đỡ” cho nông sản sạch

Trước thực trạng thực phẩm bẩn có xu hướng tràn lan trên thị trường, nhiều doanh nghiệp tâm huyết đã tìm cách đưa nông sản sạch ra thị trường, đến với đông đảo người tiêu dùng.

 

“Bà đỡ” cho nông sản sạch

Trước thực trạng thực phẩm bẩn có xu hướng tràn lan trên thị trường, nhiều doanh nghiệp tâm huyết đã tìm cách đưa nông sản sạch ra thị trường, đến với đông đảo người tiêu dùng.



Mô hình trồng rau thủy canh trưng bày tại phiên chợ
 /// Ảnh: Hoàng Sơn

Mô hình trồng rau thuỷ canh trưng bày tại phiên chợẢNH: HOÀNG SƠN

Cuối tuần qua, khu vực công viên chân cầu Rồng (phía Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) trở nên đông đúc bởi phiên chợ nông dân do Evergreen Labs (một công ty tại Đà Nẵng chuyên phát triển các dự án xã hội và môi trường) tổ chức. Dạo một vòng quanh chợ xong, chị Nguyễn Yến Nhi (25 tuổi) dừng trước một quầy hàng rồi cẩn thận kiểm tra từng ngọn xà lách. Thấy khách có vẻ chưa tin tưởng vào sản phẩm, ông Phan Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Aloo Food, chỉ tay về phía tấm bảng treo trên tường: “Chị yên tâm, rau chúng tôi đem đến phiên chợ đã được kiểm tra kỹ càng. Hơn nữa, đây là những sản phẩm rau hữu cơ nên an toàn cho người sử dụng”.
Chị Nhi sau khi tìm hiểu chi tiết về quy trình sản xuất rau hữu cơ, như không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, chất kích thích sinh trưởng… đã mua về rất nhiều loại rau ăn lá. “Trong bối cảnh rau, quả sử dụng nhiều hoá chất để bảo quản như hiện nay, những bà nội trợ như tôi đi chợ khi nào cũng canh cánh nỗi lo mua phải rau bẩn. Thế nên khi nghe có phiên chợ nông sản sạch, tôi đã tranh thủ dậy từ rất sớm để tới mua”, chị Nhi giải thích.
“Rau mã vạch” ra chợ
Sau 2 lần tổ chức, phiên chợ lần này vẫn giữ nguyên hấp lực nhờ những món hàng nông sản sạch. Phiên chợ có trên 10 gian hàng bán rau, củ xuất xứ tại địa phương và hàng nhập từ Quảng Nam, Lâm Đồng, Đắk Lắk… Khi đến phiên chợ, người mua không chỉ chọn được nhiều nông sản có tem, phiếu… ghi rõ ràng nguồn gốc mà còn được nghe cách thức canh tác an toàn. Nhiều người đi chợ đã rất ngạc nhiên khi thấy bà Lê Tự Nguyệt Anh (Giám đốc Công ty TNHH Mùa Đà Nẵng) khi đang nói chuyện với khách bỗng dưng móc chiếc điện thoại thông minh ra quét qua mã vạch 2 chiều (QR Code) trên gói rau cải. Màn hình điện thoại lập tức hiển thị nhiều thông tin liên quan đến xuất xứ. Bà Nguyệt Anh cho hay rau của công ty được chứng nhận thực phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ (USDA) nên trên bao bì luôn có tem dán dễ dàng nhận diện. Hiện ở Đà Nẵng công ty đã có một cửa hàng để phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. “Chỉ cần dùng điện thoại, bà nội trợ có thể nhanh chóng truy xuất nguồn gốc nông phẩm để quyết định nên chọn mua hay không…”, bà Nguyệt Anh nói.
