29/11/2024

Kẻ phá bĩnh tổng thống Mỹ

Là nhà vô địch cờ vua cự phách, Tổng chưởng lý bang Washington, ông Bob Ferguson tính trước các nước cờ của ông Donald Trump để rồi phản công như chớp trước toà.

 

Kẻ phá bĩnh tổng thống Mỹ

Là nhà vô địch cờ vua cự phách, Tổng chưởng lý bang Washington, ông Bob Ferguson tính trước các nước cờ của ông Donald Trump để rồi phản công như chớp trước toà.



Nhìn vẻ bề ngoài, ông Bob Ferguson không giống một đối thủ gai góc của Tổng thống Donald Trump  /// AFP

 

Nhìn vẻ bề ngoài, ông Bob Ferguson không giống một đối thủ gai góc của Tổng thống Donald TrumpAFP

Mới 51 tuổi, trông Tổng chưởng lý Ferguson còn trẻ hơn rất nhiều với mái tóc đen dày, gương mặt hiền từ, sáng láng giống như một nhà nghiên cứu chỉ thích sự yên ắng của phòng thí nghiệm. Ông mê leo núi và có thể bỏ ra hàng giờ để ngắm chim. Trông Ferguson không phảng phất tí nào dáng dấp của một “thầy cãi” ưa đấu tố, tranh tụng trước tòa, càng không có vẻ gì là đối thủ gai góc của Tổng thống Donald Trump, với vụ kiện chống lại sắc lệnh di trú làm chấn động cả thế giới.
Hãng thông tấn AFP đưa tin trong đơn kiện, Tổng chưởng lý Ferguson đã dẫn lại nhiều tuyên bố đầy tranh cãi của ông Trump suốt chiến dịch tranh cử tổng thống trước đây, chẳng hạn cam kết “sẽ ngăn chặn tuyệt đối và toàn bộ người Hồi giáo vào Mỹ” để chứng minh cho luận điểm sắc lệnh của ông Trump xuất phát từ động cơ “thù hận và ý định muốn gây hại cho một nhóm người cụ thể”.
Đọc vị đối thủ
Khó có thể ngờ rằng chỉ trong vòng 3 ngày sau khi Tổng thống Trump ban hành sắc lệnh di trú hạn chế nhập cảnh đối với công dân 7 nước có đa số dân theo đạo Hồi, Tổng chưởng lý Ferguson đã đưa nhà lãnh đạo Mỹ ra toà với bộ hồ sơ dày cộp, chứng minh sắc lệnh của ông là vi hiến và đi ngược lại giá trị Mỹ. Tổng chưởng lý Ferguson không thể thần tốc đến thế. Thật ra ông đã chuẩn bị cho viễn cảnh đó từ lâu trước khi Tổng thống Trump đặt bút ký vào sắc lệnh đầy tranh cãi này. Chính ông tiết lộ: “Nội bộ chúng tôi đã bàn thảo nhiều về hành động tổng thống có thể làm. Không phải đợi tới lúc bùng nổ, chúng tôi mới bắt đầu”.
Những người biết rõ Ferguson đều nhận định xưa nay ông luôn là một nhà hoạch định chiến lược cừ khôi. Ông đã học được điều đó từ chính niềm đam mê của mình: cờ vua. Ferguson từng 2 lần đoạt giải vô địch cờ vua bang Washington lúc mới hơn 20 tuổi. Hãng tin AP dẫn lời ông khi nói về nước cờ của mình sau sắc lệnh di trú: “Cờ vua dạy anh cách đoán trước mối đe dọa và nước đi của đối phương. Nếu anh để đối phương gây bất ngờ cho anh, coi như anh gặp rắc rối rồi”.
