Sớm báo cáo vụ tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
Thủ tướng đã giao các bộ Kế hoạch – đầu tư, Tài chính, Công thương và Thanh tra Chính phủ làm rõ các vấn đề liên quan khối tài sản hàng trăm tỉ đồng của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa.
Sớm báo cáo vụ tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa
Thủ tướng đã giao các bộ Kế hoạch – đầu tư, Tài chính, Công thương và Thanh tra Chính phủ làm rõ các vấn đề liên quan khối tài sản hàng trăm tỉ đồng của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa trong một phiên họp tại TP.HCM – Ảnh: Quang Định |
Ông MAI TIẾN DŨNG – bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ – đã cho biết như thế tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 1-3. Tại cuộc họp, các phóng viên đã nêu câu hỏi liên quan đến một số vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm.
Các bộ vào cuộc vụ bà Kim Thoa
* Tổng bí thư đã có ý kiến yêu cầu làm rõ tài sản của gia đình Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa theo thông tin báo chí phản ánh, xin hỏi việc này được các cơ quan tiến hành như thế nào rồi?
– Ông Mai Tiến Dũng: Sau khi có ý kiến của Tổng bí thư, Thủ tướng đã giao cho các bộ: Kế hoạch – đầu tư, Công thương, Tài chính và Thanh tra Chính phủ khẩn trương thực hiện các nội dung chỉ đạo. Các cơ quan liên quan sẽ làm việc cụ thể, đặc biệt là các nội dung báo chí đã nêu.
Vấn đề liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp nơi Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa công tác trước đây, liên quan đến cổ phần hoá, bán chuyển vốn, rồi việc bổ nhiệm người nhà nắm giữ các vị trí trong doanh nghiệp… sẽ được các cơ quan kiểm tra, xác minh, kết luận sớm để báo cáo Thủ tướng.
Sau đó Thủ tướng sẽ báo cáo Tổng bí thư. Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch – đầu tư, Bộ Tư pháp, Ban đổi mới doanh nghiệp nhà nước rà soát toàn bộ các quy định liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tránh kẽ hở, sơ hở trong pháp luật.
* Sau khi có kết quả kiểm toán tại 27 trạm thu phí BOT, có những sai phạm. Xin hỏi trách nhiệm trong thẩm định thời gian thu phí BOT tại các trạm này? Một số tuyến đường rất ngắn như Hà Nội – Thái Bình có tới 4-5 trạm thì hướng xử lý thế nào?
- Năm 2017 là năm các cơ quan giám sát của Quốc hội, các cơ quan kiểm toán quan tâm kiểm tra các dự án BOT. Quy định một tuyến đường 70km có 1 trạm thu phí. Trong thực tiễn có những doanh nghiệp làm rất tốt, nhưng cũng có doanh nghiệp đầu tư chưa đạt yêu cầu đã thu phí.
Chủ trương của Chính phủ đánh giá những cái được, chưa được, từ đó có sự chấn chỉnh, điều chỉnh trong công tác đầu tư, quản lý và phê duyệt các dự án theo hình thức BOT.
Bây giờ phải chờ các cơ quan kiểm toán, các cơ quan giám sát của Quốc hội thì sẽ có câu trả lời. Hiện nay, chúng tôi chỉ xin phép được nêu những chủ trương lớn như vậy.
Xem xét chuyện doanh nghiệp tặng xe sang
* Chính phủ yêu cầu địa phương không lên chúc tết, tặng quà nhưng nhiều doanh nghiệp tặng xe sang hàng tỉ đồng, song các địa phương… vẫn nhận. Quan điểm của người phát ngôn Chính phủ về vấn đề này thế nào?
- Qua thông tin báo chí thì tỉnh Cà Mau, TP Đà Nẵng có nhận xe của doanh nghiệp tặng. Dư luận có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp kiểm tra sự việc, nếu phát hiện vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.
