28/11/2024

Vào lớp là thầy cô, ra lớp là cha mẹ

Những đứa trẻ thiếu may mắn là con em đồng bào thiểu số H’Rê ở huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) có cuộc đời mới nhờ đến trường. Nơi đây, các em có những thầy cô yêu thương như cha mẹ mình.

 

Vào lớp là thầy cô, ra lớp là cha mẹ

Những đứa trẻ thiếu may mắn là con em đồng bào thiểu số H’Rê ở huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) có cuộc đời mới nhờ đến trường. Nơi đây, các em có những thầy cô yêu thương như cha mẹ mình.

 

 

 

Vào lớp là thầy cô, ra lớp là cha mẹ
Cô giáo Thu Nga và em học trò Đinh Thị Rả luôn bên nhau như hai mẹ con – Ảnh: Trần Mai

Nhờ tình yêu thương của những người gieo chữ trên non mà những đứa trẻ đáng thương này đã thật sự được đổi đời.

Cậu bé xương thuỷ tinh đến trường

Đứa con chung đặc biệt nhất của các thầy cô Trường THCS Sơn Hạ (huyện Sơn Hà) là cậu học trò lớp 7E Đinh Lâm Vũ. Dù Vũ không phải là học trò duy nhất được thầy cô trong trường nhận đỡ đầu, nhưng hoàn cảnh của Vũ rất đặc biệt: cậu bé sinh ra đã mắc chứng xương thủy tinh quái ác.

Nhà Vũ nằm sâu tít trong núi, muốn ra trường phải lội bộ hơn 3km. Đường sá không phải là trở ngại lớn nhất, mà chính là cơ thể quá yếu ớt của Vũ đã ngăn em đến trường. Vũ không thể đi lại bình thường như chúng bạn. Biết được con chữ trở thành điều quá khó khăn với em.

“Em muốn đến trường lắm, nhưng chỉ riêng việc leo lên hay đi xuống mấy con dốc cũng không xong. Xương em sẽ bị gãy ngay. Sau mấy lần bị gãy tay, gãy chân thì ba mẹ không cho em đi học nữa” – Vũ tâm sự.

Vậy mà bây giờ Vũ đã học đến lớp 7 và học rất giỏi. Những thầy cô giáo chính là người đã vẽ nên cuộc đời tươi mới cho Vũ. Những lần leo núi vào làng thuyết phục trò đến trường, thầy cô đã mang theo cả tình yêu thương dành cho học trò. Thầy cô đứng ra nhận Vũ về trường chăm lo như con của mình.

Cô Nguyễn Thị Hồng Duyên (giáo viên Trường THCS Sơn Hạ) là người trực tiếp kèm cặp, chăm lo từng chút một cho Vũ, bảo rằng nhìn thấy Vũ vui cười với thầy cô ở trường, ai cũng thấy ấm lòng.

Cô Duyên giải thích một cách mộc mạc: “Không chỉ tôi mà còn nhiều thầy cô khác cùng chung sức lo cho Vũ và các em học trò có hoàn cảnh khốn khó khác. Từ áo quần, đồ dùng học tập của các em đều do thầy cô lo đầy đủ. Chỉ cần mình thương yêu các em là sẽ nhận về rất nhiều niềm vui. Vũ và các bạn của em được thầy cô đỡ đầu, chăm sóc đều học khá giỏi và chăm ngoan”.

Ở xã Sơn Ba (huyện Sơn Hà), đằng sau tiếng nói cười của học trò nơi đây là cả tình yêu thương bao la của các thầy cô. Từ ngày cô Ngô Thị Thu Nga – giáo viên Trường THCS Sơn Ba – nhận đỡ đầu cô học trò Đinh Thị Rả thì cả hai luôn bên nhau như hai mẹ con.

Các thầy cô ở trường kể rằng cha Rả mất sớm, mẹ em đã ngoài 60 tuổi, cái ăn còn thiếu thốn nói gì đến chuyện học hành. Gia cảnh khó khăn là vậy mà Rả còn bị khuyết tật về mắt. Trước tình cảnh bi đát như vậy của nhà Rả, cô Nga đã tìm đến nhà em hỗ trợ quần áo, đồ dùng học tập, vận động để gia đình cho em đến lớp.

