28/11/2024

Philippines điều tra ‘Biệt đội tử thần Davao’

Thượng viện Philippines quyết định điều tra về sự tồn tại của “Biệt đội tử thần Davao”, vốn bị cho là gây ra hàng loạt vụ giết người không qua xét xử.

 

Philippines điều tra ‘Biệt đội tử thần Davao’

Thượng viện Philippines quyết định điều tra về sự tồn tại của “Biệt đội tử thần Davao”, vốn bị cho là gây ra hàng loạt vụ giết người không qua xét xử.



Ông Arturo Lascanas trong cuộc gặp báo giới ngày 20.2 /// Reuters

Ông Arturo Lascanas trong cuộc gặp báo giới ngày 20.2REUTERS

Phó tổng thống Philippines Leni Robredo ngày 23.2 tuyên bố ủng hộ cuộc điều tra của Thượng viện về sự tồn tại của “Biệt đội tử thần Davao” (DDS) trong thời gian Tổng thống Rodrigo Duterte còn làm thị trưởng Davao. Trang Rappler dẫn lời nhân vật số 2 của chính phủ Philippines nói rằng cuộc điều tra này cần “sự hỗ trợ và hợp tác đầy đủ” của điện Malacanang sau những cáo buộc mới nhất chống lại ông Duterte của một sĩ quan cảnh sát về hưu.
Phát biểu của bà Robredo được đưa ra sau một cuộc họp kín tại Thượng viện hôm 21.2, tại đó các nghị sĩ nhất trí sẽ mở lại cuộc điều tra về mối liên hệ giữa ông Duterte và DDS. “Việc quy những tội ác ghê gớm cho tổng thống là vô tiền khoáng hậu xét về trọng lượng, và không thể bị gạt sang một bên chỉ bằng những lời bác bỏ. Một cuộc điều tra thấu đáo, độc lập và đáng tin cậy của Thượng viện về cáo buộc này cần phải được tiến hành ngay lập tức”, bà Robredo nhấn mạnh.
Giết mướn
Những diễn biến trên xảy ra sau khi cựu sĩ quan cảnh sát Arturo Lascanas cáo buộc ông Duterte từng trả tiền và ra lệnh cho DDS thực hiện các vụ giết người không qua xét xử khi còn là thị trưởng Davao. “Biệt đội tử thần Davao thực sự tồn tại”, Reuters dẫn lời ông Lascanas tuyên bố tại một cuộc họp báo ở Thượng viện hôm 20.2.
Ông Lascanas thú nhận mình từng chỉ huy một biệt đội tử thần và giết người theo chỉ thị của ông Duterte thông qua một tài xế vốn là người thân tín của thị trưởng Davao. “Toàn bộ những vụ giết người chúng tôi tiến hành ở Davao, dù chôn xác hay quăng xuống biển, đều được thị trưởng Duterte trả tiền”, ông Lascanas nói. Ông Lascanas kể rằng các thành viên DDS nhận 20.000 – 100.000 peso (9 – 45 triệu đồng) cho mỗi phi vụ giết người, tùy thuộc vào giá trị của mục tiêu bị nhắm đến.
Tại cuộc họp báo, ông cũng đã kể lại những vụ giết người được người đứng đầu Davao trả tiền như thế. Trong đó, đáng chú ý nhất là vụ đánh bom các đền thờ Hồi giáo hồi năm 1993 để trả đũa sau khi các tay súng Hồi giáo bị cáo buộc đặt bom một nhà thờ Thiên Chúa giáo. Một trong những nạn nhân đầu tiên của họ, một người tình nghi là trùm buôn bán ma túy đã bị bắn chết và bỏ lại xác kèm thông điệp cảnh cáo những người khác là “Đừng tranh đua!”.
Người đàn ông này nói thêm rằng nhóm của ông cũng đã bắn chết một nghi phạm bắt cóc cùng với người vợ đang mang thai, con trai và bố vợ của người này trong một vụ tấn công khác với sự phê duyệt của người đứng đầu chính quyền Davao. Cũng tại cuộc họp báo, cựu sĩ quan cảnh sát Philippines còn thú nhận đã sát hại Jun Pala, người dẫn chương trình đài phát thanh, hay chỉ trích ông Duterte, trong một phi vụ gây nhiều tranh cãi hồi năm 2003.
Khử cả em trai
Ông Lascanas là người thứ hai công khai lên tiếng về những vụ giết người của DDS. Theo Reuters, cáo buộc của ông Lascanas tương tự những tiết lộ do ông Edgar Matobato, một cựu thành viên khác của DDS, đưa ra trong cuộc điều trần tại Thượng viện hồi tháng 9.2016. Matobato cho biết ngay khi đắc cử chức thị trưởng vào năm 1988, ông Duterte đã cho lập nhóm sát thủ mang tên “Những cậu bé Lambada”.
Tờ Inquirer dẫn lời Matobato nói ban đầu nhóm chỉ có 7 người nhưng ngày càng lớn mạnh với số thành viên tăng chóng mặt, quy tụ cảnh sát cũng như các tay súng nổi dậy đã đầu hàng chính phủ. Đến năm 1993, nhóm chính thức đổi tên thành DDS với số thành viên được cho là vào khoảng 300 – 500 người. Matobato thậm chí cáo buộc ông Duterte hồi năm 1993 từng đích thân hạ sát một mật vụ của Bộ Tư pháp được phái đến điều tra những vụ giết người ở Davao.
Sau tiết lộ của ông Matobato, ông Lascanas lập tức phủ nhận sự tồn tại của DDS, được cho là có liên quan đến khoảng 1.400 vụ giết người đáng ngờ trong thời gian ông Duterte cai quản Davao. Tuy nhiên, sau nhiều tháng im tiếng, ông Lascanas bất ngờ thay đổi thái độ trong cuộc họp báo ngày 20.2.
Đài CBS News dẫn lời cựu sĩ quan này cho biết ông quyết định nói ra sự thật về DDS do bị “lương tâm cắn rứt” về cái chết của 2 người em trai mà ông đã ra lệnh giết do sử dụng ma túy. “Tôi đã giết những người em của mình. Ngay cả khi tôi cuối cùng phải chết, tôi cũng hài lòng vì đã hoàn thành lời hứa với thượng đế là đưa ra lời thú nhận công khai”, ông này thổ lộ.
Cũng giống như phản ứng sau tiết lộ của ông Matobato hồi năm ngoái, Tổng thống Duterte đã giữ im lặng trước các cáo buộc từ ông Lascanas. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Philippines từng nhiều lần phủ nhận có liên quan đến các biệt đội tử thần, dù ở cương vị tổng thống hay trong 22 năm làm thị trưởng Davao. Cố vấn pháp lý của ông, Salvador Paneto, cùng Tư lệnh cảnh sát quốc gia Philippines Ronald Dela Rosa cũng phủ nhận sự tồn tại của DDS, coi đây là câu chuyện do truyền thông vẽ ra.
Theo Đài ABS-CBN, hiện các đồng minh của ông Duterte đang nỗ lực cản trở cuộc điều tra của Thượng viện. Tờ Inquirer ngày 23.2 dẫn lời thượng nghị sĩ Leila De Lima, một đối thủ của ông Duterte, cho biết điện Malacanang “đang trong tình trạng hoảng sợ” sau cuộc họp kín của các thượng nghị sĩ.

 

Trùng Quang