Chi phí của doanh nghiệp taxi quá đắt đỏ
Trong khi các doanh nghiệp taxi truyền thống “tố” Uber, Grab lách luật, trốn thuế, cạnh tranh thiếu bình đẳng, thì các chuyên gia kinh tế cho rằng, bất bình đẳng một phần do sự lỗi thời của cơ chế.
Chi phí của doanh nghiệp taxi quá đắt đỏ
Trong khi các doanh nghiệp taxi truyền thống “tố” Uber, Grab lách luật, trốn thuế, cạnh tranh thiếu bình đẳng, thì các chuyên gia kinh tế cho rằng, bất bình đẳng một phần do sự lỗi thời của cơ chế.
Tại hội thảo “Đổi mới quản lý hoạt động taxi bảo đảm công bằng, bình đẳng trong kinh doanh và quyền lợi khách hàng đi xe taxi” hôm qua 23.2, Hiệp hội Vận tải ô tô VN – đơn vị tổ chức, mời đại diện Grab, nhưng không mời Uber tham dự.
Tại cuộc họp, đại diện các doanh nghiệp (DN) taxi truyền thống cho rằng, mỗi lần muốn thay đổi giá cước đều phải làm thủ tục đăng ký trước 3 ngày và phải giải trình lý do tăng, giảm. Trong khi xe hợp đồng chạy Grab, Uber được tự do làm giá, không cần đăng ký giải trình. Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình đề nghị xe Uber, Grab phải được quản lý với các điều kiện hoạt động như taxi truyền thống, không thể phát triển tràn lan. Còn theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, chỉ tính riêng năm 2016 các DN taxi tại TP.HCM đã nộp vào ngân sách nhà nước hơn 1.000 tỉ đồng thuế, phí. Trong khi thực tế, tổng số phương tiện hoạt động của Uber, Grab cao hơn rất nhiều so với taxi truyền thống.
“Cách tính thuế Grab, Uber (3% thuế giá trị gia tăng – VAT trên doanh thu được hưởng) là thấp so với thuế mà taxi truyền thống đang gánh chịu gồm 10% VAT, 20% thuế thu nhập doanh nghiệp. Cách tính này không chỉ thiếu công bằng giữa các đơn vị vận tải taxi và Uber, Grab mà còn thất thu cho ngành thuế”, ông Hỷ nói. Ông Hỷ đề nghị Uber, Grab phải chịu chung mức thuế đang áp dụng với taxi truyền thống, cùng mức 5% thuế VAT nhằm để tăng cạnh tranh, công bằng.
Ở góc nhìn khác, cho rằng Uber và Grab tiết giảm chi phí quản lý nhờ ứng dụng công nghệ, ông Phạm Minh Sương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh, thừa nhận taxi truyền thống cần áp dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, xem xét lại tất cả quy trình quản lý, chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu quả khai thác và bắt kịp xu thế thời đại. Theo PGS-TS Ngô Trí Long, sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa taxi truyền thống và Uber, Grab là do cơ chế đã lỗi thời và cần phải thay đổi, đổi mới về cơ chế. Theo ông Long, mặt hàng nào độc quyền nhà nước mới phải quy định giá trần, nếu cạnh tranh thực sự phải để thoải mái về giá.
Đơn giản hoá thủ tục, tạo bình đẳng
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI), chia sẻ cá nhân ông thích sử dụng Uber, Grab hơn bởi lái xe khi đón khách chăm chút hơn, dịch vụ khác biệt hơn.
“Trong dòng chảy công nghệ này, nếu VN từ chối loại hình kinh doanh mới như Uber, Grab là rất khó, và cũng khó duy trì cách kinh doanh truyền thống, mà phải thay đổi”, ông Tuấn nói và cho rằng, để tạo sự cạnh tranh bình đẳng hơn giữa taxi truyền thống và Uber, Grab, cần đơn giản hoá hơn thủ tục kinh doanh, bình đẳng về thuế phí. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của Uber và Grab cho thấy chi phí quản lý của doanh nghiệp taxi quá đắt đỏ. “Ít quốc gia đưa ra quyết định cấm, ứng xử với mô hình kinh doanh mới không phải là từ chối mà làm sao để người dân được hưởng lợi và DN cần phải thay đổi để thích nghi, hội nhập với quốc tế”, ông Tuấn góp ý.
Còn theo đại diện các Vụ Vận tải và Vụ KH-CN (Bộ GTVT), việc cần làm hiện nay là phải xác định rõ loại hình kinh doanh taxi phi truyền thống trong việc sửa đổi Nghị định 86 mới tạo được sự ổn định trong quản lý nhà nước, cạnh tranh công bằng giữa các DN, tạo động lực cho các hãng taxi ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, một số nước cấp biển riêng cho xe kinh doanh vận tải nhằm tách bạch việc sử dụng xe cá nhân để kinh doanh vận tải, đồng thời phương tiện vận tải hợp đồng phải có sơn, logo trên thành xe, công khai giá cước cho dễ phân biệt.
Liên quan đến vướng mắc liệu có thất thu thuế của Uber, đại diện Vụ Chính sách thuế (Tổng cục thuế, Bộ Tài chính) cho biết mô hình Grab, Uber là liên doanh liên kết, chia sẻ doanh thu, doanh thu của ai người đó có trách nhiệm nộp thuế, DN nộp thuế pháp nhân, cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân. “Uber là DN của Hà Lan không hiện diện tại nước ta nên ấn định thuế trên doanh thu. Các bộ, ngành cũng đã đề nghị Uber phải bổ sung ngành nghề kinh doanh bởi hiện nay chỉ đánh vào pháp nhân nước ngoài. Nếu quản lý được số ki lô mét xe, đầu xe thì có thể thu thuế của lái xe kinh doanh với Uber. Thuế ấn định theo giá trị gia tăng của ngành nghề chứ không phải vì được mức thuế thấp mà họ được lợi nhuận nhiều hơn”, đại diện Vụ Chính sách thuế cho hay.
|
Mai Hà