“Từ ngày mình vận động mẹ Rả cho mang em ra đây, mình theo sát em trong lớp, còn ngoài giờ học thì chăm sóc em” – cô Nga chia sẻ.

Chắp cánh cho những giấc mơ

Bây giờ, ở Trường THCS Sơn Hạ, THCS Sơn Ba… những cô cậu học trò có hoàn cảnh khốn cùng đã không còn mặc cảm, tự ti nữa. Các em đã có nhiều ước mơ đẹp, em này ước mơ thành cô giáo, em khác ước mơ sẽ đến các trường trung cấp, cao đẳng học nghề, trở thành những công nhân, những người thợ lành nghề.

Miệt mài nối dài những ước mơ ấy, rất nhiều thầy cô giáo đã dạy phụ đạo miễn phí, tặng học bổng, nhận đỡ đầu, giúp các em học sinh vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Với các thầy cô, đó không đơn giản chỉ là lòng yêu nghề, mà còn là nhiệm vụ của những người miền xuôi lên miền ngược trồng người.

Hiện nay, các thầy cô Trường THCS Sơn Ba và THCS Sơn Hạ nhận đỡ đầu hơn 60 em học sinh khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn. Rời khỏi lớp học, họ không còn làm thầy cô nữa mà trở thành cha mẹ, anh chị, thậm chí là bạn bè của học trò.

Buổi tối, ở mái nhà chung, các thầy cô kèm cặp bài vở, mang áo quần bẩn của học trò đi giặt. Với những cô cậu học trò không ở lại trường mà về nhà, thỉnh thoảng thầy cô lại bất ngờ “đột kích” xem các em ăn gì, gạo có đủ nấu hay không để trợ giúp thêm cho các em…

Có đi đến những mái trường xa xôi này mới thấy được sự hi sinh của thầy cô nơi đây như thế nào. Mỗi tuần họ chỉ về nhà một lần để chăm sóc gia đình, xem bài vở của con. Vậy mà trong những chuyến về xuôi ít ỏi ấy, họ đâu chỉ dành riêng thời gian cho gia đình sau một tuần dạy học mệt mỏi. Các thầy cô còn phải đi vận động khắp nơi để có áo quần, sách vở, thức ăn… mang lên cho trò.

“Mỗi lần về xuôi, mình lại vận động bạn bè, các mạnh thường quân, người cho quần áo, người cho gạo, đồ dùng học tập… rồi mang lên trường, không chỉ cho Rả mà còn chia sẻ cho nhiều em khác. Vui lắm…” – cô Nga tâm sự.

Sự hi sinh to lớn là vậy, nhưng thầy giáo Lê Mực, hiệu trưởng Trường THCS Sơn Hạ, bảo đó là chuyện nhỏ, là chuyện bình thường phải làm. Bởi khi gắn bó với nghề giáo ở vùng cao, thầy cô nào cũng hiểu họ không chỉ mang giáo án đến trường dạy học, mà còn mang cả giấc mơ của những đứa trẻ H’Rê bên mình.

Tình cảm thầy trò ngày càng gắn bó

Thầy Lê Mực chia sẻ: “Sau một thời gian triển khai chương trình đỡ đầu các em học sinh nghèo, khuyết tật thì tình cảm thầy trò chúng tôi cũng ngày càng gắn bó. Các em không còn giữ khoảng cách với giáo viên miền xuôi nữa. Từ đó, các thầy cô cũng hiểu thêm về hoàn cảnh học sinh nơi đây và kịp thời giúp đỡ các em.

Ban giám hiệu nhà trường cũng thường xuyên kêu gọi các tổ chức, cá nhân giúp đỡ thêm về mặt vật chất, để các đối tượng học sinh khó khăn có thêm điều kiện đến trường”.

Còn ông Phùng Tô Long, phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, bảo rằng: “Chương trình đỡ đầu học sinh nghèo, khuyết tật mà các thầy cô giáo ở các trường địa phương đang thực hiện quá ý nghĩa. Từ những lời động viên, sự chia sẻ, từ những ký gạo, bộ quần áo… bao nhiêu đứa trẻ nghèo khó đã có cuộc đời khác.

Chắc chắn những em học sinh được thầy cô nuôi dưỡng, dạy dỗ bây giờ sẽ chung tay thay đổi bản làng mình trong tương lai. Cảm ơn tất cả thầy cô”.

TRẦN MAI