Đây là động thái rất có trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ khi có thông tin phản ánh. Sau khi kiểm tra có sai phạm sẽ thông tin cụ thể với tinh thần rất minh bạch, công khai. Khi có kết quả kiểm tra, chúng tôi sẽ thông báo tại phiên họp báo thường kỳ tháng tới.
* Xin hỏi Bộ Tài chính, việc doanh nghiệp tặng xe địa phương có đúng luật không, đặc biệt là Luật ngân sách nhà nước và Luật phòng chống tham nhũng?
– Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: Thủ tướng đã ban hành quy chế 64 về việc tặng quà và nhận quà tặng, trong đó quy định rõ các trường hợp được nhận quà và tặng quà, các hành vi nghiêm cấm trong việc tặng và nhận quà.
Trong trường hợp này, việc cho tặng tài sản là ôtô còn phải căn cứ vào quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ quy định định mức, quản lý sử dụng ôtô. Trong đó quy định rõ định mức ôtô phục vụ các chức danh ở bộ, ngành, địa phương, định mức ôtô dùng chung.
Như bộ trưởng – người phát ngôn Chính phủ có nói Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan kiểm tra, đánh giá việc này. Bộ Tài chính sẽ căn cứ vào các văn bản pháp luật để xem xét kỹ lưỡng, báo cáo cụ thể với Thủ tướng và thông tin đến các cơ quan báo chí.
* Sau khi có thông báo của Uỷ ban Kiểm tra trung ương về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến vụ Formosa, Chính phủ tiếp thu việc này như thế nào, đã có thông báo gì chưa?
– Ông Mai Tiến Dũng: Thông báo kết luận của Uỷ ban Kiểm tra trung ương được nhân dân rất đồng tình, điều này khẳng định quyết tâm như Tổng bí thư đã nói rằng trong xử lý sai phạm thì không có vùng cấm.
Việc xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan đang được tiến hành theo đúng quy trình, quy định của pháp luật, khi nào có kết quả chúng tôi sẽ thông báo.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Hỗ trợ mạnh cho nông nghiệp sạch
Ngân hàng Nhà nước phải chủ trì, chủ động giao nhiệm vụ cho các ngân hàng thương mại dành một gói tín dụng với lãi suất thấp hơn so với lãi suất thông thường từ 0,5-1,5%/năm để cho các doanh nghiệp (DN) đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chủ trương là xã hội hoá đầu tư hạ tầng và tạo điều kiện thuận lợi nhất, mở rộng hạn điền, hay nói cách khác là tích tụ đất đai để báo cáo Quốc hội sửa Luật đất đai. Thay vì sản xuất manh mún thì giao nhiệm vụ cho chính quyền địa phương thuê lại đất của dân để giao cho DN đầu tư trên phương thức sử dụng hiệu quả nhất, đồng thời tái cơ cấu lao động ở trong khu vực nông thôn. Thủ tướng yêu cầu triển khai các HTX, các mô hình tổ hợp, trong đó DN cung cấp giống, công nghệ và hướng dẫn quy trình để tạo ra sản phẩm sạch, từ đó thu mua. Như thế sẽ tạo vùng sản xuất sạch với sản lượng, chất lượng tốt cung cấp cho thị trường như mong đợi của người dân, của thị trường. |
Phấn đấu giữ lạm phát ở mức 4% Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ đã đánh giá tình hình phát triển kinh tế – xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2017, trong đó nổi bật là các chỉ số kinh tế vĩ mô được kiểm soát chặt chẽ, du lịch khởi sắc, hai tháng đầu năm đón 2,2 triệu lượt khách quốc tế (cùng kỳ năm trước chỉ đạt 1,6 triệu lượt khách). Xuất khẩu hai tháng đầu năm ước đạt 27,34 tỉ USD. Có trên 14.400 doanh nghiệp thành lập mới, gần 8.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Dũng, nền kinh tế còn không ít khó khăn. “Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm hai mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Trước mắt, năm 2017 nỗ lực phấn đấu để kiểm soát lạm phát 4%, tăng trưởng 6,7% và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế” – ông Dũng nói. |