Cạnh đó, gian hàng thực phẩm hữu cơ Gò Nổi (TX.Điện Bàn, Quảng Nam) bày bán 12 sản phẩm cũng đưa ra cam kết chỉ cung cấp ra thị trường loại rau được tưới bằng nước sạch, phân bón tự ủ và thuốc trừ sâu từ tỏi, gừng… Gian hàng đưa ra khẩu hiệu “Sạch từ tâm”, với đại ý từng ngọn rau được trồng với trách nhiệm cao nhất. Anh Nguyễn Tấn Pháp, nhân viên cửa hàng, cho biết vì xuất thân của nhóm từ vùng quê nên chưa có điều kiện để thuê chuyên gia xác nhận các tiêu chuẩn. “Nhưng từ tấm lòng của mình, chúng tôi xác định trồng rau bán cho khách thì cũng như để mình ăn nên phải luôn đảm bảo sạch. Chúng tôi cũng hướng đến xây dựng mã vạch và tiêu chuẩn USDA cho sản phẩm của mình để người dân tin tưởng hơn…”, anh Pháp nói.
Hướng tới phiên chợ định kỳ
Theo ban tổ chức phiên chợ, sự thiếu niềm tin vào thực phẩm ở VN đang là một vấn nạn lớn. Vì vậy, với mong muốn nâng cao an toàn thực phẩm, từ tháng 7.2016, Evergreen Labs đã lên kế hoạch và đưa ra các tiêu chí chọn gian hàng tham gia phiên chợ. Thông qua website của mình, đơn vị này đã công bố đầy đủ hồ sơ của các gian hàng cũng như công khai 5 bước tiếp cận, từ khâu tìm kiếm những nhà cung cấp thực phẩm an toàn, kiểm tra, sàng lọc cho đến khâu xét duyệt… Qua 2 phiên chợ, những người tham gia đã bán được hơn 2 tấn thực phẩm, thu hút hơn 2.000 lượt khách tham quan và mua sắm. Ban tổ chức đã nhận được nhiều phản hồi tốt từ các đơn vị tham gia cũng như người đi chợ. “Phiên chợ lần thứ 3 mong muốn tiếp tục là cầu nối để nông dân có cơ hội đưa sản phẩm sạch đến tận tay người tiêu dùng. Mục tiêu của chúng tôi là phiên chợ sẽ góp phần mở rộng thị trường đầu ra cho nông dân; đồng thời, thông qua tiếp xúc trực tiếp, nông dân sẽ tạo được lòng tin cho người mua sản phẩm của mình”, bà Trần Bích Phương, đại diện ban tổ chức phiên chợ, nói và cho biết sắp tới phiên chợ sẽ được tổ chức định kỳ vào chủ nhật cuối cùng của mỗi tháng, đồng thời nâng số gian hàng lên 50 để sản phẩm đa dạng, phong phú hơn…
Chia sẻ với Thanh Niên, nhiều người đi chợ phiên cho hay giá rau không chênh lệch nhiều so với các chợ trên địa bàn, thậm chí có gian hàng bán rau với giá chỉ bằng giá ngoài chợ. Nhiều chủ gian hàng cho biết, nếu bán thực giá, các sản phẩm rau hữu cơ sẽ có giá cao hơn, thậm chí gấp đôi rau thông thường, nhưng vì sức khỏe người dân và mong muốn xoay chuyển thói quen tiêu dùng, giai đoạn đầu họ bán rau sạch giá “bình dân”, không đặt nặng về lợi nhuận… Mang đến hội chợ nhiều sản phẩm rau mầm khá lạ như mầm cải trắng, mầm hướng dương, mầm đậu Hà Lan… anh Nguyễn Thanh Trung cho biết rau do anh làm ra chủ yếu bán cho các siêu thị, nhà hàng hoặc theo đơn đặt hàng của những người nước ngoài. “Nhờ phiên chợ này mà mọi người biết đến các loại rau mầm của tôi. Không ít người đã lấy name card và hứa sẽ liên hệ lại…”, anh Trung phấn khởi.
Người nước ngoài hứng thú với phiên chợ
“Bà đỡ” cho nông sản sạch - ảnh 1

Du khách nước ngoài mua trái cây sạch tại phiên chợ

Ngoài các gian hàng bày bán nông sản, chợ phiên nông sản sạch còn quy tụ nhiều gian hàng bán các sản phẩm do những người nước ngoài tự tay làm ra như: trà Kombucha, phô mai Pháp, sữa chua Hy Lạp… Phiên chợ cũng thu hút một lượng khách nước ngoài đến tham quan và mua nông sản. Họ rất thích thú với mô hình trồng rau thủy canh với nhiều loại rau xanh mướt mắt.

 

Hoàng Sơn