Lúc Tổng thống Trump ký ban hành sắc lệnh di trú hôm 27.1, Tổng chưởng lý Ferguson đang dự họp ở bang Florida. Về đến sân bay quốc tế Seattle-Tacoma ở thành phố SeaTac (bang Washington) trong cảnh hỗn loạn, ông Ferguson đi thẳng đến Seattle để gặp các cộng sự, chạy đua với thời gian để chuẩn bị cho vụ kiện gây ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp của mình từ trước đến nay. Vị luật sư số 1 của chính quyền bang Washington đã so sánh những ngày đó hệt như một cuộc thi đấu cờ vua vòng tròn không ngơi nghỉ và phải hành động thật nhanh. Lý do: sắc lệnh của tổng thống Mỹ “đụng đến quyền hiến định”. Và 72 giờ đồng hồ là khoảng thời gian ông cần.
Chiến thuật không giống ai
Cũng trong 72 giờ đồng hồ đó, ông Ferguson đã huy động được sự ủng hộ mạnh mẽ cho hành động của mình. Đài NPR đưa tin khoảng 100 công ty, hơn một chục bang và nhiều cựu lãnh đạo ngoại giao, tình báo đã nhanh chóng ủng hộ vụ kiện của bang Washington. Quyền lợi kinh tế của toàn bang được đặc biệt chú trọng, trong đó ông Ferguson nhấn mạnh kinh tế Washington phụ thuộc rất nhiều vào thương mại quốc tế, vào nguồn dân cư đa dạng, đa sắc tộc của bang.
Hàng loạt gã khổng lồ công nghệ đã ủng hộ vụ kiện này. Amazon – công ty tuyển dụng 40.000 nhân viên chỉ riêng ở Washington tuyên bố nhân viên của mình “đến từ mọi ngóc ngách trên khắp nước Mỹ và mọi ngóc ngách trên khắp thế giới”, rằng chính điều này làm nên sự vĩ đại của công ty vì “nguồn nhân lực đa dạng giúp chúng tôi làm nên những sản phẩm tốt hơn cho người tiêu dùng”. Microsoft thì tuyên bố sẵn sàng ra điều trần trước toà nếu cần.
Cũng có nhiều vụ kiện chớp nhoáng khác được tiến hành đối với sắc lệnh di trú nhưng chúng chỉ dựa trên cơ sở cá nhân, dù là khởi kiện tập thể nhưng vì quyền lợi riêng lẻ: yêu cầu trả tự do cho những cá nhân nhập cảnh hợp pháp vào Mỹ bị tạm giữ theo sắc lệnh di trú. Trong trường hợp tốt nhất cho nguyên đơn, toà án chỉ đáp ứng đúng yêu cầu của họ, không thể làm gì hơn.
Riêng bang Washington kiện sắc lệnh vì làm gây hại đến quyền lợi của cả bang này, dẫn chứng sự tổn hại của hàng loạt trường đại học, doanh nghiệp, các cơ quan thuế và công dân của bang, từ đó yêu cầu tòa tuyên sắc lệnh di trú là vi hiến, là vi phạm luật liên bang và trên cơ sở đó, yêu cầu đình chỉ áp dụng nó trong thời gian chờ xét xử.
Tổng chưởng lý Ferguson kể ông biết tham vọng của mình chứa đựng nhiều rủi ro với một chiến thuật pháp lý chưa từng được thử nghiệm, có điều do đã thấy ngay từ đầu là nước cờ của tổng thống vi hiến nên phải ngăn chặn nó hoàn toàn. Tự nhận mình là người “tin vào rủi ro đã được tính toán”, ông Ferguson không chần chừ một giây phút nào để đi nước cờ quyết định.
Cũng rất nhanh chóng, Tòa liên bang địa hạt Tây Washington – nơi ông Ferguson nộp đơn kiện – đã tuyên tạm hoãn sắc lệnh di trú của ông Trump theo đúng yêu cầu của nguyên đơn. Khi chính quyền Mỹ kháng cáo, yêu cầu khẩn cấp ngừng thi hành phán quyết kể trên, Toà phúc thẩm liên bang khu vực số 9 đã bác yêu cầu của chính quyền, giữ nguyên thắng lợi của bang Washington và ông Ferguson. Cuộc chiến pháp lý về sắc lệnh di trú đầy tranh cãi còn lâu mới chấm dứt nhưng Ferguson tuyên bố sẽ đi tới cùng.

 

Kiều Oanh