Không ít doanh nghiệp như ngồi trên lửa, bởi từ ngày 15.3, Ngân hàng Nhà nước cấm không cho vay đảo nợ, tức vay nợ mới trả nợ cũ.
Hết cửa ‘làm xiếc’ các khoản nợ
Không ít doanh nghiệp như ngồi trên lửa, bởi từ ngày 15.3, Ngân hàng Nhà nước cấm không cho vay đảo nợ, tức vay nợ mới trả nợ cũ.
Nợ mới không “cứu” được nợ cũ
Khi quy định cấm cho vay đảo nợ được thực thi, việc che giấu nợ xấu, nợ quá hạn sẽ phần nào bị hạn chế; bức tranh nợ xấu, nợ quá hạn sẽ sáng rõ hơn. NH và DN không thể bắt tay với nhau “làm xiếc” nợ xấu thông qua cho vay nợ mới, trả nợ cũ
TS Cao Sĩ Kiêm
Quy định này nằm trong Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành. Theo đó, kể từ ngày 15.3.2017, các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ không được cho khách hàng vay trả khoản nợ vay tại chính TCTD đó (cho vay đảo nợ). Không được cho vay để trả nợ khoản nợ vay tại TCTD khác và trả nợ khoản vay nước ngoài (trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Phục vụ hoạt động kinh doanh; thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn còn lại của khoản vay cũ; khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ).
Vay đảo nợ, theo quy định cũ là nghiệp vụ quá nhiều rủi ro, không phản ánh đúng năng lực của cả NH, doanh nghiệp (DN). Theo luật gia Vũ Xuân Tiền, trước kia các DN thường lợi dụng vay đảo nợ để “cơ cấu” lại nợ cũ. Đây là dấu hiệu cho biết hoạt động kinh doanh đang rất xấu, công tác quản trị kinh doanh có những yếu kém nghiêm trọng. DN có thể lâm vào tình trạng phá sản trong thời gian không xa nếu ông chủ không có những biện pháp quyết liệt và hiệu quả để khắc phục.
Nguyên Thống đốc NHNN TS Cao Sĩ Kiêm đánh giá, nhìn bề ngoài đảo nợ tạo ảo giác về các khoản nợ được hoàn trả tốt, tỷ lệ nợ xấu hay nợ quá hạn giảm xuống nhưng thực chất thì không phải vậy. Thực tế nếu đảo nợ được thực hiện quá dễ dàng và không được kiểm soát tốt thì người vay sẽ chẳng phải ý thức đến việc phải sử dụng vốn vay hiệu quả và trả nợ theo cam kết. Nợ cứ xoay vòng như vậy cho đến một lúc nào đó sẽ nổ tung như quả bom. “Khi quy định cấm cho vay đảo nợ được thực thi, việc che giấu nợ xấu, nợ quá hạn sẽ phần nào bị hạn chế; bức tranh nợ xấu, nợ quá hạn sẽ sáng rõ hơn. NH và DN không thể bắt tay với nhau “làm xiếc” nợ xấu thông qua cho vay nợ mới, trả nợ cũ”, TS Kiêm nhìn nhận.
Quyết định này chắc chắn cũng sẽ khiến nhiều DN, đặc biệt các “đại gia” đang có khoản nợ lớn tại các NH như ngồi trên đống lửa. “Hoạt động kinh doanh sẽ càng căng thẳng hơn khi DN không được vay các khoản nợ mới để đáo hạn hoặc kéo dài thời gian cho các khoản nợ cũ”, một chuyên gia NH nhận xét.
Ông Ngô Thành P., giám đốc một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội lo lắng: “Một loạt hợp đồng của tôi đã được ký kết, hàng xuất đi và chờ tiền về. Công ty cũng đang còn một món nợ tại NH, chúng tôi đang tính vay thêm để thanh toán lãi, gốc và thế chấp bằng các hợp đồng đã ký kết để đảm bảo. Nhưng với quy định mới này thì khó khăn quá”.
Nên cân nhắc từng đối tượng
Chuyên gia tài chính – TS Bùi Quang Tín cho rằng trong kinh doanh, không phải lúc nào DN cũng gặp thuận lợi về thị trường, khách hàng, nhà cung cấp, đối tác hay tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Do đó, việc không được tái cơ cấu nợ sẽ khiến DN chịu thiệt thòi, mất cơ hội phục hồi trong tương lai. Theo ông Tín, trong thời gian qua, hầu như NH nào cũng có sản phẩm cho vay tái tài trợ. Với phương thức cho vay này, DN được vay với lãi suất thấp hơn và nhận nhiều khuyến mãi hơn khi hợp đồng vay vốn cũ đã kéo dài được vài năm. Từ 15.3, DN không được chuyển món nợ vay từ NH này qua NH khác để hưởng mức lãi suất tốt hơn, đàm phán lại chu kỳ trả nợ sẽ gặp khó khăn hơn.
Còn một trường hợp khác, vẫn theo ông Tín, khách hàng cần tái tài trợ là khi giá trị tài sản đảm bảo lớn, khách hàng muốn vay thêm (ví dụ để mở rộng sản xuất kinh doanh) nhưng NH cũ không đồng ý. Trong trường hợp này, khách hàng cần một NH khác cho vay tái tài trợ để chuyển toàn bộ nợ vay và tài sản đảm bảo sang NH mới này. Như vậy, cho vay tái tài trợ có thể giúp khách hàng giảm chi phí lãi vay, cải thiện dòng tiền trong tương lai, nhưng khi áp dụng quy định mới thì khách hàng không thể thực hiện theo cách này mà vẫn phải ở lại với NH cũ với các quy định không thuận lợi.
Từ phân tích trên, ông Tín và nhiều chuyên gia cho rằng NHNN siết cho vay đảo nợ, không cho vay tái tài trợ là cần thiết nhưng cần cân nhắc xem xét có nên cấm hoàn toàn hay mở cho một số đối tượng làm ăn tốt, có đủ khả năng hồi phục trả được nợ hay không. Bởi khi DN gặp khó khăn về dòng tiền thì NH cũng khó có khả năng thu hồi vốn và lãi đúng thời hạn trong hợp đồng cấp tín dụng.
Dưới góc độ của nhà đầu tư nước ngoài, ông Han Dong-hee, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại VN đánh giá, việc cấm cho vay để đảo nợ là nhằm mục đích ngăn chặn hiện tượng vay nợ mới, trả nợ cũ. Các DN vay tiền một cách liều lĩnh và mạo hiểm có thể dẫn đến phá sản, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, nhưng việc cấm đảo nợ cũng khiến DN gặp nhiều khó khăn. Ông Han Dong-hee đề xuất các quy định về đảo nợ nên được áp dụng với đối tượng là NH VN, không cần thiết áp dụng với NH nước ngoài vì các NH này có các công cụ an toàn khi gia hạn khoản vay, trên cơ sở xem xét tổng mức tín dụng của công ty mẹ bên Hàn Quốc và công ty con ở VN.