Nghịch lý thị trường hoa
Tết Mậu Tuất vừa rồi, người Việt đã chi khoảng 400 tỉ đồng để nhập hoa, cây cảnh về chơi, tăng gần 50% so với cùng thời kỳ năm trước, trong khi hoa Việt vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nghịch lý thị trường hoa
Chợ hoa xuân 2018 tại công viên Gia Định (TP.HCM) sáng 30 tết
Thú chơi hoa nhập ở các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội đã phổ biến khá lâu và không ngừng tăng trưởng. Tại thị trường TP.HCM, hoa lan nữ hoàng nhập từ Đài Loan có giá 10 – 15 triệu đồng/chậu, lan hồ điệp 8 tầng với 7 sắc màu có giá lên tới 80 triệu đồng, hoa mẫu đơn chậu nhập từ Đài Loan có giá 5 triệu/chậu 3 bông, hoa protea chậu có giá 1 triệu/bông…
Theo nhiều cửa hàng bán hoa ở TP.HCM, nếu những năm trước khách mua hoa nhập chủ yếu là các doanh nghiệp thì những năm gần đây nhóm đối tượng khách hàng cá nhân cũng gia tăng đáng kể, chiếm khoảng 30% thị trường. Mức tăng trưởng hằng năm khoảng 15%/năm. “Như hoa hồng ba màu, lần đầu chúng tôi nhập về vào tháng 3.2016 chỉ có 500 bông, bán rất chạy. Sau đó mỗi đợt tăng lên vài ngàn bông và hiện nay trung bình khoảng 10 ngày chúng tôi nhập khẩu vài trăm bông”, chị Vân dẫn chứng và cho rằng lượng tiêu thụ hoa nhập khẩu tăng nhờ kinh tế phát triển, thị trường có nhu cầu cao, đa dạng và phong phú hơn. “Để đáp ứng nhu cầu đó chúng tôi luôn tìm kiếm những nguồn hoa chất lượng cao, mới lạ, độc đáo để phục vụ khách hàng. Hoa chúng tôi nhập khẩu từ các thị trường nổi tiếng như: Hà Lan, Ecuador, Nam Phi”, chị Vân nói thêm.
Thị trường hoa nội địa vẫn thường gặp cảnh dội chợ mất giá ẢNH: NGỌC DƯƠNG |
Tình hình nhập khẩu hoa, cây cảnh (bao gồm dạng củ, dạng cây, dạng cành và loại khác) trước dịp tết năm 2018 so với cùng kỳ năm trước NGUỒN: TỔNG CỤC HẢI QUAN
|
Cơ cấu nhập khẩu các loại hoa cây cảnh dịp tết năm 2018 (từ ngày 1.12.2017 – 31.1.2018) NGUỒN: TỔNG CỤC HẢI QUAN
|
Thấp thỏm hoa nội
Cũng như đa số các nông sản khác, hoa – cây cảnh rất nhiều thời điểm cũng rơi vào tình trạng được mùa – mất giá. Thậm chí sau Tết Nguyên đán 2014, nhiều nhà vườn ở Đà Lạt (Lâm Đồng) đã phải chặt bỏ hoa lay ơn cho bò ăn.
Người trồng hoa luôn sống trong tình trạng thấp thỏm, nhất là trước thời điểm thị trường hoa nóng lên vào những dịp lễ, tết. Còn nhớ khoảng 1 tháng trước Tết Mậu Tuất vừa rồi, các nhà vườn trồng cúc, trồng mai ở TX.An Nhơn (Bình Định) đứng ngồi không yên, do thời tiết diễn biến thất thường.
Theo các chủ nhà vườn trồng cúc ở khối Vĩnh Liêm (P.Bình Định, TX.An Nhơn), do mưa lũ cuối năm 2017 và đợt lạnh đầu năm 2018 kéo dài, làm chậm quá trình phát triển tự nhiên của hoa cúc. Các nhà vườn phải thực hiện nhiều biện pháp để cúc ra búp sớm. Tuy nhiên, khi các chậu cúc đồng loạt cho búp thì bất ngờ thời tiết lại nắng ấm, nhiều gia đình lại lo hoa nở sớm.
Người trồng mai ở xã Nhơn An (TX.An Nhơn), nơi được mệnh danh là vựa mai miền Trung, cũng đứng ngồi không yên vì thời tiết. Dựa theo kinh nghiệm, các nhà vườn ở đây đã tính toán điều chỉnh thời gian lặt lá mai phù hợp với thời tiết của từng vùng miền. Nhưng sau mưa, lạnh kéo dài là nắng nóng cũng khiến nhiều người trồng mai lo lắng. Giá mai năm nay tăng không nhiều so với giáp tết năm ngoái nhưng sức mua chậm. Bán sỉ dao động từ 500.000 – 1,2 triệu đồng/chậu từ 3 – 4 năm tuổi, còn lại tùy theo độ tuổi của cây mai mà bán giá từ 2 triệu đồng đến vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng với loại mai cổ thụ, có dáng thế độc.
Theo ông Ma Văn Lợi (53 tuổi, ở thôn Thuận Thái, xã Nhơn An), mọi năm, thời điểm đầu tháng chạp, các thương lái ở miền Nam đã đến Nhơn An chồng tiền mua mai chờ giáp tết chở đi bán. Nhưng năm nay, các thương lái miền Nam đến xã Nhơn An ít hơn hẳn so với các năm trước. Còn thương lái miền Bắc thường đến đặt cọc tiền trước, qua mùng 10 tháng chạp, khi mai có nụ mới dám nhận hàng để chở đi. Tuy nhiên, do năm nay thời tiết khắc nghiệt, thay đổi thất thường nên người trồng mai ở xã Nhơn An không dám nhận tiền đặt cọc vì sợ không có mai để giao, sẽ mất uy tín, ảnh hưởng đến quan hệ làm ăn cho các năm sau.
Cận tết, nhiều nhà vườn cũng mệt mỏi vì tâm lý chờ đến chiều muộn ngày 30 tết mới mua hoa cho rẻ, thậm chí là để xin không vì với nhiều loại hoa, nhà vườn không thể mang về nếu không bán được.
Hoàng Trọng – Võ Diệp
|